Đó là số liệu vừa được Tổ chức phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) công bố tại Báo cáo “Thúc đẩy bình đẳng và an toàn tại các trường học” vào ngày 2/3/2015.
Theo đó, báo cáo này đã nghiên cứu trải nghiệm của học sinh đối với bạo lực, trong đó bao gồm bạo lực giới trong trường học, trên đường đến trường/về nhà và tại gia đình tại năm quốc gia Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal từ năm 2013 đến năm 2014.
Kết quả cho thấy số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất ở Indonesia (84%). Ngay cả ở quốc gia có tỷ lệ học sinh bị bạo lực thấp nhất là Pakistan với tỉ lệ 43%, vẫn là một mức cao nghiêm trọng.
Bạo lực học đường không còn là điều lạ
Tổng hợp của năm quốc gia thực hiện nghiên cứu cho thấy trung bình cứ 10 học sinh thì có 7 học sinh đã từng trải nghiệm bạo lực ở trường học. Đáng báo động là 43% học sinh được nghiên cứu trong báo cáo cho biết đã không làm gì khi chứng kiến hành vi bạo lực tại trường học.
Ông Mark Pierce, Giám đốc Khu vực Châu Á của Tổ chức Plan Quốc tế cho biết: “Trẻ em đều có quyền được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, không bao gồm các hành vi và nguy cơ bạo lực. Tổ chức Plan International cam kết hợp tác với các cơ quan quản lý giáo dục, chính quyền các cấp, cha mẹ và học sinh để thực hiện các khuyến nghị được đưa trong báo cáo này, và bắt đầu thông điệp gửi đến mọi người là bạo lực không có chỗ trong trường học, gia đình hoặc bất kỳ một nơi nào trong cuộc sống của trẻ em”.
Những hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra từ những vụ bạn học đánh nhau
Theo bà Nandita Bhatla, Chuyên gia kỹ thuật cao cấp của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ: “Báo cáo này quan trọng bởi nó ghi nhận mọi hình thức và phạm vi liên quan đến bạo lực mà trẻ em phải gánh chịu ở các nước thực hiện khảo sát. Báo cáo tập trung phân tích các định kiến giới và bạo lực giới trong môi trường học đường diễn ra như thế nào.
Ngoài các hình thức bạo lực dễ nhận ra như bạo lực thân thể, trẻ em đã chia sẻ các hình thức kỳ thị, ngôn ngữ xúc phạm và các hình thức bạo lực tâm lý khiến cho trường học trở thành nơi không an toàn với trẻ. Nghiêm trọng hơn, trẻ em đã không tin tưởng vào những người lớn xung quanh các em.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người lớn có vai trò quan trọng với trẻ thường không được trẻ chia sẻ các trải nghiệm bạo lực; hoặc họ là chính là những người gây ra bạo lực. Việc này gây tác động lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Nghiên cứu chỉ ra nhu cầu cấp thiết là phải vượt qua hành vi của một cá nhân để tìm hiểu xem các hành vi bạo lực được khuyến khích và bị bỏ qua trong quá trình giáo dục trẻ như thế nào; và thực ra, chúng ta đang giúp trẻ bình thường hóa các hành vi bạo lực khi trưởng thành”.
Nét đẹp của tuổi học trò và tình bạn là những giá trị tốt đẹp cần được gìn giữ
Báo cáo cũng trích dẫn nhiều hình thức bạo lực, bao gồm bạo lực thân thể và quấy rối và xâm hại tình dục, các nguy cơ bạo lực phổ biến ở các nước thực hiện khảo sát.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Tổ chức nghiên cứu Thúc đẩy bình đẳng giới và an toàn ở trường học là sáng kiến đưa ra nhằm ngăn ngừa và ứng phó với vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới trong trường học, trên đường đi học và về nhà ở khu vực Châu Á.