Cấm giao bài tập về nhà, nên giảm cả chương trình học

Ngày 05/11/2014 10:04 AM (GMT+7)

Bộ GD&ĐT vừa ban hành chỉ thị tới các địa phương siết chặt quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm. Đồng thời, nghiêm cấm giáo viên tiểu học giao bài tập về nhà cho những em học 2 buổi/ngày với mục đích giảm áp lực cho học sinh.

Nhiều ý kiến ủng hộ chỉ thị này, song họ cho rằng chương trình học của học sinh tiểu học vẫn đang khá nặng, cần gọn nhẹ, dễ hiểu để học sinh thực sự được giảm tải.Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày sẽ không còn phải làm bài tập về nhà do giáo viên giao nữa.

Thêm nhiều điều cấm

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học vẫn còn tồn tại đã gây áp lực với học sinh và cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của ngành.

Cấm giao bài tập về nhà, nên giảm cả chương trình học - 1

Theo đó, tất cả các tổ chức, cá nhân không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Ngoài ra, các Sở GD&ĐT phải chỉ đạo các Phòng GD&ĐT và các trường tiểu học không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học. Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Đặc biệt, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.

Không chỉ giảm tải cho học sinh, mới đây Bộ GD&ĐT cũng nhắc nhở các địa phương cần giảm tải sổ sách cho giáo viên. Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, đồng thời khuyến khích việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử. Bộ yêu cầu Sở GD&ĐT chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm nhẹ công việc, thủ tục hành chính, hồ sơ, sổ sách; hỗ trợ để giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin, sáng tạo...

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở, Phòng GD&ĐT phải nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh nếu các em đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Với học sinh diện này, các em được hướng dẫn hoàn thành nội dung học tại lớp, nhà trường nên tổ chức cho các em để sách vở - đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy 1 buổi/ ngày thì thầy cô chỉ giao lượng bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày và không được giao bài tập ngoài sách giáo khoa.

Từ đầu năm học 2014-2015 đến nay, Bộ GD&ĐT liên tiếp có những thông tư, hướng dẫn… nhằm giảm tải cho học sinh tiểu học, trong đó thay đổi về phương thức đánh giá truyền thống bằng cách nhận xét, không cho điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học. Trong khi không cho điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học được xã hội quan tâm, phụ huynh ủng hộ thì quy định cấm giao bài tập cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày dù được đánh giá là “cởi gánh nặng” cho học sinh, nhưng với nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy lo lắng cho chuyện học của con em mình.

Chương trình học vẫn còn nặng và khó

Có con gái đang học lớp 1, chị Phạm Thị Thảo (ngõ 85, Hạ Đình, Hà Nội) cho rằng: “Quy định cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày ở trường là hoàn toàn hợp lý. Buổi sáng, giáo viên có thể dạy chương trình, còn buổi chiều là thời gian ôn tập. Trẻ bây giờ học hành căng thẳng quá, cặp sách cháu nào cũng nặng vài ký, trên lớp đã học cả ngày rồi, về nhà lại thêm một đống bài tập nữa, lấy đâu ra thời gian mà vui chơi, giải trí để trẻ có một tuổi thơ thật đẹp đây?”.

Dù đồng tình nhưng chị Thảo cũng chưa hết băn khoăn. Theo chị Thảo, chương trình tiểu học hiện nay quá nặng, trẻ khó có thể theo kịp nếu không làm thêm bài tập về nhà. “Con mới học lớp 1 thôi mà sao vất vả thế? Chiều tối hàng ngày tôi đều nhận tin nhắn (sổ liên lạc điện tử - PV) cô giao các bài tập về nhà. Con về nhà phải làm bài tập Tiếng Việt, bài tập Toán và bài tập đọc, ngoài ra là các bài thủ công, vẽ… Tối nào hai mẹ con cũng “đánh vật” với nhau tới hơn 10h đêm. Chương trình lớp 1 hiện nay rất nặng, có độ khó nhất định. Nếu chỉ học trên lớp thôi thì các cháu đã khó mà theo kịp, chứ đừng nói đến “đua” với các cháu học trước, học thêm”, chị Thảo chia sẻ.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Thu Hương (Định Công, Hà Nội) có con học lớp 4, Trường tiểu học Tây Sơn (Hà Nội) cho biết: “Thỉnh thoảng cô giáo cũng giao thêm bài tập Toán cho cháu làm buổi tối ở nhà, hoặc những hôm không có bài tập cô giao thì bố mẹ cũng cho thêm bài tập để cháu tự làm. Việc không giao bài tập về nhà cũng có nhiều điểm lợi, các cháu về nhà được vui chơi, làm những việc theo sở thích. Tuy nhiên, với những học sinh trên lớp làm bài chậm, hoặc chưa hiểu bài thì giáo viên cũng cần giao bài cho các cháu về nhà tự hoàn thành nốt bài tập”.

Đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT, NGƯT Đặng Đình Đại - Phó Giám đốc Đào tạo, Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội cho biết: “Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT cũng đã lấy cấp tiểu học để thực hiện giảm tải, do đó khung chương trình đã được giảm tải hơn trước rất nhiều. Có điều, hiện nay một số giáo viên lo lắng cho học sinh, muốn các em học tốt hơn, hoặc do áp lực từ phụ huynh mà giao thêm bài tập về nhà cho các em. Theo tôi, không cần cho bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, để các em được giảm tải”.

Theo một số chuyên gia giáo dục, chương trình và các môn học cấp tiểu học đã bám sát mục tiêu giáo dục, đã chú ý tới giáo dục toàn diện cho học sinh, đảm bảo được tính chính xác, khoa học, hiện đại, cập nhật và tiếp cận được trình độ giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực… Tuy nhiên, sách giáo khoa tiểu học còn nặng và khó. Một số chương trình của lớp trên được đưa xuống lớp dưới để dạy học khiến học sinh còn gặp khó khăn. Theo đó, nếu muốn giảm tải cho học sinh, trước hết cần có một chương trình gọn, nhẹ, dễ hiểu để học sinh dễ dàng theo kịp. Đó mới thực sự giảm được áp lực cho học sinh, chứ không đơn thuần là lấy cấm đoán để nhằm mục đích giảm tải.

Phụ huynh Trần Mạnh Tuấn (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) có con học lớp 2, Trường tiểu học Đặng Trần Côn A:  “Tôi rất ủng hộ quy định mới của Bộ GD&ĐT. Cần phải cấm hoạt động dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học. Tôi có con học lớp 2, tôi thấy chương trình cũng tương đối phù hợp, cháu học xong ở trường, về nhà cô không giao bài tập, mà chỉ có mấy bài cuối tuần thôi. Không có bài về nhà, con thoải mái hơn trong việc học, bố mẹ cũng kèm thêm về tập viết, các phép Toán”.

Phụ huynh Nguyễn Mạnh Hùng (Ngõ 75, Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) có con học lớp 3, Trường tiểu học Bế Văn Đàn: “Muốn giảm tải cho học sinh, ngoài các quy định mà Bộ GD&ĐT đang thực hiện, cần giảm bớt về khối lượng chương trình học. Chương trình có phù hợp với độ tuổi của trẻ thì mới kích thích được tính ham học, yêu thích môn học. Chứ như hiện nay, nếu không giao thêm bài tập, e rằng các cháu sẽ gặp khó khăn vì bài học ngày càng khó dần”.

NGƯT Đặng Đình Đại - Phó Giám đốc Đào tạo, Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội: “Theo tôi, không nên giao bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, bởi đã học 2 buổi ở trường rồi, buổi sáng là học kiến thức, còn buổi chiều học lại, ôn tập lại kiến thức, về nhà mà học nữa thì thật quá tải. Nên đối với những em này, không cần phải làm bài tập nữa. Phụ huynh cũng không nên lo lắng, vì chương trình tiểu học đã được giảm tải và thay đổi cách đánh giá không như trước đây”.

Bà Phạm Thị Minh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội):  “Thực ra, việc giảm tải cho học sinh tiểu học bao gồm cả không giao bài tập về nhà cho học sinh đã thực hiện từ vài năm nay rồi. Các em học cả ngày khá mệt rồi, không nên cho thêm bài tập về nhà khiến các em bị quá tải. Thông thường, giáo viên trong trường chỉ cho thêm bài về nhà đối với những em có học lực giỏi, còn các em học lực trung bình thì làm bài tập vào buổi chiều. Trong buổi chiều là làm xong bài, nếu chưa hiểu cô giáo sẽ chỉ dẫn thêm”.

Theo Quang Anh (Gia đình và Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan