Tội ác máu lạnh và “thua, đủ” của truyền thông

Ngày 10/07/2015 09:31 AM (GMT+7)

Báo chí không thể làm thay việc của các nhân viên điều tra và cho mình quyền phán xét khi chưa có căn cứ, đẩy người bình thường trở thành "hung thủ tình thế".

Vụ tàn sát 6 người trong gia đình của ông chủ xưởng gỗ ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) làm dư luận bàng hoàng, phẫn nộ vì hành vi tàn ác của hung thủ. Dư luận cả nước quan tâm sát sao đến vụ án này, bởi lẽ, ai ai cũng mong kẻ ác thủ máu sớm sa lưới cơ quan pháp luận và đền tội về tội ác mà mình gây ra.  

Vụ án đã trở thành điểm nóng của báo giới trong những ngày qua.  

Thế nhưng, không phải vì sự quan tâm đặc biệt của dư luận mà giới truyền thông lại làm thay chức năng của cơ quan điều tra, vội vã đưa ra những thông tin ban đầu từ những lời kể, khiến có những người bỗng dưng trở thành “Hung thủ tình thế”, làm họ hoang mang, lo sợ, phải sống trong sự nghi ngờ của dư luận.  

Từ một lời kể của một nữ công nhân tên Lệ đăng tải trên báo, bỗng dưng gần chục người mới được ông chủ xưởng gỗ cho nghỉ việc trở thành “Hung thủ tình thế” mà dư luận cứ “chứ còn ai khác nữa”. Bà giúp việc cũng ở trong diện nghi ngờ của dư luận khi báo giới thông tin là người đầu tiên phát hiện vụ án.

“Đến tầng 1 thấy vợ chồng và con trai ông chủ bị giết, bà chạy vội lên tầng 2…”. Người đọc không thể không đặt câu hỏi về sự bình tĩnh đến ghê lạnh của người giúp việc. Lại bàn tán, lại nghi ngờ vì sao bà giúp việc lại đủ can đảm để chạy tiếp lên tầng 2? Báo thì đưa tin, bé gái út của ông chủ xưởng gỗ hôm ấy theo bà giúp việc về nhà nên thoát chết, báo thì lại “Bé gái vẫn còn ngủ trên giường ngay bên cạnh người mẹ đã chết…”.

Tội ác máu lạnh và “thua, đủ” của truyền thông - 1

 Vụ án đã trở thành điểm nóng của báo giới trong những ngày qua

Ông chồng của bà giúp việc buồn bã vì đâu đâu cũng bàn tán về vợ  mình, có người còn nói bóng nói gió chuyện vợ ông với tang chứng, vật chứng rằng báo chí viết đây này. Ông không dám nói một lời nào hơn, chấp nhận sống trong sự nghi ngờ của dư luận.  

Rồi mấy anh công nhân mới bị ông chủ cho nghỉ việc cũng hết hồn khi nghe người khác bàn tán, nhìn mình bằng con mắt đầy hoài nghi, kể cả mấy ông chủ xưởng gỗ cũng đầy tâm trạng khi một tờ báo thông tin rằng “Không có dấu hiệu giết người để cướp của” vì “Số tiền hơn 1,7 tỷ đồng ông chủ mới lãnh từ ngân hàng về trả lương cho công nhân không bị mất, két sắt của gia đình không bị cậy phá, chắc là sự trả thù vì cạnh tranh trong đấu thầu gỗ cao su...”.  

Nghĩa là, chỉ trong mấy ngày mà báo chí đã tung ra hàng loạt những nghi vấn mà mới chỉ là từ những lời kể ban đầu, khiến người đọc từ chỗ rất quan tâm đến vụ án đâm ra nghi ngờ thông tin mà báo chí đưa ra, phải chăng vì mục đích “câu view”?   Một lời kể của người hàng xóm, của một người làm công, một người bạn của con ông chủ..cũng được báo chí khai thác tối đa. Chưa kể đến một tờ báo còn đăng ảnh của  cả 6 nạn nhân, rồi bé gái con út của ông chủ cũng được báo giới “săn” kỹ, đến mức đã có người phải viết những dòng chữ rút ruột “Xin báo chí buông tha bé Na”, “Liệu có cần thiết đưa hình ảnh, gương mặt ngơ ngác của đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi?”   Từ thông tin vụ án thương tâm này, dư luận đang lấy lên quan điểm về “Hành lang nhân văn” của báo giới. Trong khi gia đình nạn nhân đang vô cùng đau đớn vì sự mất mát quá lớn lao này, thì những bài báo, những hình ảnh trên báo chí lại cứa thêm nhát dao vào trái tim họ.

Đã có một thống kê, chỉ riêng vụ án Lê Văn Luyện mà đã có một tờ báo đưa tới trên 100 tin, bài. Liệu vụ án thương tâm ở Bình Phước có lặp lại tần suất dày đặc trên phương tiện truyền thông? Vụ án mới xảy ra có mấy ngày mà mở báo in, báo mạng đâu đâu cũng có.

Một điều tra viên cao cấp tham gia vụ án cũng đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách thông tin quá vội vàng của báo chí. Ông nói: “Với cách thông tin của báo chí như hiện nay sẽ làm dư luận thêm hoang mang, khó khăn cho công tác phá án. Báo chí dường như đang làm thay công việc của cơ quan điều tra”.  

Mở một tờ báo ngành thấy dày đặc thông tin về án “Cướp, giết, hiếp”. Một vụ án xảy ra, báo nào cũng đưa tin, thậm chí mô tả một cách kỹ càng về hành vi giết người man rợ…dần dần  khiến xã hội thấy không còn ghê sợ với cái ác. Lằn ranh giữa thiện ác trong thời buổi hôm nay thật mong manh.  

Có ai đặt ra hỏi để có câu trả lời rằng: “Vì sao gương người tốt việc tốt lại trở nên hiếm hoi trên phương tiện truyền thông. Phải chăng trong cuộc sống hôm nay thiếu vắng người tử tế?”.

Tôi được biết đã có một tổng biên tập đặt ra chỉ tiêu với phóng viên của mình rằng phải quán triệt tiêu chí “Ba tích, một tiêu” (Ba tích cực, 1 tiêu cực), nhưng rốt cuộc mở báo ra là thấy “Màu đen tối”.  

Không, xã hội không hề thiếu những con người đã và đang sống vì mọi người, chỉ có điều báo chí dành “đất” cho họ ít ỏi quá.  

Giới truyền thông có nên “thua, đủ” khi thông tin về những vụ án man rợ? Dư luận chờ đợi câu trả lời của người đứng đầu các cơ quan báo chí.

Lê Hiếu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan