Phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 12/6 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khiến nhiều giáo viên cảm thấy chưa... thỏa đáng.
Miền núi thực nghiệm làm tốt
Chiều qua và sáng nay (13/6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Trong đó có nội dung chính là nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học.
Về việc triển khai thông tư 30 của đại biểu Nông Thị Bích Liên, Bộ trưởng cho rằng, công việc của giáo viên có nặng lên vì những lý do như lớp học quá đông học sinh, từ 40-60 học sinh; do mới nên các thầy cô còn bỡ ngỡ; một số quy định cũ Bộ đã hủy bỏ nhưng chưa được triển khai nghiêm túc dưới cơ sở, thói quen cũ chưa kịp thay đổi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng lấy ví dụ như quyển tay cá nhân của các cô giáo để ghi nhớ những điều cần làm với từng học sinh, trao đổi với phụ huynh, ghi chú về các hoạt động thì nhiều năm qua, quyển sổ này đã trở thành chứng cứ để hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá xem cô giáo có làm tốt hay không.
Hiện tại, Bộ đang có chấn chỉnh giảm tải công việc hành chính của các giáo viên để tập trung vào giảng dạy. Thực tế, việc triển khai Thông tư 30 ở các tỉnh miền núi rất nhẹ nhàng, hiệu quả mặc dù vẫn còn bỡ ngỡ ban đầu.
Tiếp tục trả lời đại biểu Nguyễn Văn Minh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt liên quan đến khen thưởng. Việc chuyển đánh giá học sinh bằng kết quả sang đánh giá bằng nhận xét, phối hợp với đánh giá bằng điểm kiểm tra học kì và cuối năm là một bước chuyển phù hợp với thực tế.
Theo Bộ trưởng, quá trình này nhằm thay đổi động lực học từ điểm số sang hoàn thiện kỹ năng, phẩm chất. Và Bộ GD-ĐT đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, thí nghiệm trong 3 năm trên 1.000 trường.
Như vậy, sau một năm thực hiện Thông tư 30 đã có kết quả rõ ràng như: tình trạng dạy thêm học thêm giảm hẳn; cân chỉnh động lực học của các cháu và tránh tình trạng phân loại học sinh giỏi, kém.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai đồng loạt năm học vừa rồi xuất hiện một số trục trặc nhỏ. Ví dụ vấn đề khen thưởng, có chỗ khen thưởng khắt khe quá, chỗ thì khen rộng rãi quá, gia đình không biết điểm số cho nên không biết kết quả học tập của các cháu.
Giáo viên thấy chưa thỏa đáng
Theo một giáo viên dạy lớp 2 tại Bình Dương, cô cho rằng, Bộ trưởng nói thông tư 30 ra đời giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm. Như vậy, mục đích ra đời của thông tư là để hạn chế dạy thêm, học thêm mà không phải là chất lượng giáo dục?
Bên cạnh đó, thực hiện thông tư 30, Bộ quản lý chất lượng giáo dục bằng cách nào? Có phải bằng báo cáo thống kê điểm số cuối kì, cuối năm không? Mỗi trường tự ra đề thì ai so sánh được chất lượng giáo dục đi theo chiều nào?
Thêm nữa, Bộ trưởng cho rằng sẽ chấn chính các cấp để giảm sổ sách cho giáo viên. Vậy mỗi nơi một khác, nếu không có một quyết định hay văn bản hướng dẫn cụ thể thì mạnh ai nấy làm, mỗi nơi một kiểu. Cuối cùng người chịu khổ vẫn là giáo viên.
Theo Bộ trưởng, miền núi thực nghiệm và Bộ kiểm tra thấy họ làm "rất tốt, mượt mà, mềm mại, không có khó khăn gì cả". Vậy, các trường đó làm tốt ở những điểm gì vì không có dẫn chứng?
Trong khi đó, chia sẻ của một thầy giáo ở Sơn La cho rằng, "làm tốt" ở đây chủ yếu trên giấy tờ vì phụ huynh học sinh miền núi hầu hết không biết chữ, phó mặc việc học hành của con cho giáo viên, hoặc không có thời gian đọc nhận xét để cùng kết hợp với nhà trường giáo dục. Vậy làm sao thực hiện tốt được Thông tư 30 như lời Bộ trưởng nói?
Là một người quan tâm đến giáo dục tiểu học, anh Nguyễn Kim Chi (ở Đà Lạt, Lâm Đồng) bày tỏ: "Về bản chất của Thông tư 30 là giảm áp lực cho học sinh, thay cách đánh giá điểm số bằng nhận xét của giáo viên, từ đó giáo viên phải biết học sinh như thế nào mà điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy.
Thế nhưng, theo anh Chi, điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào sĩ số của lớp, nhận thức của học sinh, sự quan tâm của phụ huynh và cơ chế quản lý.
Anh Chi băn khoăn, như lời Bộ trưởng nói thì có thể do các vùng khó khăn, vùng cao số lượng học sinh trong một lớp sẽ rất thấp chỉ 5-10 em. Phải chăng đây có thể là một lý do để các thầy cô hoàn thành công việc nhận xét dễ dàng?
Hơn nữa, về vấn đề học sinh, khả năng nhận thức chậm vậy liệu có đáp ứng được khoản 2, điều 3 trong thông tư không? Phụ huynh vùng cao, liệu có đủ trình độ và khả năng để hoàn thành khoản 3 điều 3 không? Mục đích đề ra có 4 khoản mà có đến 2 khoản khó khăn thực hiện và hiệu quả chưa chắc chắn, vậy nhận xét như Bộ trưởng có thực chất hay không?