TP HCM - Trong phòng thi tốt nghiệp, tay trái Tuấn Anh quấn khăn giấy bịt chặt để máu mũi không rớt xuống giấy, tay phải cầm bút làm bài.
Giữa cái nóng 38 độ của tháng 6/2023, nam sinh quê Tây Ninh đội mũ len, mặc hai lớp áo dày để cơ thể đỡ run rẩy, cố hoàn thành bài thi Toán.
Lúc nhận được kết quả 24,5 điểm, Tuấn Anh nói tưởng mình đang mơ bởi đã cầm chắc cơ hội đỗ vào Đại học Y dược TP HCM. Trong khi đó mẹ cậu, bà Tô Ngọc Như, 48 tuổi, ngồi cạnh nhớ lại hành trình 12 năm đèn sách có cả máu, nước mắt và mồ hôi của cậu con trai "chiến binh mùa đông".
Tuấn Anh luôn choàng áo ấm, đội nón len khi ra ngoài. Ảnh Nhân vật cung cấp
Tuấn Anh vốn là cậu bé sinh non lúc 7 tháng, chào đời bất đắc dĩ do tai nạn giao thông của mẹ năm 2005. Cậu ốm yếu hơn bạn bè cùng trang lứa và hay bệnh vặt. Đến tuổi đi học, Tuấn Anh bắt đầu bị chảy máu mũi thường xuyên, nặng nhất là vào mùa mưa, khi thời tiết trở lạnh.
Đưa con đi khám ở gần chục bệnh viện, bà Như nhận được kết quả con bị viêm xoang bướm, căn bệnh hiếm gặp gây biến chứng thường xuyên đau đầu, tai, xung huyết chảy máu mũi, thị lực giảm dần. Đặc biệt, người bị bệnh này không chịu được nhiệt độ thấp, cơ thể lúc nào cũng phải được giữ ấm như đang ở giữa mùa đông.
Từ đó, cặp sách của Tuấn Anh luôn nặng hơn các bạn cùng trang lứa, bởi bên trong chứa đủ thứ lỉnh kỉnh như thuốc bổ máu, khăn giấy, mũ len, găng tay, áo len, túi chườm nóng. Những ngày nhiệt độ xuống dưới 30 độ C, cậu phải xin mẹ đón về bởi máu chảy ròng ròng cả tiết học.
Đường học hành của Tuấn Anh suýt gãy ngang năm 15 tuổi. Cậu bé chán học vì bệnh tật không có bạn bè, không chơi được thể thao. Sau giờ học Tuấn Anh chỉ ở nhà lướt điện thoại, dần dần nghiện game. Điểm số ngày càng tệ khiến cậu càng không muốn đến lớp. "Em không biết học xong để làm gì, bệnh tật như thế này liệu sau này có tìm được việc không", Tuấn Anh nói.
Cậu ráng đến hè, định bụng sẽ nghỉ học. Thời điểm này, Tây Ninh bước vào mùa nắng đổ lửa, bà Như ngày đi làm lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng trưa về nhà không dám bật quạt, điều hòa vì sợ bệnh con nặng hơn. Có lần, Tuấn Anh trên lầu nhìn xuống cả nhà đang căng mình chịu nóng, lòng dâng lên cảm giác có lỗi.
Cùng năm, cậu mắc thủy đậu nhưng cơ thể ốm yếu sẵn nên sốt cao, ngất xỉu. Lúc tỉnh dậy, Tuấn Anh lờ mờ thấy bóng hình của mẹ, lay tay chân gọi con, mặt đầm đìa nước mắt.
"Kể từ đó, em biết mình quý giá và quan trọng với gia đình", Tuấn Anh nói. Cậu đặt mục tiêu vào Đại học Y dược TP HCM để trở thành bác sĩ, hy vọng chữa được bệnh của mình và đỡ đần bố mẹ.
Tuấn Anh đội mũ len, áo khoác trong buổi tiệc cuối cấp 3 ở TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh Nhân vật cung cấp
Sau trận ốm, Tuấn Anh tự nguyện đăng ký vào trường nội trú ở TP HCM, cách nhà gần 100 km, nơi có quy định cấm sử dụng điện thoại. Ở cùng phòng với 20 bạn, Tuấn Anh không thể bắt mọi người tắt điều hòa. Cậu chọn cho mình góc khuất nhất, quấn thêm chăn và choàng áo ấm để ngủ.
Cai nghiện được điện thoại, cậu tăng tốc học hành từ đoạn đầu cấp 3. Tuấn Anh nói mình không thông minh như bè bạn, nhiều lỗ hổng kiến thức, cơ thể lại bệnh tật nên phải cố gắng gấp đôi, gấp ba. Bạn bè dần quen với hình ảnh cậu trở về phòng lúc 16h45 sau tiết chiều, rồi cặm cụi mang sách vở đến phòng tự học đến tối mịt.
Trần Quân, 19 tuổi, bạn cùng phòng suốt ba năm THPT là người thường chứng kiến Tuấn Anh chảy máu mũi, rơi vào tình trạng thiếu máu, ho vào nửa đêm. Tuy vậy, trước mỗi kỳ thi quan trọng, Quân luôn thấy Tuấn Anh mang sách vở học bài quá nửa khuya như bao bạn khác. "Điều này khiến cả phòng cảm phục nghị lực của cậu ấy", Quân nói.
Đang đà cố gắng, bệnh tình Tuấn Anh đột ngột trở nặng. Căn bệnh viêm xoang bướm đã ảnh hưởng đến hốc mắt trái gây nhòe mờ, đầu đau nhức. Có hôm ngồi học, máu hòa với mồ hôi nhễ nhại, cổ họng mặn chát. Mỗi tối, thầy quản nhiệm phải thức trông cậu đến hai, ba giờ sáng.
Bà Như lại khăn gói đến TP HCM đón con về Tây Ninh điều trị. Nửa tháng sau, Tuấn Anh lại nài nỉ trở lại trường. Mỗi ngày, cậu phải uống khoảng 6 loại thuốc, thị lực mắt trái giảm sâu nên chỉ có thể nhìn bảng bằng mắt phải.
Bước vào lớp 12, Tuấn Anh muốn mình đến gần với vạch đích đỗ trường Y nên ôn thi vào đội tuyển chuyên Sinh của trường. Những tháng cuối chạy nước rút, cậu uống thuốc chống đông máu rồi tự nguyện ôm tập vở đến phòng giáo viên vào mỗi buổi chiều.
Những lúc nghe con tâm sự vừa ngủ gục 10-15 phút trên bàn học, bà Như thấy xót. "Con không cần phải trở thành bác sĩ, con chỉ cần là người bình thường, khỏe mạnh và bình an là mẹ hạnh phúc", bà Như nói với con. Đáp lại, Tuấn Anh nói trường Y chỉ là mục tiêu đầu đời và nhờ nó, cậu biết mình sẽ đi hướng nào, làm gì.
Ngày nhận được kết quả trúng tuyển, Tuấn Anh vỡ òa nhưng người khóc nhiều nhất là bà Như. Cậu nói mình là "chiến binh mùa đông" của mẹ bởi lúc nào cũng choàng khăn len, áo ấm nhưng nay đã trưởng thành.
Chiều cuối tuần giữa tháng 4, Tuấn Anh dọn dẹp căn trọ ở quận 5 rồi về Tây Ninh thăm mẹ. Họ xem lại bức ảnh Tuấn Anh từ bé đến lớn, luôn nổi bật giữa đám đông bởi trang phục khác biệt. Cậu nhớ lại những cột mốc mình đã đi qua, lúc ốm yếu, bệnh tật hay khi nhận huy chương vàng học sinh giỏi.
"Con cảm thấy mình may mắn vì đã không bỏ cuộc", Tuấn Anh nói với mẹ.