Đưa con sang học tại trời Tây, người mẹ bất ngờ trước những thay đổi của con trai

Nhóm PV - Ngày 13/07/2021 13:40 PM (GMT+7)

“Tôi ngạc nhiên trước những thay đổi của con. Không còn kiểu ương bướng, nghĩ mình luôn đúng và “cãi chày cãi cối” nữa!” – chị Hoàng Yến – mẹ của học sinh đang theo học tại trường Logan Park (thành phố Dunedin, New Zealand) chia sẻ.

Đưa con sang học tại trời Tây, người mẹ bất ngờ trước những thay đổi của con trai - 1

Được biết, chương trình học tại New Zealand có một số điểm khác với Việt Nam, và cháu Bảo Tâm (tức Jack Ta) nhà mình khi sang đây được học vượt 1 lớp, chị có thể chia sẻ rõ hơn về việc này không?

Trước khi sang New Zealand, con trai tôi đang học cuối học kỳ 2 của lớp 7 tại Việt Nam. Tháng 4/2019 cháu sang New Zealand. Sau khi trao đổi với các hiệu trưởng, Giám đốc tuyển sinh và tham khảo thông tin, tôi thấy mặt bằng chất lượng đào tạo giữa các trường tương đối như nhau. Nên tôi quan tâm nhiều hơn đến thế mạnh của từng trường ở các hoạt động ngoại khóa và trường nam sinh hay trường cả nam cả nữ. Cuối cùng tôi chọn cho cháu học tại trường Logan Park High School vì trường rất mạnh về âm nhạc và là trường có cả nam cả nữ (theo nguyện vọng của cháu).

Trường Logan Park, nơi Bảo Tâm (Jack Ta) đang theo học

Trường Logan Park, nơi Bảo Tâm (Jack Ta) đang theo học

Trường Logan Park xem xét học bạ cùng các thành tích học tập của cháu. Ban Giám hiệu cũng hẹn phỏng vấn cháu trực tiếp khi cháu vừa sang New Zealand và sau đó quyết định cho cháu học thẳng vào lớp 9 (tương đương lớp 8 ở Việt Nam). Điều đó có nghĩa là cháu được vượt một lớp. (Xin giải thích thêm, chương trình trung học ở New Zealand gồm 13 lớp, học sinh bắt đầu đi học từ 5 tuổi. Trong đó lớp 9 và lớp 10 được gọi là junior high school và từ lớp 11 – 13 gọi là senior high school).

Năm nay cháu đang học lớp 11, trong đó có 2 môn Toán và Vật lý cháu đang học chương trình của lớp 12. Được nhảy lớp là một điểm khá thú vị trong hệ thống giáo dục New Zealand mà tôi rất thích. Sự linh hoạt này giúp cho học sinh hứng thú vì được học đúng với trình độ của mình. Tuy nhiên, nhà trường cũng rất cân nhắc khi quyết định cho các con nhảy lớp. Họ theo dõi quá trình học tập rất sát sao, nhất là giáo viên phụ trách môn học mà cháu muốn nhảy. Họ cũng trao đổi thường xuyên với học sinh để đảm bảo sau khi nhảy lớp con sẽ không gặp khó khăn hoặc không theo kịp.

So với lúc mới qua, bé nhà mình có gì khác biệt? Điều thay đổi gì ở Bảo Tâm khiến chị vui nhất?

Trước khi sang New Zealand, cháu ở độ tuổi vừa chuyển từ tiểu học lên trung học cơ sở, đây là độ tuổi “nổi loạn” của cháu. Cháu rất hay đặt các câu hỏi “cắc cớ” với giáo viên, một phần vì sự tò mò thực sự, một phần vì muốn gây sự chú ý. Cháu cũng hay bày trò cho các bạn trong lớp, đến độ có đợt cháu đi thi âm nhạc một tuần lễ ở nước ngoài mà các bạn bảo nhớ và cả lớp buồn vì thiếu cháu. Vợ chồng tôi thi thoảng cứ được gặp giáo viên chủ nhiệm để nghe về nhiều câu chuyện bi hài của cháu ở lớp.

Ngoài ra, chắc nhiều phụ huynh cũng cùng tâm trạng như tôi, khi đến đợt kiểm tra học kỳ, con học thi là mẹ phải ngồi trả bài, dò bài từng chữ cho con và hò như hò đò. Cháu nhà tôi không giỏi việc học thuộc lòng nên khi kiểm tra các môn đấy, cháu ít khi đạt điểm tuyệt đối. Cháu còn hỏi lại tôi vì sao con phải học thuộc lòng, con thuộc ý và hiểu bài là được thôi mà!

Điều tôi vui nhất bây giờ là cháu rất vui và hạnh phúc khi được đi học mỗi ngày. Cháu không thích các ngày nghỉ giữa kỳ ở New Zealand vì không được đến lớp. Vợ chồng tôi thường trò chuyện với cháu nên tôi có thể nhận ra sự thay đổi của cháu từng ngày trong suy nghĩ, cách hành xử và cách làm việc. Có lần cháu chia sẻ “Mẹ ơi, con đã hiểu vì sao cần phải học môn Lịch sử. Trước đây, con có hỏi giáo viên ở Việt Nam nhưng cô đã la con bảo lo học bài đi, ngồi đó hỏi lung tung. Con cũng đã hỏi thầy giáo dạy môn Xã hội ở New Zealand, thầy đã giải thích cho con rất kỹ. Và sau mỗi bài luận, con ngày càng hiểu được những điều thầy đã giảng giải cho con”.

Thi đấu cờ vua tại trường

Thi đấu cờ vua tại trường

Trước đây, cháu rất ngại viết, nhất là tập làm văn. Nhưng chương trình học bên này buộc cháu phải đọc và viết luận rất nhiều. Cháu học được cách phân tích, cách đưa minh chứng để bảo vệ quan điểm của mình. Và tôi nghĩ chính việc phải viết luận rất nhiều trong từng môn học đã góp phần hình thành tư duy cho cháu. Cháu cũng dần hình thành được thói quen suy ngẫm, rút kinh nghiệm sau mỗi trải nghiệm (reflection), nhìn được cả mặt tốt và chưa tốt trong từng sự kiện đã qua.

Khi lên senior high school, cháu được chọn môn học tùy theo định hướng nghề nghiệp của mình. Các thầy cô bộ môn là người đã đồng hành cùng cháu trong suốt quá trình học junior high school, hiểu từng điểm mạnh, điểm yếu của cháu và biết được những ước mơ của cháu. Cháu rất hay nói chuyện với các thầy cô và họ cũng luôn sẵn sàng dành thời gian trao đổi với cháu, phân tích cho cháu các hướng đi liên quan. Và chính cháu là người trình bày với ba mẹ, cháu quyết định chọn môn gì, vì sao cháu chọn các môn ấy, các môn học ấy giúp cháu thực hiện ước mơ nghề nghiệp sau này của cháu như thế nào. Và khi ba mẹ phản biện, cháu cũng lập luận rất chặt chẽ để bảo vệ ý kiến của mình. Đôi lúc, cháu còn phản biện lại ba mẹ.

Tôi khá ngạc nhiên đầy thú vị về tư duy phản biện cũng như khả năng lắng nghe của cháu hiện nay. Không còn kiểu ương bướng, nghĩ mình luôn đúng và “cãi chày cãi cối” nữa!

Điều tôi tự hào nhất bây giờ là tính độc lập và khả năng tự học của cháu. Tôi không còn phải ngồi bên cạnh dò bài, đốc thúc học hành nữa. Các thầy cô đã khơi gợi được cho cháu hiểu được mình là ai, giá trị của mình ở đâu và mục tiêu mình cần phấn đấu là gì. Nhờ vậy, cháu đã tự biết mình đang học vì cái gì, phấn đấu để đạt được gì và có mục tiêu cũng như lộ trình rõ ràng cho bản thân. Nhiều lúc tôi thấy tôi với cháu trò chuyện như hai người bạn cùng thảo luận các vấn đề lớn với nhau, không phân biệt tuổi tác hay vai vế mẹ con, chỉ khác biệt về chiều cao thôi (cười).

