Từ ngày 17 đến 21.8, tất cả các lớp từ lớp 2 đến lớp 5 Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã hoàn thành việc tranh cử, bầu cử Chủ tịch Hội đồng tự quản.
Theo quan sát của phóng viên, không khí chuẩn bị tranh cử Chủ tịch Hội đồng tự quản của các lớp rất sôi động và quyết liệt. Những học sinh ứng tuyển vào chức Chủ tịch Hội đồng tự quản lần lượt đứng lên trước lớp để thuyết trình về mục đích và kế hoạch nếu trúng chức.
Tại lớp 2A3, dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, bạn Phạm Bùi Gia Khanh - ứng cử chức Chủ tịch Hội đồng tự quản - thuyết trình: “Nếu các bạn bầu tôi làm chủ tịch, tôi xin hứa sẽ đoàn kết các bạn, gương mẫu trong học tập, rèn luyện đạo đức, giúp đỡ các bạn học chưa tốt cùng nhau tiến bộ. Bên cạnh đó, tôi sẽ đi tiên phong trong các hoạt động ngoại khóa để lớp mình không chỉ học giỏi, mà còn toàn diện”.
Buổi tranh cử chức Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp 2A3.
Ứng cử viên Danh Nghị nói: “Tớ sẽ đoàn kết với các bạn, học giỏi hơn và trật tự hơn trong giờ học. Các bạn hãy bầu cử cho tớ nhé!”.
Các ứng cử viên lần lượt lên tranh cử bằng các bài thuyết trình đã được chuẩn bị trước. Các ứng cử viên tự tin, chủ động thể hiện hết khả năng thuyết trình của mình để giành được tối đa cảm tình của các thành viên trong lớp. Sau đó, cả lớp sẽ bầu chọn một bạn mà mình cho là xứng đáng làm Chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp.
Kết quả bầu cử và kiểm phiếu: Bạn Phạm Bùi Gia Khánh được bầu làm Chủ tịch, 2 bạn Nguyễn Đức Duy, Bùi Trường Giang được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng tự quản.
Trả lời câu hỏi "cảm xúc của con khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng tự quản?", bạn Phạm Bùi Gia Khánh rất ngây thơ: “Con không muốn làm Chủ tịch, nhưng số phiếu cao hơn hai bạn khác nên con phải nhận”.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Đức Duy chia sẻ: “Con và bố con ngồi đánh máy, in cho con bài thuyết trình. Nằm trong Hội đồng tự quản học sinh, cùng hội ý với cô chủ nhiệm để hoàn thiện các ban chuyên trách và tham mưu với giáo viên chủ nhiệm có kế hoạch nâng cao chất lượng các ban chuyên trách: Học tập, nền nếp, bán trú, văn nghệ, thư viện...”.
Cách lớp 2A3 không xa, không khí bầu cử Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp 4A1 cũng không kém phần nghiêm túc và sôi động.
Ứng cử viên Hoàng Bảo Ngọc tự tin chia sẻ: “Nếu tôi được làm Chủ tịch Hội đồng tự quản, tôi hứa sẽ giúp lớp trở nên đoàn kết, tích cực trong các phong trào của trường của lớp. Tôi hứa sẽ gương mẫu, học tập tốt, giúp đỡ những bạn học còn yếu kém và mỗi tuần sinh hoạt tôi sẽ cho các bạn chơi trò chơi thật là thú vị”.
Còn bạn Phan Hoàng Linh Đan nói: "Năm học này, tớ mong các bạn sẽ bầu tớ làm Chủ tịch Hội đồng tự quản, cùng nhau phấn đấu vô địch khối 4 và môn kéo co".
Kết quả bầu cử và kiểm phiếu cho thấy, bạn Hoàng Bảo Ngọc đã giành được vị trí Chủ tịch Hội đồng tự quản với 23/28 phiếu bầu. Hai Phó chủ tịch là bạn Phạm Tuấn Tùng Lâm được 15/28 phiếu bầu, bạn Phan Hoàng Linh Đan được 14/28 phiếu bầu.
Trả lời câu hỏi tại sao con bầu cho bạn, một học sinh hồn nhiên trả lời: “Con bầu cho bạn vì bạn nói rất dài, rõ ràng và thuyết phục!”.
Những hình ảnh tranh cử chức Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng tự quản tại Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm:
Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 Nguyễn Thị Loan hướng dẫn học sinh thực hiện ứng cử chức chủ tịch và bầu Chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp.
Nguyễn Đức Duy - ứng cử viên chức chủ tịch - đang đọc lại nội dung chuẩn bị lên thuyết trình.
Ứng viên chức chủ tịch Phạm Bùi Gia Khanh thuyết trình: “Tôi xin hứa sẽ đoàn kết các bạn, gương mẫu trong học tập, rèn luyện đạo đức, giúp đỡ các bạn học chưa tốt cùng nhau tiến bộ”.
Các thành viên trong lớp ghi tên bầu ứng cử viên chức Chủ tịch Hội đồng tự quản vào phiếu.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 kiểm phiếu cùng hai thư ký.
Bạn Phạm Bùi Gia Khanh trúng cử Chủ tịch Hội đồng tự quản cùng hai phó chủ tịch ra mắt lớp 2A3.
Tân Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp 2A3 nói: “Con không muốn làm Chủ tịch, nhưng số phiếu cao hơn hai bạn khác nên con phải nhận”.
Bài thuyết trình của bạn Hồ Nhật Minh - học sinh lớp 2 Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm.
Sau những phút giây tranh cử căng thẳng và sôi động, các em học sinh hồn nhiên nô đùa trước ống kính.
Trước đó, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới, trong đó có đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học và mô hình trường học mới. Nội dung dự thảo cho biết, lớp trưởng tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản. Theo ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tên gọi "chủ tịch hội đồng tự quản" giúp học sinh đứng ra tổ chức, bàn bạc, thậm chí đề xuất nguyện vọng để thông qua hội đồng tự quản báo cáo với giáo viên, đoàn đội, báo cáo phụ huynh học sinh. Học sinh làm chủ tịch, phó chủ tịch… dân chủ hơn lớp trưởng. Bởi, học sinh được trao quyền chủ động có ý kiến, đề xuất, giải quyết sự việc trong lớp học nên tăng tính tự chủ, tự tin. “Nhiều người suy diễn chức vụ này tạo cho các em tính háo danh từ bé là không đúng. Bởi khi ở vị trí này, trước mỗi việc, các em đều phải trao đổi, bàn bạc với các bạn khác trong ban và cô giáo chủ nhiệm mới đưa ra quyết định. Ngược lại, các em cũng có sự tự tin khi được đề xuất mong muốn về học tập, vui chơi, dù là rất trẻ con với giáo viên”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay. |