Một số phác thảo về đặc điểm tội phạm ra tay dã man vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước được thạc sĩ - nghiên cứu sinh Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, giảng viên môn Tội phạm học ĐH Luật TP.HCM tiết lộ.
Qua vụ thảm sát ở Bình Phước, bước đầu tôi có vài nhận định về đặc điểm tâm lý đặc trưng của người phạm tội như sau:
Thạc sĩ - nghiên cứu sinh Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, giảng viên môn Tội phạm học ĐH Luật TP.HCM |
Thứ nhất là tâm lý quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Hiện cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ án nên chưa thể xác định có tội cướp tài sản hay tội phạm khác hay không nhưng tội phạm giết người thì đã rõ.
Quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng thể hiện ở thủ đoạn, phương thức nguy hiểm nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân.
Mục đích tước đoạt mạng sống của nạn nhân có thể xuất phát từ nhiều động cơ phạm tội khác nhau: Có thể nhằm chiếm đoạt tài sản, nhằm động cơ trả thù, nhằm động cơ vật chất, tinh thần khác (như thực hiện “hợp đồng” giết người, loại bỏ đối thủ cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh…).
Thứ hai là tâm lý che giấu tội phạm. Đây là tâm lý phổ biến của người phạm tội nói chung. Tuy nhiên, ở những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà người phạm tội ý thức được hành vi của họ có thể bị áp dụnghình phạt cao nhất là tử hình thì tâm lý này chi phối mạnh hơn.
Để loại trừ khả năng bị phát hiện và bị áp dụng hình phạt tử hình, người phạm tội sử dụng mọi thủ đoạn để không bị phát hiện, kể cả việc giết chết tất cả những người có khả năng nhận diện, phát hiện người phạm tội.
Đây có thể là đặc điểm tâm lý của người phạm tội trong các vụ giết tất cả thành viên trong gia đình. (Điều này cũng thể hiện tác dụng không mong muốn của hình phạt tử hình đối với tình hình tội phạm trên thực tế. Nghĩa là thay vì mang tính răn đe cao, hình phạt tử hình đã khiến cho kẻ phạm tội muốn giết cùng, diệt tận để che giấu tội phạm, để mình không bị phát hiện…).
Bà Lê Thị Tố Nga - mẹ của hai nạn nhân Dư Minh Vỹ và Dư Thị Tố Như - đau đớn, bàng hoàng trước nỗi đau mất con. Ảnh: HỒNG TRÂM
Thứ ba, để lý giải tâm lý của người phạm tội khi lựa chọn thủ đoạn tàn ác nhằm thực hiện hành vi phạm tội, khoa học tội phạm học có thể lý giải dựa vào các đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Nó bao gồm ba hệ thống đặc điểm: Đặc điểm về sinh học (như độ tuổi, giới tính, khí chất), đặc điểm xã hội (nhưnghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, nơi cư trú, địa vị xã hội…) và đặc điểm tâm lý-ý thức (như nhu cầu, định hướng giá trị, hứng thú, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật).
Như vậy, dựa trên hệ thống lý thuyết này có thể xác định ban đầu về người phạm tội như sau: Người phạm tội là nam giới, độ tuổi dao động ở nhóm có tình trạng thể lực sung sức nhất (từ 17 đến 30 tuổi và cần chú ý đến các đối tượng trong độ tuổi chưa thành niên, vì các đối tượng này biết rằng họ sẽ không bị áp dụng hình phạt chung thân, tử hình trong trường hợp bị phát hiện). Ngoài ra, người phạm tội có thể có nhu cầu lớn về vật chất nhưng có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập thấp. Với phương thức, thủ đoạn phạm tội tàn ác này cần chú ý đến các đối tượng có nghề nghiệp hay từng làm việc có sử dụng bạo lực, các đối tượng có nhân thân xấu,các đối tượng có tiền án, tiền sự.
Bên cạnh đó, không loại trừ người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhằm thỏa mãn nhu cầu, động cơ trả thù. Với động cơ phạm tội này, việc xác định cácmối quan hệ của nạn nhân là yêu cầu rất quan trọng, bao gồm các mối quan hệ trong gia đình, huyết thống, mối quan hệ công việc… Với động cơ trả thù, tính tàn ác trong việc thực hiện hành vi phạm tộiđã thể hiện tâm lý hứng thú trong việc thực hiện tội phạm, tức là người phạm tội cảm thấy thỏa mãn khi chứng kiến hay biết cái chết đau đớn của nạn nhân. Hứng thú này của người phạm tội thể hiện rõ trong các vụ giết người hàng loạt.
Điều quan trọng trong các vụ ánnày là chú ýmối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội, nhất là tình tiết người phạm tội bịt mắt, nhét giẻ vào miệngnạn nhân nhằm mục đích để nạn nhân không nhận diện hoặc kêu tên người phạm tội. Như vậy, rất có thể nạn nhân và người phạm tội có khả năng có mối quan hệ nhất định như quan hệ gia đình, huyết thống; quan hệ lệ thuộc (lệ thuộc về vật chất và tinh thần, ví dụ như mối quan hệ giữa ông chủ và người làm thuê); mối quan hệ bạn bè, hàng xóm láng giềng, mối quan hệ trong công việc kinh doanh.Tập trung vào các mối quan hệ này cũng là cách giúp các cơ quan chức năng khoanh vùng, xác định các đối tượng có khả năng là người phạm tội.