Đây là ngành học đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người, được đẩy mạnh phát triển góp phần tạo nên sự cân bằng trong xã hội. Sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc tại các tổ chức xã hội, trung tâm nghiên cứu, bệnh viện, trường học… để giải quyết nhiều vấn đề từ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống.
Ngành học hướng đến giá trị tích cực, điểm chuẩn tăng liên tục
Chính thức xuất hiện tại Việt Nam vào 20 năm trước, ngành Công tác xã hội được các cơ sở giáo dục tại Việt Nam tuyển sinh để đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của con người. Đặc biệt, ngành học này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng, tiến bộ của mỗi quốc gia và nhân loại.
Công tác xã hội là ngành học tìm hiểu về các công việc giúp đỡ những người không may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt hoặc đưa ra biện pháp, cách giải quyết cho những vấn đề xã hội đang tồn đọng trong thời đại ngày nay. Đây là ngành học chuyên về lĩnh vực nghiên cứu, sau khi ra trường sinh viên sẽ vận dụng kiến thức và kỹ năng để giải quyết các vấn đề xã hội.
Đây là ngành học không mới, từng bị lãng quên. Công tác xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và giải quyết các vấn đề, mối quan hệ con người với nhau. Từ đó, thúc đẩy hoạt động xã hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Trẻ em, người cao tuổi, người có khiếm khuyết trên cơ thể... đều là đối tượng mà người làm việc trong lĩnh vực Công tác xã hội cần hướng đến. Mục tiêu chung là giúp những nhóm người này có thêm kỹ năng sống, nâng cao nhận thức, giải quyết vấn đề của họ và vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Để theo đuổi ngành học thú vị, ý nghĩa này học sinh có thể xét tuyển theo các tổ hợp A00 (Toán - Lý - Hoá), A01 (Toán - Lý - Anh), C00 (Văn - Sử - Địa), D01 (Toán - Văn - Anh), D14 (Văn - Sử - Anh), D15 (Văn - Địa - Anh)... Hiện nay, ngành Công tác xã hội được mở tuyển sinh ở nhiều cơ sở giáo dục trên khắp cả nước.
Khu vực phía Bắc một số trường đào tạo tiêu biểu ở ngành Công tác xã hội có thể kể đến như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Lao động và Xã hội, học viện Phụ nữ Việt Nam… Năm 2024, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nằm trong TOP những cơ sở giáo dục tuyển sinh ngành học này với mức điểm chuẩn cao ngất ngưởng. Cụ thể, thí sinh cần đạt trên 27,94 (tổ hợp xét tuyển C00) trung bình mỗi môn thi, thí sinh cần 9 điểm để đỗ vào trường. Với các tổ hợp còn lại A01, D01, D05, D78 mức điểm sẽ dao động từ 24,39 - 26,01.
Điểm chuẩn của ngành Công tác xã hội trong năm 2024 cũng tăng chóng mặt, có một số trường đại học tăng từ 2-4 điểm so với năm trước.
Cùng xét tuyển bằng 4 tổ hợp A00, A01, C00 và D01, trường Đại học Lao động và Xã hội có điểm chuẩn 25,25 còn Học viện Phụ nữ lấy mốc điểm tương đối dễ thở khi thí sinh chỉ cần 22,25 điểm để đỗ vào trường.
Ở khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng) có mức điểm chuẩn là 24,68. Ngoài xét tuyển theo khối C00 và D01, ngôi trường này còn mở chỉ tiêu ở hai tổ hợp C19 (Văn - Sử - Giáo dục công dân) và C20 (Văn - Địa - Giáo dục công dân).
Trường Đại học Đà Lạt - một trong những cơ sở giáo dục hệ chính quy đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành Công tác xã hội, lấy điểm chuẩn trong kỳ tuyển sinh 2024 là 17 điểm ở 4 tổ hợp C00, C20, D01, D14.
