Là sinh viên mới ra trường, có thừa sự trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và kiến thức chuyên môn nhưng bạn vẫn không thuyết phục được nhà tuyển dụng. Vì sao vậy? Lí do chính là bạn thiếu những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc.
Điều này cũng giải thích tại sao nhiều trường đại học đã dần đưa vào đào tạo kỹ năng cơ bản cho sinh viên và chứng chỉ kỹ năng mềm là một trong những điều kiện để cấp bằng tốt nghiệp.
Nếu không may mắn được học từ sớm thì cũng đừng lo lắng, vì bạn vẫn có thể chủ động rèn luyện “công lực” ngay từ bây giờ. Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực tuyển dụng, chuyên viên tư vấn tuyển dụng cao cấp của CareerLink.vn sẽ “bật mí” cho bạn biết những kỹ năng cần thiết cho sinh viên mới ra trường và cách rèn luyện hiệu quả, cùng xem nhé!
1. Sống như một chú tắc kè
Ở môi trường làm việc có rất nhiều điều mới mẻ mà bạn buộc phải làm quen và thích nghi. Bạn không thích phải viết báo cáo hàng ngày vì cho rằng sếp biết rõ công việc bạn đang làm là gì; bạn thích được làm việc một mình nhưng nhiều dự án đòi hỏi bạn phải hợp tác cùng các đồng nghiệp khác;… Tất cả đều có thể trở thành áp lực nếu bạn không thể thích nghi được với hoàn cảnh.
Bạn không thể yêu cầu mọi người phải dựa theo tính cách và sở thích của bạn mà đối xử hoặc phân công công việc; điều duy nhất bạn phải làm chính là thay đổi bản thân để thích nghi với từng tình huống phát sinh. Theo lý thuyết được Charles R. Darwin đề cập thì những loài vật sẽ tồn tại khi biết thích nghi với tự nhiên, trong khi đó những loài vật khác sẽ bị diệt vong nếu không có khả năng thích nghi. Sống như một chú tắc kè có nghĩa học cách thích ứng, nhưng vẫn phải là chính mình. Chính vì vậy, nếu không thay đổi để thích nghi, bạn sẽ trở thành người bị loại khỏi cuộc chơi.
2. Kiểm soát cảm xúc
Thử đặt tình huống bạn dành thời gian và công sức để lập một bản kế hoạch chi tiết với đầy đủ các phương án và cách xử lý, nhưng sếp chỉ nhìn qua là đã chê bai và chỉ ra hàng loạt điều mà sếp cho là không phù hợp. Bạn nên làm gì vào giây phút này?
Bạn có thể thất vọng, giận dữ hay thậm chí muốn bật khóc nhưng hãy để cảm giác ấy trôi qua càng nhanh càng tốt, hít một hơi thật sâu và lắng nghe những góp ý của sếp bằng thái độ cầu tiến. Sự chân thành học hỏi, nhận lỗi và sửa sai trước tiên sẽ làm giảm sự tức giận của sếp và chính lúc “mềm lòng” đó có thể khiến sếp đưa ra những gợi ý đắt giá để bản kế hoạch của bạn tốt hơn.
3. Đưa ra quyết định
Bạn chưa có kinh nghiệm trong công việc nên thiếu tự tin khi buộc phải đưa ra một quyết định nào đó. Bạn lo lắng những quyết định của mình sẽ gây ảnh hưởng đến công việc, thiệt hại cho công ty nên nhất nhất đều muốn hỏi ý kiến. Không dám quyết định, luôn cần người chỉ đạo liệu có phải là mẫu nhân viên mà công ty mong muốn không?
Đôi khi, chính công ty đặt ra tình huống vì muốn biết bạn sẽ xử lý như thế nào. Vì vậy, hãy vạch ra cho mình những ranh giới nhất định: việc gì bạn có thể tự quyết định, việc gì bạn nên hỏi ý kiến đồng nghiệp và việc gì bạn cần sếp quyết định. Và một khi đã đưa ra quyết định thì bạn cũng cần có lí do chính đáng thuyết phục được sếp và đồng nghiệp, hoàn toàn không nên tỏ thái độ cứng nhắc “Tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này”.
4. Vận dụng ngoại ngữ
Với nhiều phần mềm dịch ngoại ngữ hiện nay, bạn có thể đọc hiểu các tài liệu bằng tiếng nước ngoài để xử lý công việc, nhưng kỹ năng nghe nói không tốt thì ai sẽ giúp bạn? Dù được cả xấp chứng chỉ, bằng cấp “yểm trợ” nhưng không thể áp dụng được vào thực tế thì tất cả đều vô nghĩa. Hãy luyện tập các kỹ năng, đặc biệt là giao tiếp để vận dụng được trong công việc, đó mới là điều nhà tuyển dụng cần và cũng là lợi thế để bạn phát triển sự nghiệp hơn nữa.
5. Quản lý thời gian
Bạn được giao nhiều công việc cùng lúc và những công việc này có thời hạn phải hoàn thành gần kề nhau, bạn sẽ ưu tiên công việc nào để thực hiện trước trong khi sếp lại “dí” liên tục? Công việc có thời hạn hoàn thành sớm nhất? Hay công việc mà bạn đang phụ trách chính? Hoặc công việc của cấp trên vừa giao phó?
Với mỗi phần việc nhận được, bạn cần hỏi thêm thời hạn cụ thể phải hoàn thành. Điều này giúp bạn có thể phân chia công việc theo tiến độ và giải quyết dứt điểm trước khi bắt đầu công việc khác. Tuy nhiên, có lúc bạn sẽ nhận được những email với tiêu đề “Gấp”, “SOS” hay những cuộc gọi dồn dập thì bạn nên ưu tiên xử lý theo mức độ khẩn cấp.
6. Giao tiếp hiệu quả
Một khi bạn không gây được thiện cảm với người đối diện thì dù việc nhỏ nhất cũng khiến bạn thấy khó như lên trời. Sếp và đồng nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trên con đường đi đến thành công hay thất bại của bạn, nhưng bạn mới là người quyết định hành động để lựa chọn sự thành công hay thất bại đó. Một thái độ đúng mực, chân thành, cởi mở sẽ được đáp lại bằng sự tôn trọng, vui vẻ và tích cực. Khi bạn bắt đầu nhận thấy sự cải thiện trong cách giao tiếp, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra sự thay đổi tích cực trong công việc và những mối quan hệ của bạn.
Để có thể thông thạo nhuần nhuyễn những kỹ năng này, bạn cần trải qua một thời gian dài rèn luyện và bạn nên bắt đầu từ hôm nay để tăng thêm cơ hội phát triển bản thân khi bước chân vào môi trường làm việc đầy thách thức. Mặc dù để đạt được kết quả là quá trình không dễ dàng nhưng cũng không quá khó khăn, nhất là đối với các bạn sinh viên mới ra trường đầy năng lượng và tâm huyết.
Chúc các bạn sinh viên thành công.
Bạn có thể tham khảo thông tin việc làm tại: