Chuẩn đầu ra ngoại ngữ đang là yêu cầu khiến hàng nghìn sinh viên chậm tốt nghiệp mỗi năm. Các trường đại học cho rằng những tiêu chuẩn đưa ra không quá gắt gao, vấn đề ở chính sinh viên.
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là công cụ cho sinh viên tham gia tự tin vào thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. B1 là mức tối thiểu được đa số đại học dùng để xét đầu ra ngoại ngữ. Tại nhiều trường đại học, việc áp chuẩn ngoại ngữ được thực hiện như thế nào? |
TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, trong số các sinh viên chậm tốt nghiệp mỗi năm của trường, có những trường hợp vì vướng yêu cầu đầu ra về ngoại ngữ.
Nói về lý do sinh viên trễ hẹn tốt nghiệp do chuẩn ngoại ngữ, ông Hùng cho rằng không phải do tiêu chuẩn nhà trường đưa ra quá gắt gao. “Nhân lực muốn làm việc được trong các ngành về kỹ thuật - công nghệ ở bối cảnh môi trường ngày càng quốc tế hóa cần có khả năng tiếng Anh nhất định. Việc chậm tốt nghiệp có thể đến từ một số lý do".
"Thứ nhất, một số sinh viên nông thôn hay gia đình khó khăn nên nền tảng ngoại ngữ ban đầu không tốt, sau đó lại bận học chuyên môn và vì điều kiện, cũng không dành được nhiều thời gian để học thêm tiếng Anh. Thứ hai, ngoại ngữ khó tích lũy cấp tập, phải “mưa dầm thấm lâu”, trong khi nhiều sinh viên nghĩ khi nào cần mới học để thi, rồi thời gian học đến thời điểm tốt nghiệp không đủ. Thứ ba, có thể vào những năm cuối, các sinh viên đi thực tập, thậm chí đi làm thêm nên bận rộn rồi xao nhãng”, ông Hùng phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, thực tế, số sinh viên bị chậm tốt nghiệp vì vướng đầu ra về ngoại ngữ chủ yếu theo học chương trình chuẩn (học thuần bằng tiếng Việt). Sinh viên theo học chương trình tiên tiến hầu như không gặp vấn đề này, bởi đều có nền tảng và học bằng tiếng Anh.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.
TS Lê Anh Đức, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trung bình mỗi năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp muộn do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở các chương trình đào tạo tiêu chuẩn học bằng tiếng Việt khoảng 20%. Con số này ở các chương trình đào tạo tiên tiến (học 100% bằng tiếng Anh) là khoảng 5%. Với các chương trình đào tạo đặc thù (chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng ứng dụng POHE học 30-50% các môn học bằng tiếng Anh), số sinh viên tốt nghiệp muộn so với kế hoạch chuẩn là khoảng 8%.
Theo ông Đức, vấn đề này đến từ một số lý do: “Một số sinh viên có tâm lý ngại học và thường đợi đến năm cuối thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, vừa đổi điểm các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo, vừa được công nhận đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ để xét tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra tiếng Anh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân áp dụng theo chuẩn quốc tế với 3 chứng chỉ được đánh giá là uy tín/chuẩn mực hiện nay là IELTS, TOEFL, TOEIC 4 kỹ năng nên sinh viên cần có thời gian để thích nghi với các kỳ thi này”.
Đại diện Trường ĐH Thương mại cho hay, mỗi năm, nhà trường có những trường hợp chậm tốt nghiệp do chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh, trong đó gồm một số sinh viên ngại học, số khác do điều kiện khó khăn, phải đi làm thêm để trang trải nên thiếu thời gian học ngoại ngữ.
Nguyên nhân, theo vị này, chủ yếu từ sinh viên, trường không đưa ra mức tiêu chuẩn quá cao - bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (tương ứng B1 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu - CEFR hoặc IELTS 5.0). Mức này chỉ ngang mức năng lực ngoại ngữ Khung trình độ quốc gia Việt Nam đưa ra chuẩn đầu ra đối với người tốt nghiệp đại học.
