Nối tiếp phần I tâm thư gửi con dâu tương lai, nhà báo Hoàng Hường tiếp tục viết cho các con lá thư chân thành, thú vị khác.
Sau những lời tâm sự chân thành gửi cho cô con dâu tương lai của mình của nhà báo Hoàng Thu Hường , có rất nhiều ý kiến ủng hộ cũng như thể hiện sự thích thú đối với cách nói hóm hỉnh của chị về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, cách chị dạy cô con dâu "còn chưa xuất hiện" của mình.
Nối tiếp tâm thư thú vị đó, chị Hoàng Hường tiếp tục "dốc bầu tâm sự" với cô con dâu tương lai mà lần này, nhân vật chính được chị nhắc đến nhiều lại là con trai của mình. Thông qua đó, người ta có thể hiểu thêm cách gia đình chị Hoàng Hường đang dạy dỗ con của mình, để cậu con trai khi lớn lên có thể trở thành người đàn ông đủ chững chạc, xứng đáng làm người chồng, người cha. Sau đây là toàn bộ tâm thư phần 2 của chị Hoàng Hường gửi cô con dâu tương lai của mình:
"Gửi con dâu tương lai – Phần 2
Gửi ấy!
Cho dù ấy là một trong những người tuyên bố “chờ” con tớ lớn; là bạn trang lứa, đang học mẫu giáo hay nằm nôi… thì tớ cũng hứa viết nốt cho ấy thư này thôi, không ấy lại bảo tớ lèm bèm.
Mấy vấn đề tớ nói, ấy ngẫm thật sâu sắc nhé:
1, Giá của nửa căn hộ: chỗ phụ nữ với nhau, tớ nói thật: nếu thằng con tớ đã có nửa căn hộ treo lơ lửng làm động lực, mà nó không chịu cong mông kiếm nốt, thì tớ khuyên thành thực ấy đừng lấy. Cái giá của 1/2 căn hộ còn lại chính là sự trưởng thành, trách nhiệm, sự nỗ lực và kỹ năng. Khi nó phấn đấu kiếm được dù 1/4 căn hộ thôi, 1/4 còn lại huy động được, kể cả từ ấy hay từ… bố mẹ ấy thì nó bắt đầu là người đàn ông trưởng thành rồi.
Làm được bố mẹ ấy giao cả con gái lẫn 1/4 căn hộ thì nó phải là đứa chững chạc đáng tin cậy, ít nhất là có kỹ năng thuyết phục, chứ một thằng ba vơ “nhìn mặt đã ghét” thì không có chuyện ấy đâu. Lúc đó ấy hãy suy nghĩ đến việc xây dựng cuộc sống với nó. Một thằng con trai không/ chưa tự vun đắp được điều gì, chỉ ngồi chờ mẹ bón cơm, vợ giặt áo, bố cho nhà là em chã thôi, không phải đàn ông đâu.
2, Giá của tự lập: nó được tự do làm chồng ấy, tự do làm cha của con ấy, nó sẽ nếm trải sự vất vả làm người đàn ông của gia đình. Một đồng tiền kiếm ra quý giá, một phút bên vợ con đáng nâng niu, và dù muốn dù không cũng phải sắp xếp thời gian công việc hợp lý để chăm con yêu vợ. Nếu tớ và ấy lăn lưng bế con cho nó, nó tểnh tênh lượn, thì tớ nghi ngờ đấy.
Về phần tớ, các ấy dọa “không hầu con ấy, sau này già không ai chăm”. Tớ (lại) nói thật: một thằng con trai được bố mẹ hết lòng yêu thương nuôi ăn học đầy đủ, mà không chăm sóc giúp đỡ bố mẹ khi đau ốm (thi thoảng thôi, tớ chả ốm cả đời đâu) thì ấy đừng mong đợi gì ở nó, ngoài bất hạnh.
Còn ấy, ấy có một người đàn ông để yêu, nửa căn hộ để ở, thi thoảng đến giúp bố mẹ người đàn ông của mình mà không làm được, thì là bất hạnh của cả hai ấy, giữa hai ấy thực ra chả có yêu thương, chỉ có tính toán. Đó là tình cảm. Về lý ấy không chăm thì tớ trả lương hậu hĩnh cho người khác, họ sẽ chăm tớ kỹ lưỡng. Tài sản lẽ ra các ấy được thừa kế tớ bán tiêu dần. Các ấy đừng buồn!
3, Giá của đức tin: về chuyện hương khói thờ cúng. Hầu hết các ấy đang có vẻ nhầm lẫn về việc người “hưởng lợi” trong việc này. Trong suy nghĩ của tớ, những gì thuộc về tâm linh, đức tin hoàn toàn là vì… người sống.
Khi tớ thờ cúng tổ tiên, tâm tưởng tớ tràn đầy kỷ niệm về cha mẹ; sợi dây tâm thức gắn kết tớ với nguồn cội ký ức, mang lại cho tớ cảm giác ấm áp, yên bình, đầy yêu thương; giống như cây cội hướng về gốc rễ, suối nước nhớ về nguồn. Tớ dắt chồng ấy đứng chắp tay trước bàn thờ là để xây đắp cho nó điều đó; chứ người chết chẳng “hưởng lợi” đâu.
Các ấy dọa tớ không hầu hạ các ấy sau này tớ chết ấy không nhang khói, thực ra là ấy tước bỏ quyền lợi của các ấy và con ấy thôi, chứ không phải của tớ đâu. Chưa kể, nếu có thế giới khác tồn tại thật, tớ cũng có cuộc sống riêng của mình. Có khi đang lang thang phiêu bồng với một tiên ông nào đó, các ấy lại xì xụp gọi tớ về, được miếng cỗ cúng lại bị nhờ vả đủ thứ.
Mà nói luôn, kiếp này tớ không làm bác sĩ sản khoa, không phải doanh nhân hay quan chức; tớ không giúp được các ấy đẻ con cháu hay làm giàu đâu. Tớ chỉ biết mỗi chém gió, gõ bàn phím; các ấy có tha thiết lắm thì tớ cũng chỉ biết đêm rỉ tai mấy bí kíp giật title, câu like chứ chả giúp gì được đâu!
Vậy ấy nhé!
Mẹ chồng Hoàng Hường"
Còn bạn thì sao? Quan điểm của bạn về chuyện mẹ chồng - nàng dâu ngoài đời thật như thế nào? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi bằng cách gửi email về: chiase@khampha.vn nhé!
>> Xem ngay: Tâm thư gửi con dâu tương lai phần I: "Chồng ai nấy quản... con ai nấy nuôi"