“Tôi hoàn toàn hoan nghênh chủ trương này. Bởi không chấm điểm thường xuyên mà trẻ con vẫn ham học, vẫn thích học chứng tỏ nội dung, phương pháp này đúng".
Đây là ý kiến xung quanh Thông tư 30 của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục - “ cha đẻ” chương trình đổi mới giáo dục trong đó lấy đối tượng học sinh là trung tâm, mục tiêu cuối cùng để học sinh tự làm được mọi việc để tự tin bước vào đời.
GS Hồ Ngọc Đại
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định, bỏ chấm điểm cho bậc tiểu học là một chủ trương đúng. “Tôi hoàn toàn hoan nghênh chủ trương này. Bởi không chấm điểm thường xuyên mà trẻ con vẫn ham học, vẫn thích học chứng tỏ nội dung, phương pháp này đúng. Còn thực thi thế nào, hiệu quả ra sao thì phải đợi thời gian”.
Từ lâu chúng ta quen với tư duy giáo dục cũ, lấy điểm số là chuẩn mực đánh giá học sinh, cho đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Dưới góc nhìn của người nhiều năm dành nghiên cứu giáo dục tiểu học, GS Đại cho rằng, đó là phương pháp đánh giá bên ngoài sự việc.
Trước nay chúng ta kém quá nên dùng bên ngoài để phủ dụ cho trẻ con, để khuyến khích cho trẻ con. Vô tình, việc chấm điểm đã trao cho giáo viên quyền lực, o ép trẻ con, o ép bố mẹ trẻ, và o ép toàn xã hội.
“ Điều này không để làm gì cả. Tất cả tiêu cực từ đó mà ra, cái “được” lớn nhất là sự giả dối. Thực tế hiện nay, một trẻ học giỏi không cần cho điểm tốt nó vẫn giỏi. Học trò kém, bản thân chúng biết, chúng cũng đã xấu hổ, khốn khổ, tự ti với bạn bè giờ lại cho điểm thấp chẳng khác nào khẳng định một lần nữa cái kém cỏi, cái tồi tệ của nó” - GS Đại nhấn mạnh.
Nhiều giáo viên phàn nàn rằng, với quy định của thông tư 30, sẽ không có thời gian để thực hiện, hoặc sẽ thực hiện một cách chống đối, nhận xét chung chung hoặc sẽ khắc dấu ( cô khen, mặt cười…).
Quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại về việc này là khó khăn cũng phải làm vì đó là việc làm cần thiết, vì lợi ích của từng em chứ không phải thành tích chung của cả lớp.
“ Việc khắc dấu hoa thưởng, hình thưởng là việc làm tầm bậy, vớ vẩn và hình thức hóa chủ trương rất hay, chống đối lại thông tư 30. Con dấu vô hình chung là hình thức để ghi nhận chứ không phải là nhận xét để học sinh, phụ huynh biết mình/con tiến bộ ở chỗ nào.
Đây là những người cũ, muốn sử dụng cho điểm làm lợi cho mình chứ không phải vì trẻ con. Trẻ con tinh lắm ai yêu nó, thực bụng với mình nó biết. Nếu cô giáo thực bụng với từng em một chúng sẽ biết ơn” – GS Đại nhấn mạnh.
Theo GS Đại phân tích, đây chính là hệ quả của tư duy sư phạm cũ, hiện vẫn còn rất nặng nề. Trong nửa thế kỷ này, tất cả các ngành đều đổi mới một cách mạnh mẽ nhưng riêng nghiệp vụ sư phạm thì không.
Đó là cách áp đặt trẻ con học thuộc lòng, học đối phó, học vì điểm số chứ không thực sự học vì sự thích thú và đam mê. Tất cả tiêu cực từ đó mà ra.
“Tôi từng nói với phụ huynh ở trường tôi rằng, mỗi đứa trẻ con, khi ở nhà là con của anh chị, đến trường là học trò của tôi. Các anh chị làm việc gì tốt nhất cho trẻ con mà tôi không làm được thì có lợi cho trẻ con nhất. Và ngược lại.
Ở phương pháp cũ ai cũng dạy được, có khi mẹ dạy tốt hơn cô giáo. Nhưng với phương pháo mới của tôi, cũng như việc bỏ chấm điểm thì ngoài cô giáo không ai làm được hết bố mẹ không làm được). Trẻ con chỉ cần học ở trường là đủ. ra khỏi cổng trường là nó chơi với bố mẹ, việc này chúng tôi đã làm mấy chục năm rồi. Phụ huynh có thể hỏi thầy cô giáo còn cách xử lý cần người có nghiệp vụ sư phạm chứ không phải những người tay ngang như bố mẹ” – GS Đại nhấn mạnh.
“ Làm giáo dục cần nhất cái Tâm và tình yêu con trẻ tuyệt đối. Hơn lúc nào hết, những thầy cô giáo hãy vì thế hệ học trò, hãy dành cho chúng sự yêu thương từ chính tấm lòng chứ không phải việc thực hiện một vài dòng nhận xét qua quýt chung chung như là sự đối phó” – GS Đại nhấn mạnh