Theo đại diện Trường ĐH Thương mại, số sinh viên vướng mắc về ngoại ngữ chủ yếu là các em ở nông thôn, vùng khó khăn. “Các em yếu ngoại ngữ sẵn, học chương trình Tiếng Anh ở bậc đại học nặng hơn nên không chỉ áp lực vì thiếu thời gian mà còn đối mặt với vấn đề kinh phí. Muốn học thêm, nâng cao ngoại ngữ phải có tiền. Trong khi đóng học phí chương trình chính khóa đã là gánh nặng với nhiều em. Một số sinh viên còn gặp bất lợi khi phải đi làm thêm trang trải tiền học và sinh hoạt. Do đó việc đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ sẽ khó khăn hơn”, vị này nói.
Thông thường, để đảm bảo tốt nghiệp, sinh viên thường hoàn thành chương trình học các môn, rồi tập trung hoàn toàn cho các học phần/tín chỉ ngoại ngữ. “Như vậy, về cơ bản, các em vẫn tốt nghiệp được nhưng chấp nhận bị muộn”, đại diện này cho biết thêm.
TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM cũng chia sẻ, nhiều sinh viên hiện nay khá lơ là trong việc hoàn thành các điều kiện để nhận bằng tốt nghiệp. Mặc dù nhà trường đã triển khai rất sớm, thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc nhưng không ít sinh viên không quan tâm tới các điều kiện để lấy bằng tốt nghiệp cũng như xét tốt nghiệp.
Các em thường để tới học kỳ cuối cùng - "nước đến chân mới nhảy" trong khi đây là thời điểm bận rộn để thực tập, làm khoá luận tốt nghiệp. Vì vậy điều này khiến các em không đáp ứng được chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Muôn kiểu chuẩn đầu ra ngoại ngữ Ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM, PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo cho hay, hiện nay, chương trình đào tạo tiêu chuẩn (bằng tiếng Việt) của trường có chuẩn đầu ra ngoại ngữ tương đương TOEIC 600. Đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh/tiên tiến là IELTS 6.0 (đây cũng là chuẩn đầu vào). Còn tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, sinh viên tốt nghiệp phải có chứng chỉ tiếng Anh bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam, tương đương với B1 Khung CEFR. Nhà trường cũng công nhận đạt chuẩn cho sinh viên đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để giảm áp lực và sinh viên không phải học lại. Đại diện Trường ĐH Thương mại cho hay, chuẩn đầu ra tiếng Anh để xét tốt nghiệp của trường hiện nay là bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (tương ứng B1 theo Khung CEFR hoặc IELTS 5.0); riêng ngành ngôn ngữ là bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (tương ứng C1 theo Khung CEFR hoặc IELTS 6.5). Tuy nhiên, trong tương lai, để nâng cao chất lượng đào tạo, xu hướng trường sẽ nâng chuẩn đầu ra về tiếng Anh khi tốt nghiệp là từ mức IELTS 5.5 trở lên. TS Lê Anh Đức, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, nhà trường áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho các chương trình đào tạo tiên tiến (học 100% bằng tiếng Anh) tối thiểu là IELTS 6.5 và tương đương. Các chương trình đào tạo đặc thù (chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng ứng dụng POHE học 30-50% các môn học bằng tiếng Anh) tối thiểu IELTS 6.0 và tương đương. Các chương trình đào tạo tiêu chuẩn học bằng tiếng Việt tối thiểu IELTS 5.5 và tương đương. Trong khi đó, ở Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Trung cho hay, nhà trường không quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ vì đã quy định sinh viên phải có chuẩn tiếng Anh đầu vào bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam - tương đương B2 theo Khung CEFR để học chuyên ngành. Cụ thể, giữa năm thứ 3, khi học sâu chuyên ngành, sinh viên đã có chuẩn đầu vào bậc 4 và tất cả các ngành đều như vậy. Còn đối với ngành Ngôn ngữ Anh, chuẩn đầu vào lại là tiếng Trung Quốc. “Quy định chuẩn đầu ra là lạc hậu với chúng tôi. Chúng tôi đã bỏ điều này từ năm 2022 bởi từ năm thứ 3 trở đi sinh viên của trường bắt buộc đã phải có chuẩn tiếng Anh bậc 4 để học chuyên ngành. Mặt khác, các môn chuyên ngành của trường đều dạy bằng tiếng Anh. Đến thời điểm hiện tại, sinh viên tốt nghiệp đúng hạn (4 năm) của năm gần nhất đạt 89,8%. Sinh viên chậm ra trường (kéo dài tới 4,5 năm) chủ yếu do học song ngành, chứ không liên quan đến chuẩn đầu ra tiếng Anh”, ông Trung nói. |