Lãng phí chương trình phân ban

Ngày 03/12/2014 08:36 AM (GMT+7)

Từ năm 2014, đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ đã bỏ phần nâng cao - được coi là dấu chấm hết cho chương trình phân ban THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thất bại của chương trình này gây nên sự lãng phí rất lớn về sức người, sức của.

Bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM), cho biết mỗi năm, trường đều tổ chức cho học sinh (HS) mới trúng tuyển vào lớp 10 tìm hiểu về chương trình phân ban để các em chọn. Trong vòng 2 năm đầu, một số HS còn chọn ban khoa học tự nhiên (ban A) hay khoa học xã hội - nhân văn (C) nhưng về sau thì không có em nào chọn 2 ban này nữa. Đó cũng là tình hình chung ở nhiều trường THPT khác khi hầu như toàn bộ HS chỉ chọn học ban cơ bản.

Phá sản từ đầu

Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM), 10 năm qua, HS vẫn chỉ đăng ký học ban cơ bản. Bà Phạm Thị Lệ Nhân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hằng năm, khi có danh sách trúng tuyển lớp 10, trường đã tổ chức tư vấn, giải thích cho phụ huynh, HS về chương trình phân ban và hướng đi của từng ban nhưng không HS  nào chọn học ban A hay ban C.

Lãng phí chương trình phân ban - 1

Bốn năm trở lại đây, các trường THPT tại TP HCM không còn dạy chương trình phân ban Ảnh: TẤN THẠNH

Theo ông Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP HCM), tất cả HS ở trường đều chọn ban cơ bản. “Năm 2006, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tập huấn cho lãnh đạo các trường THPT để triển khai đại trà chương trình phân ban thì chúng tôi đã thấy không phù hợp nên không tổ chức dạy học phân ban” - ông Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, giải thích: Vài năm đầu, một số trường còn dạy chương trình ban A hay ban C nhưng khi tổ chức thực hiện thấy không phù hợp nên 4 năm nay, không trường nào duy trì giảng dạy 2 ban này.

Tại Hà Nội, chương trình phân ban cũng đã đi vào quá khứ. TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho hay ngay từ khi Bộ GD-ĐT triển khai chương trình THPT phân ban mới năm học 2006-2007, trường đã chủ trương chọn ban cơ bản. “Với thực tế HS của trường, tôi nghĩ lựa chọn như vậy là hợp lý. Ban cơ bản kiến thức trung bình, HS không giỏi nên chọn ban này vì mục tiêu tốt nghiệp THPT là chính” - TS Lâm nhìn nhận.

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cũng cho biết: “Ban đầu, trường tôi chọn được 1 lớp học ban A trong tổng số mười mấy lớp nhưng sau đó HS bỏ dần, xin chuyển sang ban cơ bản. Không em nào chọn ban C. Phân ban như thế rõ ràng là phá sản ngay từ ban đầu”.

Quá nặng, không phù hợp

Chương trình phân ban thực tế đã bị phá sản dù Bộ GD-ĐT chưa lên tiếng thừa nhận. Bà Phạm Thị Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết ở những buổi tổ chức cho HS vừa trúng tuyển vào lớp 10 tìm hiểu chương trình phân ban, trường vẫn khuyên các em nên học ban cơ bản, sau đó chọn những môn học nâng cao, các môn phù hợp với khối thi ĐH dự kiến sau này. Tư vấn đó được phụ huynh và HS cho là hợp lý.

Theo ông Huỳnh Trọng Phúc, HS chọn ban A hay ban C thì phải học chương trình nâng cao của cả 4 môn, rất nặng. Trong khi đó, nếu HS có ý định thi khối A thì chỉ cần 3 môn nâng cao. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết ngay từ đầu, trường đã xác định theo ban cơ bản nhưng HS có thể chọn thêm các môn như toán, lý, hóa hoặc văn, sử, địa để nâng cao.

Ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC), cho rằng khuynh hướng giáo dục hiện đại trên thế giới từ lâu người ta đã bỏ phân ban mà là phân môn. Ở Việt Nam, giáo dục phổ thông được xác định là giáo dục nghề nghiệp, nghĩa là định hướng nghề nghiệp sớm, nên HS sẽ chọn nâng cao môn chính và các môn hỗ trợ. Chương trình phân ban vì vậy không còn phù hợp.

“Thông thường, khi triển khai một chương trình, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các hội thảo khoa học để đánh giá cái hay, cái dở để rút kinh nghiệm. Nhưng với chương trình phân ban THPT, Bộ GD-ĐT dường như muốn quên đi, muốn tiễn đưa nó một cách lặng lẽ” - ông Thảo thẳng thắn.

Một chuyên gia giáo dục tại TP HCM nhận định khi xây dựng chương trình phân ban, Bộ GD-ĐT đã huy động lực lượng giáo viên hùng hậu để biên soạn sách giáo khoa, kéo theo đó là hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, đồ dùng học tập… Việc chương trình phá sản là một sự lãng phí quá lớn, Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm, đặc biệt là cho lần xây dựng chương trình - sách giáo khoa sắp tới mà bộ dự kiến sẽ mất đến 780 tỉ đồng.

Phân ban nhưng học “ban không phân ban”

Chương trình phân ban THPT được Bộ GD-ĐT thí điểm từ năm học 2003-2004 tại gần 50 trường của 11 tỉnh/thành với 2 ban: khoa học tự nhiên (ban A, học nâng cao các môn toán, lý, hoá, sinh) và ban khoa học xã hội - nhân văn (ban C, học nâng cao văn, sử, địa, ngoại ngữ). Bộ GD-ĐT dự kiến thí điểm một năm rồi triển khai đại trà từ năm học 2004-2005. Tuy nhiên, phải đến 2 năm sau, chương trình mới triển khai được đại trà sau khi đã nhiều lần điều chỉnh phương án phân ban. Lần điều chỉnh cuối cùng là thêm ban cơ bản - một ban được giới chuyên môn xem là “ban không phân ban”. Như vậy, rốt cuộc HS cả nước hầu như chỉ học “ban không phân ban”.

Theo Huy Lân - Yến Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan