Với điểm chuẩn cao ngất ngưởng, ngành Báo chí luôn nằm trong top những ngành học được rất nhiều sinh viên yêu thích.
Trong các ngành thuộc khối xã hội, Báo chí luôn dẫn đầu với mức điểm chuẩn cao nhờ chương trình học vô cùng thú vị, đầu ra rộng mở. Sau khi sinh viên ngành Báo chí hoàn thành chương trình học, có thể trở thành Phóng viên, Biên tập viên; Bình luận viên; Phát thanh viên; Người dẫn chương trình; Chuyên viên quảng cáo; Chuyên viên đối ngoại, hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại (PR). Hoặc sinh viên có thể học chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ để theo đuổi định hướng giảng dạy, trở thành giảng viên hoặc nghiên cứu sinh tại các viện, các trường đại học và cao đẳng.
Với đa dạng lĩnh vực hoạt động trong ngành Báo chí như báo in, báo điện tử, báo truyền hình, phát thanh… nên được sinh viên yêu thích và lựa chọn.
Từ đó, ngành Báo chí trong những năm trở lại đây luôn nằm trong top đầu của các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành xã hội khi có lượng sinh viên đăng ký xét tuyển cao áp đảo. Hầu hết những thí sinh đạt điểm cao đều chọn lựa ngành Báo chí để gửi gắm ước mơ, nguyện vọng của mình.
Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành Báo chí, đơn cử như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), Đại học Cần Thơ khu vực miền Nam. Ở phía Bắc, một số trường đại học có chuyên ngành Báo chí như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Đại học Văn hoá, Học viên Công nghệ Bưu chính Viễn thông… Khu vực miền Trung thì có Đại học Khoa học - Đại học Huế, Đại học Nha Trang.
Ở một số trường đại học, ngành Báo chí có điểm chuẩn gần như “chạm đỉnh" vì có thời điểm, điểm chuẩn ngành này gần chạm mốc 30 điểm.
Năm 2022, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) ngành Báo chí (tổ hợp xét tuyển Văn - Sử - Địa) có mức điểm chuẩn cao gần mức tuyệt đối với 29,9 điểm. Đồng nghĩa, thí sinh có mức điểm mỗi môn là 9,5 vẫn chưa có thể đậu. Năm 2023, điểm chuẩn của ngành Báo chí đạt 28,5 điểm. Ở các tổ hợp , điểm chuẩn dao động từ 25,5 - 26,5 điểm cho các tổ hợp xét tuyển A01, D01, D78, D83.
Trường Đại học Văn hoá (TP.Hà Nội) có mức điểm chuẩn dao động từ 25,85 - 26,85 điểm cho các tổ hợp C00, D01, D78, D96, A00, A16.
Nhiều năm trở lại đây, điểm xét tuyển ngành báo chí theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia luôn ở mức cao.
Ở khu vực phía Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) ngành Báo chí liên tục là ngành có điểm chuẩn cao nhất ở tổ hợp môn Văn - Sử - Địa. Năm 2023, ngành Báo chí (tổ hợp khối C00) có điểm chuẩn tuyển là 28 điểm, khối D01 là 26,71 điểm và khối D14 là 26,81 điểm.
Bên cạnh đó, với chương trình đào tạo ngành Báo chí hệ cao đẳng có nhiều cơ sở giáo dục như Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II, Cao đẳng Công thương... thời gian đào tạo, học tập từ 2-3 năm.
Sinh viên theo đuổi ngành Báo chí cần trang bị nhiều kỹ năng về giao tiếp và quản lý, tổ chức sự kiện. Ngành Báo chí yêu cầu sinh viên phải có khả năng viết tốt và khả năng hệ thống, biên tập thông tin một cách chuẩn xác. Sinh viên ngành Báo chí phải có đam mê, đảm bảo tính trung thực, minh bạch để đưa thông tin đúng đắn đến độc giả. Người học cần có khả năng truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, chính xác, luôn sẵn sàng đặt câu hỏi để thực hiện các bài phỏng vấn sâu.
Đồng thời, giá trị mà báo chí mang lại cho xã hội không hề nhỏ và để trở thành một nhà báo với các bài viết chất lượng cần phải luôn tìm tòi học hỏi và trau dồi không ngừng.
Sinh viên ngành Báo chí nên thực hành, làm quen với các công cụ bổ trợ như máy ảnh, máy quay phim để có thêm kỹ năng làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
Sinh viên ngành Báo chí sẽ được cơ hội tiếp cận với các hình thức báo chí ở năm 1-2 để hiểu rõ hơn về định hướng và nguyên tắc hoạt động của lĩnh vực này. Từ đó, sinh viên sẽ tìm được hướng đi và xác định mục tiêu nghề nghiệp từ năm 3.
Tuy nhiên, không chỉ có sinh viên theo học ngành Báo chí mới có thể trở thành phóng viên. Ngày nay, có một số ngành xã hội khác như Văn học, Văn hoá học, Xã hội học, Quan hệ công chúng… cũng có thể giúp sinh viên gia tăng khả năng viết, kỹ năng về truyền thông để khi ra trường có thể giúp người học theo đuổi đam mê trở thành phóng viên, biên tập viên…