Câu chuyện hiện tại đang gây tranh cãi trên mạng.
Con được gửi đến trường học, dĩ nhiên nguyện vọng chung của bố mẹ là đều mong con chăm chỉ học tập, thích nghi tốt với môi trường và được thầy thương bạn mến. Thế nhưng, thực tế vẫn có nhiều tình huống khiến bố mẹ không khỏi xót xa, đau lòng cho đứa trẻ của mình khi con bị bạn bè ăn hiếp, bắt nạt.
Trường hợp được đề cập hôm nay là sự phản ánh chân thực vấn đề này. Theo sohu đưa tin, ông Zang (Bắc Kinh) có một cậu con trai học lớp 6, đứa trẻ rất ngoan ngoãn và hiền lành. Tuy nhiên dạo gần đây, ông quan sát thấy con thường xuyên ở trạng thái ủ rũ, chán chường, biết có điều gì không ổn nên ông đã nói chuyện với con.
Sau nhiều lần thuyết phục, đứa trẻ cũng thành thật khai báo việc bị bạn học cùng lớp bắt nạt. Nghe những gì con trai nói, ông Zang vô cùng tức giận. Thằng bé mới vào trung học được vài ngày mà đã bị bạn bè ăn hiếp. Ban đầu ông Zang cũng nghĩ đến việc báo chuyện này với giáo viên chủ nhiệm, nhưng trong hầu hết các trường hợp mà ông biết, giáo viên không giải quyết được thoả đáng nên ông đã nảy ra suy nghĩ sẽ tự mình đến trường gặp đối tượng đã bắt nạt con trai để trực tiếp nói chuyện.
Ngày hôm sau, ông Zang đến trường đón con sớm, ngay khi nhận diện được bạn học đã ức hiếp con, ông Zang đã chặn đứa trẻ lại và tra hỏi, trách vấn thằng bé suốt 20 phút. Tuy nhiên trong suốt quá trình này, ông Zang không hề tác động vật lý lên đứa trẻ.
Tưởng mọi chuyện sẽ được giải quyết êm xuôi, nào ngờ 2 ngày sau ông Zang bị cảnh sát bắt giam hành chính 10 ngày. Lý do hoá ra là vì ông Zang đã có những lời lẽ đe dọa kinh khủng đến bạn học đã bắt nạt con mình, khiến cho đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Bố mẹ cậu bé biết chuyện đã báo cảnh sát.
Ông Zang lúc này cảm thấy vô cùng bức xúc, bởi người gây chuyện trước vốn không phải con mình, vả lại con trai còn là đối tượng bị bắt nạt. Vậy nên ông cho rằng, việc mình có những lời cảnh cáo, khiển trách là đúng chứ không có gì sai cả.
Vì thấy không thuyết phục trước kết quả này, ông Zang đã đề đơn kiện, tuy nhiên nó đã bị bác bỏ. Cảnh sát đã đưa ra lý luận rằng, ông Zang đã sử dụng những câu từ mang tính bạo lực để hù dọa đứa trẻ, khiến bé bị kích động tâm lý nên không thể xem nhẹ và ông Zang buộc phải chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Ảnh minh hoạ
Sự việc này nhanh chóng lan truyền trên mạng và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Một mặt, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự thông cảm và thấu hiểu cho hành động của người làm cha, tin rằng tuy hành vi của ông Zang là bốc đồng nhưng xuất phát điểm của ông là vì để bảo vệ con mình, phản ứng tự nhiên của hầu hết cha mẹ.
Mặt khác, một số người cho rằng, dù động cơ là gì thì việc dùng bạo lực để chống bạo lực không phải là cách giải quyết đúng đắn, mà vấn đề này cần được giải quyết thông qua các biện pháp pháp lý và giáo dục phù hợp hơn.
Để bảo vệ và ngăn chặn bạo lực học đường xảy ra với con trẻ, bố mẹ cần lưu ý gì?
- Xây dựng một môi trường gia đình ủng hộ: Tạo ra một môi trường gia đình yêu thương, tôn trọng và hỗ trợ là quan trọng để con trẻ cảm thấy an toàn, tự tin. Bố mẹ nên tạo ra một không gian, nơi con trẻ có thể chia sẻ những trải nghiệm, lo lắng và nỗi sợ của mình mà không dè chừng vì bị phê phán hay trừng phạt.
- Xây dựng kỹ năng xã hội và giải quyết xung đột: Hỗ trợ con trẻ phát triển kỹ năng xã hội để xây dựng mối quan hệ tốt với người khác, và giải quyết xung đột một cách lành mạnh. Điều này bao gồm việc hướng dẫn trẻ cách giao tiếp, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, cũng như khuyến khích trẻ tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn khi cần thiết.
- Giáo dục về sự đa dạng và tôn trọng: Hướng dẫn trẻ về sự đa dạng và khuyến khích thái độ tôn trọng đối với những người khác, bất kể họ khác biệt về ngoại hình, năng lực hay quan điểm. Bố mẹ có thể truyền đạt giá trị tôn trọng và đối xử công bằng bằng cách làm gương, đảm bảo rằng môi trường gia đình không chứa đựng bạo lực, phân biệt hay đánh đồng người khác.
- Giám sát và tham gia vào cuộc sống học đường của con: Theo dõi tiến bộ học tập và quá trình tham gia hoạt động xã hội của con trẻ trong môi trường học đường. Tích cực góp mặt vào các hoạt động của trường, gặp gỡ giáo viên và quan tâm đến quan hệ bạn bè của con trẻ sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan về tình hình học đường của con, từ đó dễ dàng phát hiện các dấu hiệu bạo lực hoặc hành vi không tốt.
- Khuyến khích con trẻ báo cáo và tìm kiếm sự trợ giúp: Hướng dẫn trẻ về tầm quan trọng của việc báo cáo bất kỳ hành vi bạo lực hoặc bất lợi nào mà con chứng kiến hoặc trải qua. Tạo ra một môi trường an toàn và tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình, và khuyến khích con tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn như giáo viên, cố vấn hoặc bố mẹ.
- Hợp tác với trường học: Tìm hiểu chính sách và quy trình của trường học liên quan đến việc ngăn chặn và xử lý bạo lực học đường. Hợp tác với giáo viên và nhân viên trường để đảm bảo rằng, các biện pháp phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường được thực thi một cách hiệu quả. Bố mẹ có thể tham gia vào các cuộc họp phụ huynh, gửi thư cho nhà trường hoặc tham gia vào các chương trình và hoạt động liên quan đến an toàn học đường.
Dạy con cách tự vệ như thế nào cho đúng?
Nếu đối phương có ác ý nhất định và bắt nạt trẻ nhiều lần, thì các mẹ phải dạy trẻ những cách thiết thực hơn để đối phó, chẳng hạn như nhờ cô giáo giúp đỡ. Nếu cô giáo không thể ngăn chặn được hành vi trên thì cha mẹ nên tìm cách trao đổi thẳng thắn với phụ huynh bên kia để giúp con mình thoát khỏi cảnh bị bắt nạt. Nếu cần, cha mẹ cũng có thể cân nhắc việc thay đổi môi trường học tập cho con.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên rèn cho con thêm khả năng tự bảo vệ mình như chú ý rèn luyện thân thể. Trẻ nhỏ có thể chất yếu, gầy gò thường dễ bắt nạt, vì vậy khi trẻ có thể chất phát triển thì đương nhiên trẻ sẽ ít có nguy cơ bị bắt nạt hơn. Khi cơ thể của trẻ trở nên khỏe hơn, con cũng sẽ trở nên tự tin hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng bạo lực khi giải quyết vấn đề không được khuyến khích, thay vào đó mẹ hãy dạy con dùng sức mạnh này để tự vệ mà thôi, vì khi đó trẻ sẽ hiểu bạo lực là cách được chấp nhận để giải quyết vấn đề và tiếp tục lạm dụng cách này, ngày càng nghiêm trọng hơn sau này.
Những trận đánh nhau giữa vài đứa trẻ mẫu giáo chỉ là xô nhau, lấy đồ chơi đập vào nhau, không cố tình làm bạn bị đau mà chỉ muốn quyền lợi của mình. Nhưng nếu bé muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thì sau này con có thể sẽ có hung khí và sắp xếp để đánh hội đồng như các vấn đề bạo lực học đường.
Nếu con có xu hướng bạo lực có thể là lúc mẹ cần tìm hiểu lại phương pháp giáo dục. Liệu trong cuộc sống ngày thường con có thường xuyên được xem những clip, video, quảng cáo có cảnh bạo lực, đánh nhau không? Hoặc chứng kiến bạo lực ngoài cuộc sống, những tranh chấp từ người trong gia đình chẳng hạn. Cha mẹ chính là tấm gương lớn nhất cho con cái, do đó cách hành xử của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng bạo lực ở trẻ.