"Tôi nghĩ là việc xảy ra thì tất cả chúng ta cùng phải ngồi nhìn nhận lại. Việc giáo dục nhà trường xem nhẹ giáo dục nhân cách hơn là cung cấp kiến thức là điều đã quá rõ ràng"...
Hai ngày qua, clip một nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn học đánh đấm, giật tóc, ném ghế vào mặt khiến dư luận bức xúc.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ bạo lực học đường nhưng điều đáng nói là các em đánh nhau khi trên người vẫn còn mặc đồng phục học sinh. Chỉ cần gõ từ khóa "học sinh đánh nhau" đã có thể cho ra cả triệu kết quả trên Google. Nguyên nhân do đâu và cách xử lý thế nào?... tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học, trường ĐHSP Hà Nội cùng chia sẻ về vấn nạn này.
- Chào bà, cảm xúc của bà như thế nào sau khi xem clip nữ sinh ở Trà Vinh bị đánh hội đồng ngay trong chính lớp học?
Tôi cũng đã xem nhiều các clip học sinh đánh nhau. Tôi cảm thấy lo ngại vì vấn đề này đã dần trở nên quen thuộc và các cháu học sinh cả nam lẫn nữ đều thấy việc bạo lực là chuyện quá đỗi bình thường.
Nữ sinh bị giật tóc, đánh tới tấp, thậm chí bị ném ghế vào mặt.
- Theo bà, tại sao càng ngày học sinh lại càng manh động đến mức có thể gọi là "máu lạnh" với bạn bè như vậy?
Chúng ta hãy nhìn nhận rộng ra ngoài xã hội. Những vụ án đánh nhau, giết người, cướp của… xảy ra khắp nơi, liên tục, mỗi ngày. Thông qua các kênh báo chí, học sinh biết được và dần cảm thấy những chuyện đó là bình thường. Ngoài ra, các em ra đường cũng có thể chứng kiến những vụ việc đánh nhau vì va chạm giao thông, vì tranh giành quyền lợi… Trong gia đình, hoặc ngoài hàng xóm, những vụ bạo lực cũng có thể xảy ra.
Một kênh nữa đưa bạo lực đến học sinh chính là truyện tranh, phim hoạt hình của trẻ hiện nay, truyện bạo lực chiếm tỉ trọng cao. Như vậy, chính môi trường sống, môi trường tìm hiểu của trẻ đã có đầy tính chất bạo lực rồi. Chuyện các cháu “máu lạnh” với nhau cũng là điều dễ hiểu.
- Tại sao xã hội lên án gay gắt nhưng tình trạng này vẫn liên tục xảy ra?
Chuyện xã hội lên án gay gắt có nhiều điều có lợi trong khi giải quyết vấn đề nhưng cũng có một điều nguy hiểm là sự việc được phổ biến đến từng gia đình. Như vậy, các cháu cũng có thể sẽ học hỏi theo những hành vi xấu đó.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học, trường ĐHSP Hà Nội.
- Nhiều phụ huynh cho rằng việc xử phạt các em có lỗi chưa đủ mạnh, hiện nay cứ làm sai rồi xin lỗi khiến các em không biết sợ, theo bà ý kiến này thế nào?
Việc giáo dục trẻ không thể chỉ trông vào hình phạt. Giáo dục trẻ nhân cách cần phải thay đổi từ tất cả các kênh. Từ truyện tranh, phim hoạt hình, báo chí, gia đình, nhà trường và xã hội.
Thậm chí, tôi đã nghĩ đến việc đề xuất với Bộ GD về việc coi môn Giáo dục công dân là một học quan trọng và được tổ chức thi trong kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học và phổ thông cơ sở. Điều này chắc chắn sẽ có chút tác dụng giảm bớt những vụ việc thế này.
- Vậy theo bà "hình phạt" dành cho các em như thế nào là hợp lý?
Chúng ta biết rằng, lao động luôn có tác dụng rất tốt đối với con người. Hình phạt dành cho các cháu sẽ là lao động công ích một thời gian. Điều này phù hợp hơn là đuổi học hay đình chỉ.
Tuy nhiên, trong lúc chúng ta phạt các em, chúng ta cũng tuyệt đối không được xúc phạm nhân cách hay hạ thấp các em. Một lỗi vi phạm xảy ra nhưng không có nghĩa là con người đó hoàn toàn đáng bị bỏ đi hay toàn thể xã hội “ném đá”. Giúp trẻ hiểu ra sai lầm để xử lý mọi việc
- Sau mỗi sự cố, nhiều người đổ lỗi cho nhà trường, cho nền giáo dục... ý kiến của bà thế nào?
Tôi nghĩ là việc xảy ra thì tất cả chúng ta cùng phải ngồi nhìn nhận lại. Việc giáo dục nhà trường xem nhẹ giáo dục nhân cách hơn là cung cấp kiến thức là điều đã quá rõ ràng.
Nhưng giáo dục gia đình chiếm tỉ trọng cao trong việc hình thành nhân cách con người. Vì thế, nhân chuyện này tôi cũng mong muốn các phụ huynh hãy xem xét lại việc giáo dục trẻ trong gia đình. Nhiều gia đình chiều con quá nên bọn trẻ không được tham gia lao động cũng như có những ý kiến trong mọi việc.
Cũng có không ít các gia đình đã giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, bằng các lời chửi mắng. Và khi con có mâu thuẫn với bạn bè, các phụ huynh cũng hoàn toàn không hay biết. Cha mẹ đương nhiên là người theo sát con nhất trong mọi mặt của cuộc sống. Cha mẹ chắc chắn phải là người đầu tiên phát hiện và định hướng giúp con chứ không phải ai khác.
Con cái là do chính cha mẹ sinh ra. Người có trách nhiệm giáo dục trẻ chính là cha mẹ. Cha mẹ cần thiết phải dành nhiều thời gian hơn để theo sát con. Cha mẹ cũng chọn lọc hơn nữa những cuốn sách, bộ phim hoạt hình con xem.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải cẩn trọng với những hành vi ứng xử trong gia đình. Nó sẽ có tác động vô cùng lớn để trẻ trong việc hình thành nhân cách.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
6 phương pháp phòng tránh bạo lực học đường của tiến sĩ Vũ Thu Hương: 2. Thanh lọc tủ sách: Các truyện tranh bạo lực cần phải cất kĩ vào một góc. Nếu cất khó quá thì đem đến thư viện làm từ thiện hoặc bán đồng nát. Đây chính là mầm mống của mọi ý tưởng bạo lực trong đầu trẻ. 3. Kiềm chế tối đa xử lý mâu thuẫn trong nhà ngoài ngõ: Đám trẻ học hỏi rất nhanh nên nếu thấy các cha mẹ hành xử "giang hồ" là chúng nó sẽ "hồ giang" ngay. 4. Tuyệt đối tránh những vụ can thiệp vào trường học của con. Khi các cha mẹ xông đến trường đòi gặp thày cô để giành công bằng về cho con, một cái dở vô cùng là con sẽ ngay lập tức nhận ra nó được "bảo kê" và không lắng nghe thầy cô giáo nữa. 5. Làm bạn cùng con: Có nhiều cha mẹ chẳng hay biết 1 tí ti gì cả những sự việc xảy ra ở trường của con. Điều này vô cùng tai hại. Nếu cha mẹ luôn áp sát, biết mọi việc xảy ra với con, cha mẹ cũng sẽ biết khi nào con có mâu thuẫn với bạn. Nhưng cha mẹ không biết gì thì chuyện con bị bạo lực hay con đánh người khác cũng dễ dàng xảy ra thôi. 6. Dạy con không làm phiền người khác: Con cứ suốt ngày "xông" vào cuộc sống của người khác thì sớm muộn cũng bị bạn nó "oánh" cho. Tránh làm phiền người khác là điều vô cùng nên làm. |