Sau khi Vân sinh xong hai đứa con cho chồng, mẹ chồng cô đã bắt vợ chồng phải ngủ riêng vì bảo rằng ngủ chung sẽ ảnh hưởng đến con.
Vân và Cường yêu nhau được 4 năm thì quyết định về sống chung một nhà. Bạn bè, người thân của chị ai cũng mừng cho chị vì có được một tình yêu đẹp và “rơi” vào gia đình có điều kiện. Nhưng có lẽ chỉ có mình Vân mới hiểu được nỗi khổ của mình.
Cách đây mấy năm bố chồng mất sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư. Mẹ chồng chị vốn là một người phụ nữ truyền thống điển hình, hết mực yêu thương con trai. Cường là con một nên kết hôn xong hai vợ chồng phải sống cùng với bà.
Ngay từ hồi lấy nhau, Vân đã biết mẹ chồng không hài lòng về cô lắm. Bà chê cô “cù lần” và xấu hơn “con vàng con bạc” của bà. Tuy nhiên, chị vẫn hy vọng với tình yêu của chồng cùng tấm lòng chân thật của mình sẽ lay chuyển được suy nghĩ của mẹ chồng.
Chị cũng nghĩ rằng có thể do bà mất đi người chồng của mình nên khái tính vậy. Chị chỉ thương bà và nghĩ đơn giản khi về làm dâu sẽ cố gắng trở thành con dâu thảo quan tâm, chăm sóc cho bà nhiều hơn. Nào ngờ khi đã về làm dâu, dù chị làm gì mẹ chồng cũng không ưng ý.
Chị cũng không hiểu vì sao mẹ chồng lại thích can thiệp vào đời sống riêng của hai vợ chồng quá mức. Vợ chồng chị có phòng riêng nhưng cứ đi làm về lên phòng là lại thấy mọi thứ trong phòng đảo lộn, đồ đạc xoay từ góc nọ qua góc kia vì cho rằng như vậy sẽ hợp lý hơn.
Không chỉ vậy, bà còn mặc sức lục tủ quần áo của chị ra để ngó nghiêng, bình phẩm. Chịu hết nổi, chị nói với chồng làm chìa khóa để khóa phòng lại, nhưng bà lại mượn chồng chị chìa để đi đánh thêm.
Thậm chí bà còn “ghen” với chị mỗi lần thấy anh tỏ ra gần gũi, chăm sóc cho chị. Đấy là còn chưa kể hai vợ chồng Vân cứ phải lén lút, thậm thụt, như kẻ trộm khi muốn được ngủ cùng nhau… Sau khi Vân sinh cho Cường được hai đứa con kháu khỉnh, một trai và một gái, chị những tưởng mẹ chồng sẽ thay đổi.
Nào ngờ, mẹ chồng bảo “vợ chồng con từ giờ không nên ngủ cùng nhau nữa. Hai đứa nhỏ nhìn vậy sẽ không tốt cho chúng”. Không chịu được sự vô lý của mẹ chồng, chị nói với chồng. Chồng chị phải cái rất dễ tính, luôn nghe theo mẹ nên kiểu gì cũng có thể xuôi theo.
Ảnh minh họa
Anh nói rằng, ngủ cùng với vợ con ban đêm toàn mất ngủ vì mẹ con chị hay lục đục, ngủ riêng có thể ngủ ngon tới sáng. Nghe anh nói vậy, mẹ chồng chị càng được thể. Anh bảo chị hãy vì anh đừng để ý đến những điều mẹ anh nói, phải thông cảm cho bà,
Kể từ đó, chị chẳng được ngủ cùng chồng một cách đàng hoàng mà cứ phải lén lút. Đã mấy năm nay, cứ đêm khuya khi bà và hai con đã ngủ, chồng chị lại xuống kéo chị lên tầng ngủ cùng. Nhiếu lúc cảm thấy rất chạnh lòng và mệt mỏi nhưng cũng không biết phải làm sao.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, không ít mẹ chồng vì “ghen” nên luôn có những can thiệp thái quá tới gia đình của con, bất chấp con trai và con dâu có đồng ý hay không. Với người con trai sẽ không thấy có vấn đề gì khi đã quen với điều ấy. Nhưng với nàng dâu lớn lên từ một sự giáo dục khác sẽ cảm thấy ngạt thở khi bị mẹ chồng can thiệp thái quá.
Tâm lý của người mẹ chồng khi có con dâu thường tìm cách bới móc con dâu vì thấy con trai yêu vợ hơn mình. Với tư tưởng con dâu cướp tình yêu thương, sự quan tâm mà vốn dĩ trước đây con trai luôn dành cho mẹ. Tình yêu ích kỷ ấy có thể biến mẹ chồng thành những người nhỏ mọn, tính toán, “ghen” với con dâu từng li từng tí.
Sống chung với mẹ chồng, người chồng sẽ là nhân tố vô cùng quan trọng khiến mối quan hệ giữa hai người này tồi tệ hay gắn kết, vui vẻ. Gặp phải mẹ chồng “quái chiêu”, người con dâu không nên thỏa hiệp hoặc lờ đi để sống cho yên thân mà hãy chia sẻ để chồng hiểu.
Ở trường hợp này, con dâu cũng nên tâm sự với mẹ chồng về sự ngột ngạt của mình và nói rõ mong muốn được sống yên vui và có thể yêu cầu bà không nên can thiệp thái quá vào cuộc sống gia đình mình.