Gia đình chị Hoàng Yến

Gia đình chị Hoàng Yến

Là một người từng làm việc trong lĩnh vực giáo dục, là nghiên cứu sinh và là phụ huynh, chị nhận xét thế nào về chất lượng giáo dục New Zealand?

Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự quan tâm, sâu sát đến từng học sinh của Ban giám hiệu và các thầy cô. Tôi khá ngạc nhiên khi lần đầu tiên đi họp phụ huynh cho con ở New Zealand. Cô Hiệu trưởng bước đến nói chuyện với cháu và vợ chồng tôi. Cô biết rất rõ về cháu, tình hình học tập và còn chia sẻ rất tiếc hôm cháu đến cô không sắp xếp được thời gian để phỏng vấn cháu trực tiếp. Không riêng ở trường này, các bạn bè tôi có con đang học tiểu học/ trung học đây cũng kể với tôi về sự quan tâm của Ban giám hiệu và giáo viên đến từng học sinh. Hiệu trưởng thường nhớ mặt các phụ huynh và biết là phụ huynh của cháu nào.

Trong buổi họp phụ huynh, mỗi môn học chúng tôi và cháu gặp và trao đổi với từng giáo viên bộ môn, mỗi môn 5 phút. Trong lúc trao đổi, giáo viên luôn tạo điều kiện để học sinh tham gia chính vào buổi trao đổi. Cháu rất tự chủ trong việc học, biết cách đặt câu hỏi, mạnh dạn và tự tin nêu ra những vấn đề mình còn đang gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ của thầy cô. Sau hơn hai năm học tập, giờ cháu đã có thể lưu loát trao đổi với các thầy cô bằng tiếng Anh như các bạn bản xứ.

Các thầy cô ở trường như những người bạn đồng hành cùng cháu mỗi ngày. Thầy và trò có thể nói những câu bông đùa hài hước với nhau. Không chỉ làm tốt việc giảng dạy về mặt chuyên môn, họ còn nhắc nhở, giúp cháu sửa đổi những hành vi chưa phù hợp. Khi thấy cháu không vui như mọi ngày, các thầy lại hỏi han, động viên. Các thầy cô thi thoảng lại đặt các câu hỏi về ước mơ của cháu là gì? Cháu muốn làm gì trong tương lai…

Chính vì vậy cháu đã bắt đầu trăn trở về việc chọn ngành nghề từ cuối năm lớp 9. Theo tôi, việc giúp các cháu định hướng nghề nghiệp ở trường Logan Park dường như không phải là việc của riêng một bộ phận hay cá nhân nào phụ trách. Mỗi thầy cô chia sẻ với cháu những góc nhìn riêng, những kinh nghiệm của bản thân, những yêu cầu của các trường đại học, lộ trình để theo đuổi những ngành nghề mà cháu đang trăn trở. Ngoài ra, tùy từng môn học, giáo viên bộ môn tổ chức cho các cháu đến tham quan những khoa, phòng thí nghiệm, đặt câu hỏi với các giáo sư ở các trường đại học để các cháu trải nghiệm môi trường học tập ở đại học như thế nào.

Tôi với cháu trò chuyện như hai người bạn cùng thảo luận các vấn đề lớn với nhau, không phân biệt tuổi tác hay vai vế mẹ con, chỉ khác biệt về chiều cao thôi...

"Tôi với cháu trò chuyện như hai người bạn cùng thảo luận các vấn đề lớn với nhau, không phân biệt tuổi tác hay vai vế mẹ con, chỉ khác biệt về chiều cao thôi..."

Đặc biệt, các cháu thường được tổ chức đi cắm trại. Mỗi đợt đi như thế các cháu được phát tờ hướng dẫn các loại vật dụng, dạng quần áo cần mang tùy theo thời tiết và địa điểm nơi cắm trại. Nên các cháu rất thạo với việc tự chuẩn bị quần áo, mang bao nhiêu là đủ, mặc như thế nào cho ấm khi phải đi cắm trại ngoài trời hoặc ở trong rừng. Các cháu tự mang vác đồ đạc của mình, phải tuân thủ quy định và luôn ý thức không được quên uống nhiều nước.