Ở khu vực TP.HCM, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là một trong những trường đào tạo ngành Công tác xã hội lớn nhất cả nước với gần 100 chỉ tiêu. Năm 2024, điểm xét tuyển theo khối C00 chạm mốc 27,15 điểm, khối D01 có mức điểm chuẩn là 24,49 và hai tổ hợp D14, D15 lần lượt là 24,9 điểm và 25,3 điểm. Trường Đại học Sư phạm có mức điểm chuẩn là 24,44 ở ba tổ hợp xét tuyển A00, C00, D01.
Đầu ra rộng mở, thu nhập ổn định lên đến 8 con số
Đối với Cử nhân Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau như: Nhân viên xã hội tại các cơ sở xã hội; Điều phối viên chương trình, dự án; Làm việc tại các trường học, bệnh viện, viện dưỡng lão; Các dịch vụ xã hội: tư vấn, tham vấn tâm lý, giới tính… Nếu sinh viên có đủ kiến thức chuyên môn có thể trực tiếp tham gia giảng dạy hoặc trở thành nghiên cứu sinh tại các trường đại học, cao đẳng, các viện, trung tâm nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các trung tâm đào tạo, kiểm huấn công tác xã hội…
Ngoài ra, sinh viên theo đuổi ngành vẫn có thể hoạt động trong lĩnh vực khác liên quan như: Hành chính văn phòng, báo chí truyền thông, nhân sự… Tóm lại, ngành công tác xã hội mở rộng cơ hội việc làm cho các cử nhân.
Sinh viên theo đuổi ngành này cần có đam mê, niềm yêu thích với công việc hướng đến lợi ích cho cộng đồng. Hơn hết, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng ứng xử, giao tiếp, kiên trì và kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
Một quốc gia muốn phát triển bền vững, bên cạnh chú trọng nền kinh tế thì còn cần tạo sự bình đẳng, công bằng và hạnh phúc cho con người. Chính vì điều này mà nhu cầu tuyển dụng ngành Công tác xã hội đang tăng cao và dự đoán trong tương lai còn tiếp tục tăng. Vì thế, sinh viên sau khi ra trường dễ dàng kiếm việc làm phù hợp với năng lực.
Đặc biệt, trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tế để đúc kết kinh nghiệm học hỏi từ những trường hợp cụ thể trong xã hội.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh - Trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: "Việc thực hành trong dạy học, thực hành môn học, thực tập nghề nghiệp luôn được quan tâm, có vị trí vô cùng quan trọng. Khoa sẽ mời các chuyên gia thực hành, những nhà công tác tác xã hội tại các cơ sở tham gia quá trình đào tạo. Ví dụ, học phần Công tác xã hội trong bệnh viện, có nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện về dạy. Học phần Tham vấn trẻ em có chuyên gia về tham vấn, trị liệu trẻ em đến chia sẻ, giảng dạy. Ngoài ra, trong các học phần, sinh viên được yêu cầu thực hành thường xuyên tại cơ sở, để có thể rèn luyện và học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn”.
Một đặc điểm của ngành là làm việc với con người, tương tác, kết nối các mối quan hệ trong xã hội. Từ đó, có thể giúp họ tự giải quyết các vấn đề một cách bền vững. Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến tâm lý, các phương pháp làm việc với cá nhân, nhóm và cộng đồng.
Sinh viên khi vừa ra trường sẽ có mức thu nhập tương đối ổn định, dao động từ 7 - 10 triệu đồng. Trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển, Công tác xã hội là một ngành nghề phát triển vượt bậc. Do đó, nếu sinh viên chủ động trang bị ngoại ngữ, hoạt động trong các doanh nghiệp ngoại quốc hay di chuyển đến các quốc gia khác làm việc thì mức thu nhập có thể lên đến hơn 50.000 USD/năm (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Công tác xã hội - ngành học từng bị lãng quên trong thời gian dài nhưng trong những năm trở lại đây lại nhận được nhiều sự quan tâm từ học sinh và phụ huynh nhờ đầu ra ngày càng rộng mở, nhu cầu từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng chuyên viên Công tác xã hội tăng cao. Vì thế, điểm chuẩn của ngành có xu hướng tăng mạnh và được dự đoán sẽ trở thành một ngành học HOT trong tương lai gần.