Sau một thời gian trường kỳ kiêng kỵ hết sức nghiêm túc, ngày vợ khai hoa nở nhụy cũng đang gần kề. Hạt giống đỏ của dòng họ, đứa con đầu đời của trai trưởng (tức là tôi) sắp đến với trái đất này.
Khỏi phải nói, kính thưa họ nhà ngoại, kính thưa họ nhà nội đều hết sức quan tâm đến sự kiện mang tầm liên thông gia này. Từ đầu cầu nhà nội, các cụ đã tổ chức một cuộc hội ý ngắn và đưa ra quyết định, điều mẹ tôi tức là mẹ chồng của vợ tôi cấp tốc ra thường trú tại gia đình vợ chồng trai trưởng đặng toan lo cho nàng dâu vẹn toàn đến ngày sinh đẻ.
Chuyện. Con trai đầu của thằng trai đầu lại sắp nối ngôi trưởng tộc dòng họ đùa thế nào được. Bất chấp sự phản đối của tôi, từ đầu cầu nhà nội bố tôi vẫn quả quyết: “Cả nhà thống nhất rồi, mẹ mày phải ra”. Tôi băn khoăn nói trong điện thoại: Thế bố không sợ nữa à ?. “Không, vì cháu tao bảo với mẹ mày là bất chấp mọi nỗi sợ, phải hi sinh hết, phải nhấn nhịn hết”, tiếng cụ thân sinh dõng dạc.
Hình minh họa
Số là trước kia khi biết tôi sắp sửa lấy gái Thủ đô làm vợ, bố tôi trăn trở lắm, điều trăn trở lớn nhất của cụ đó là: “Mình là gia đình nông thôn, nghèo khó lam lũ, hiểu biết có hạn, sau này vợ chồng con sinh con sinh cái, nhà nội không ra chăm cháu cũng không xong, mà ra rồi thì mẹ chồng quê mùa, con dâu thành phố lại như đũa va mâm.. e rằng căng thẳng con à”.
Đầu lưỡi là nói vậy, nhưng khi tôi đưa nàng dâu tương lai về ra mắt, thấy nàng nhanh nhảu xinh tươi, lại không có vẻ gì quan trọng sự khác biệt ấy, cụ cũng nhiều phần an tâm. Tuy nhiên, cái băn khoăn ấy vẫn cứ thường trực trong người.
Đúng hẹn, mẹ tôi có mặt tại Hà Nội bắt đầu “nhiệm kỳ” lần thứ nhất chăm nàng dâu thời kỳ đêm trước của sinh đẻ. Giai đoạn đầu diễn ra vô cùng thuận lợi, tôi suýt đã tin rằng hóa ra mẹ chồng nàng dâu khi ở gần nhau không kinh khủng như mấy thằng bạn kể, thế nhưng giai đoạn sau thì bắt đầu phức tạp.
Nàng dâu ghê gớm thì ngày càng ghê gớm, mẹ chồng thì vốn hiền lành nhu mì, trải qua một thời gian quen thân với một số mẹ chồng ở cùng khu tập thể do tích cực buôn với nhau cũng không phải là người dễ qua mặt.
Gần đến ngày sinh, mẹ tôi bắt nàng dâu phải tích cực đi lại cho dễ sinh. Đáp lại, nàng dâu bĩu môi đáp: Bây giờ công nghệ tiên tiến lắm mẹ ơi, khó sinh ta mổ đẻ, lo gì?.
Mẹ tôi ngay lập tức chuyển lý do: Nghe bảo đi lại nhiều con cái còn thông minh sau này hoạt bát con ạ. Thế rồi cứ nắm lấy tay con dâu mà đẩy đi. Bên cạnh đó, mẹ tôi còn bê vác đâu đó các loại đồ ăn thức uống mà theo truyền thuyến dân gian là làm cho con khỏe, đẻ con thông minh. “Kinh khủng nhất là món trứng ngỗng anh ạ. Mẹ cứ bảo món đó ăn vào thì trẻ con 10 đứa 9 đứa thông minh, đứa còn lại ít thông minh hơn một tí thôi. Mà trứng đó vừa to, ăn vừa ngán”, vợ tôi phân trần.
Chiến tranh liên miên xảy ra. Đi làm về, cảnh tượng thường thấy đó là nàng dâu bậm môi ngồi một bên, mẹ vợ quay mặt nhìn một hướng. Cả hai dường chỉ muốn vớ lấy cái thằng tôi để mà kể xấu đối tác. Thế là tôi bất đắc dĩ trở thành nơi xả bực tức của hai người đàn bà.
Đỉnh điểm của sự leo thang căng thẳng đó là ngày thứ bảy, khi mẹ tôi vẫn vô tình như một số mẹ chồng khác vừa nhặt rau vừa nhắc đến câu nói kinh điển: Rau này ở quê không đổ đi thì cũng chỉ băm cho lợn ăn thôi.
Cũng đúng tâm lý phổ biến, vợ tôi cong cớn như cảm thấy mình bị so sánh như lợn. Tuy nhiên, nàng không hề chịu thua mà âm ỉ ủ mưu. Đợi đến bữa cơm, nàng chỉ ăn uống qua loa rồi hễ thấy mẹ chồng hay tôi có biểu hiện sắp xới thêm cơm là nàng đong đưa dành xới, rồi lại cắm đũa ngồi yên.
Đến lúc không chịu được nữa, mẹ tôi mới mở lời: “Con ăn đi chứ, đừng lo cho mẹ”. Nhìn thấy thời cơ xuất hiện, người đàn bà số hai tức vợ tôi lấy đà buông ra một câu: “Mẹ không phải lo đâu ạ, ngày xưa chưa lấy chồng con còn chăm cả một đàn cún mấy con có sao đâu ạ”.
Sau câu nói đó, người đàn bà số một tức mẹ tôi đã quyết định trở về quê bất chấp sự can ngăn của thằng con trai và động thái giả vờ can ngăn của cô con dâu. Kết thúc trước thời hạn nhiệm kỳ chăm con chăm cháu.