“Giữ chức chủ tịch hội đồng tự quản, trẻ sẽ tự do thể hiện năng lực, khẳng định trách nhiệm, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè”.
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới, trong đó, lớp trưởng bậc tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản. Hiện tại, ở Việt Nam đã có một vài trường áp dụng mô hình mới ở bậc tiểu học. Theo ghi nhận của phóng viên, những trường có chức “chủ tịch hội đồng tự quản” đều ủng hộ mô hình này. Họ khẳng định, với mô hình mới, chức danh mới giúp trẻ tiến bộ rõ rệt.
Mô hình hội đồng tự quản được áp dụng trong một lớp (Ảnh: Ngô Châu Anh)
Trẻ phải vận động tranh cử
Tại Hà Nội, trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm đã áp dụng mô hình trường học mới từ 3 năm nay.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Hiệu trưởng cho biết, mỗi năm trường tổ chức tranh cử, bầu cử vị trí chủ tịch hội đồng tự quản 2 lần. Học sinh nào cũng có quyền tham gia và thuyết trình. Trẻ muốn giữ vị trí chủ tịch, phó chủ tịch phải có bài thuyết trình ấn tượng, thu hút. Trẻ phải ý thức có chức (quyền) cũng phải gắn trách nhiệm giúp đỡ bạn trong lớp.
Mô tả lại thời điểm tranh cử, bầu cử của trẻ, Phó Hiệu trưởng trường Đoàn Thị Điểm cho biết, dưới sự định hướng của giáo viên chủ nhiệm, trước ngày tranh cử, các thành viên trong lớp trao đổi về phẩm chất, năng lực cần có trong hội đồng. Sau đó, giáo viên sẽ lập danh sách ứng cử, đề cử để bỏ phiếu bầu.
Theo bà Phương, thời gian từ lúc tranh cử đến bầu cử kéo dài 1 tháng. Sau khi thuyết trình, học sinh trong lớp sẽ bỏ phiếu kín. Học sinh nào được số phiếu cao nhất sẽ giữ chức “chủ tịch hội đồng tự quản”, thấp hơn sẽ giữ phó chủ tịch hoặc các vị trí trưởng ban. Thông thường, trường Đoàn Thị Điểm sẽ tổ chức tranh cử, bầu cử vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Đặc biệt, khoảng 3 năm nay, giáo viên trong trường không chỉ định học sinh làm lớp trưởng mà thay bằng tranh cử. Từ đó, trẻ có thể tự do thể hiện năng lực nổi trội. Trẻ tự do khẳng định trách nhiệm của bản thân với người khác.
“Làm được điều này, trẻ cần nỗ lực và quan tâm đến bạn bè nhiều hơn”, bà Phương nói.
Lãnh đạo trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm cũng khẳng định, chức chủ tịch hội đồng tự quản công bằng hơn so với chức lớp trưởng. Bởi lớp trưởng do giáo viên chỉ định. Lớp trưởng thường cậy “uy” hay bắt nạt bạn bè. Trong khi đó, giữ chức chủ tịch, trẻ phải tìm cách phải bảo vệ. Nếu không làm được điều này, học sinh sẽ bị truất quyền.
Bà Phương cũng thông tin, tại trường cũng có trẻ trúng cử chức “chủ tịch hội đồng tự quản” nhưng không thể làm được và chuyển sang vị trí khác như phó chủ tịch hội đồng tự quản hoặc trưởng ban văn nghệ, ban học tập….Tuy nhiên, trẻ phải trải nghiệm ít nhất 1 tháng, không làm được mới phải trả chức.
Chiến dịch tranh cử chức hội đồng chủ tịch tự quản tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Ảnh do chị Lê Mai Hương, phụ huynh học sinh cung cấp)
Giúp trẻ có trách nhiệm
Theo Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm, học sinh không hiểu giá trị của từ “chủ tịch” như người lớn khi gắn liền với các chức danh, mà đơn thuần trẻ là người có khả năng lãnh đạo và biết chia sẻ.
“Theo quan sát, qua những lần tranh cử, bầu cử, trẻ rất hào hứng, vui vẻ. Học sinh có tính tự lập hơn. Do đó, người lớn đừng nên áp dụng suy nghĩ “trẻ sính quyền lực” vào trẻ con”, bà Phương bày tỏ.
Bà nói tiếp: “Trường Đoàn Thị Điểm áp dụng mô hình trường học mới trên tinh thần có lợi cho học sinh. Trường không làm hình thức mà chú trọng cách thực hiện, định hướng”.
Trường Tả Thanh Oai (Hà Nội) cũng áp dụng mô hình trường học mới trong đó có chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản”. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường, chức danh này giúp trẻ xác định khả năng, nâng cao trách nhiệm của bản thân. Qua khảo sát, học sinh và phụ huynh ở trường Tả Thanh Oai đều thích tên “chủ tịch hội đồng tự quản” hơn “lớp trưởng”. Vì thế, phụ huynh cũng hăng hái tham gia, chia sẻ nhiều trong cuộc tranh cử, bầu cử hội đồng từ quản.
“Ngay cái tên “chủ tịch hội đồng tự quản” đã kích thích tinh thần trách nhiệm của học sinh, khiến trẻ thích thú”, bà Nga cho hay.
Tuy nhiên, theo bà Nga, thầy cô phải định hướng, chọn học sinh có năng lực, tự tin để đảm nhiệm vị trí này. Ngoài ra, giáo viên cũng không nên tạo sức ép cho trẻ, tránh tình trạng trẻ sợ vì áp lực.
Chị Lê Mai Hương (có con đang học ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm) đồng tình với hình thức bầu cử chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản”. Theo chị Hương, sau khi áp dụng mô hình mới trong trường học, trẻ có chuyển biến tích cực trong nhận thức, tự lập. Hơn nữa, phụ huynh cũng biết con học gì và hoạt động như thế nào. “Mô hình trường học mới tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân”, chị Hương cho hay. Đồng quan điểm với chị Hương, chị Trần Minh Lan (có con học ở trường Đoàn Thị Điểm) cũng chia sẻ: “Tôi không buồn cười khi trẻ gắn chức danh chủ tịch hội đồng tự quản. Nếu ai từng có con học ở môi trường mới sẽ thấy chức danh này không hề to tát với lứa tuổi các cháu. Trẻ hoàn toàn có thể làm được, thậm chí làm rất tốt. Hơn nữa, tranh cử để tìm người có năng lực khiến trẻ luôn nỗ lực hết khả năng và phải có trách nhiệm với người khác. Ngược lại, nếu trẻ không trúng cử chức này cũng phải cố gắng nhiều hơn và buộc phải thể hiện năng lực nhiều hơn”. |