Tôi vẫn nhớ có một đợt đi cắm trại trong rừng kéo dài 1 tuần. Thầy phụ trách tổ chức họp phụ huynh, giới thiệu rõ về khu rừng các cháu sẽ đến, trao đổi chi tiết các thông tin về kế hoạch tổ chức, các phương án đảm bảo an toàn cho các cháu, các thiết bị để các cháu học những môn mạo hiểm (như đu dây leo vách đá…) đã được kiểm tra độ an toàn như thế nào… Trong buổi cắm trại này, cháu được học rất nhiều kỹ năng sinh tồn, cách vượt qua giới hạn bản thân, vượt qua nỗi sợ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý vấn đề, … qua những trò chơi và hoạt động cụ thể trong rừng và ngoài biển. Tôi cứ hay nói đùa với ông xã “không hiểu ở New Zealand họ bố trí chương trình đào tạo như thế nào mà thấy tụi nhỏ cứ được đi chơi suốt”!

Bảo Tâm tham gia ban nhạc Jazz của trường Logan Park

Bảo Tâm tham gia ban nhạc Jazz của trường Logan Park

Con học mà “đi chơi suốt” như vậy, chị có cảm nghĩ như thế nào? Chị hoàn toàn yên tâm hay có chút lo lắng?

Khi ở Việt Nam, cháu nhà tôi học ở trường chuyên. Cháu học bán trú, tối về bận làm bài tập nhiều khi đến tối muộn vẫn chưa xong, mặc dù cháu không đi học thêm các môn khác, ngoại trừ môn tiếng Anh. Khi mới sang New Zealand, cứ thấy cháu học nhàn nhã quá tôi lại e ngại, không biết học kiểu này mai mốt có theo kịp bạn bè ở đây hay kể cả ở Việt Nam không.

Ở New Zealand lại không có môn phụ hay chính, môn nào cũng là môn chính, kể cả những môn như giáo dục thể chất, nhạc, họa… Ngoài ra, các cháu còn được khuyến khích tham gia các hoạt động sau giờ học rất nhiều. Cháu cứ trấn an tôi rằng các bạn ở đây tham gia rất nhiều hoạt động ngoài giờ học. Lúc đó, tôi vẫn còn mang tư duy cũ lo lắng vì thấy cháu đi học về chẳng dành thời gian học hành gì mấy, chỉ muốn tham gia ngoại khóa lại đâm lo. Sau này tôi lại thấy cháu học được kỹ năng quản lý thời gian từ chính việc tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như thế này.

Các cháu được rèn luyện các kỹ năng qua từng hoạt động học tập hàng ngày, qua mỗi hoạt động ngoại khóa, qua các buổi cắm trại cùng nhau – cùng thảo luận để vượt qua chướng ngại, cùng lội bùn, cùng băng suối, cùng leo vách đá, cùng chèo thuyền, cùng đi trong đêm tối trong rừng nguyên sinh, cùng ngủ dưới trời sương… Những buổi học thế này ngoài việc giúp cháu học được các kỹ năng sống còn giúp trui rèn cho cháu sự tự lập, tự tin, sự hòa nhập và sự kết nối đa văn hóa. Ngoài bằng cấp chuyên môn, đây chính là hành trang quan trọng cho cháu để bước vào cuộc sống của người trưởng thành về sau.

Có thể các bạn sẽ thắc mắc không thấy tôi chia sẻ những điều không tốt. Chắc chắn cháu cũng có những khó khăn nhất định hoặc những điều tôi chưa hài lòng, nhưng những kỹ năng cháu tích lũy được đã góp phần giúp cháu xử lý được những vấn đề gặp phải trong học tập. Và cháu vẫn luôn nói với tôi rằng “phàn nàn sẽ không giúp con giải quyết được vấn đề gì, vả lại mỗi ngày con đều muốn đi học thì không có gì để phàn nàn!”.

Tôi tin rằng mỗi cá nhân học sinh sẽ có những trải nghiệm khác nhau và mỗi phụ huynh cũng sẽ có những nhận định khác nhau. Hy vọng rằng, những chia sẻ này sẽ giúp các phụ huynh ở Việt Nam hình dung được môi trường học tập trung học ở Dunedin, nơi chúng tôi đang học tập.

Nhóm PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục