Nắm bắt những nguyên tắc mua mỹ phẩm dưới đây sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm tiền lại vừa có thể đẩy nhanh quá trình làm đẹp cho làn da.
Ở thời đại truyền thông lên ngôi, bạn không thể tin vào mọi điều mà nhãn hàng nói, thậm chí cả những người nổi tiếng. Bởi 70% điều họ chia sẻ trên mạng xã hội đều được tài trợ. Vậy tốt nhất, bạn nên học được cách phân biệt đâu là sự thật, đâu là những lời có cánh để tự bảo vệ sức khỏe làn da. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể tiết kiệm cả “tiền tạ tiền tấn” trước đó đã đầu tư vào đống mỹ phẩm nhưng chẳng thấy được kết quả gì.
Marketing có thể xoắn vặn nhiều thứ, nhưng điều chúng không thể thay đổi đó là sự thật hiển nhiên cùng những minh chứng khoa học.
Để giúp phái đẹp có thêm kiến thức đâu là những sự thật cần phải nắm rõ trước khi chọn mua bất kì món mỹ phẩm nào, Eva Làm đẹp đã có một cuộc thảo luận vô cùng thú vị với chuyên gia Trần Bảo.
Theo luật định của ngành mỹ phẩm, một sản phẩm có nhãn tự nhiên không có nghĩa 100% có thành phần chiết xuất hoàn toàn từ cây cỏ. Điều chúng cần là một (vài) chiết xuất tự nhiên và người ta có thể dán nhãn sản phẩm tự nhiên mà lơ đi 95% thành phần còn lại là hóa chất.
Một số loại hóa chất thì không hề độc hại. Hóa chất có thể là nước bạn uống, không khí bạn hít thở,... Tất cả chúng đều được xem là hóa chất. Ngoài ra, căn bản 99% những chất độc đều có nguồn gốc tự nhiên.
Tuy nhiên, cơ thể bạn hoạt động theo cơ chế tế bào. Cơ chế này sẽ không phân biệt đâu là mỹ phẩm tự nhiên hoặc đâu là mỹ phẩm hóa chất. Điều bạn cần chính là một chiếc chìa khóa đánh thức tế bào làn da.
Vậy lần tới nếu một công ty nào dám bảo với bạn chúng tôi 100% không hóa chất. Hãy biết rằng bạn đang đối diện với một kẻ lọc lừa chuyên nghiệp.
Nếu bạn chưa biết, tại Mỹ, không có quy định cụ thể cho những nguyên liệu nào sẽ thuộc mục hữu cơ, ngay cả với thực phẩm. Điều đó đồng nghĩa là bạn có thể bị “dính chấu” một tạp chất có hại nào đó với loại mỹ phẩm bạn mua.
Trên thực tế, mỹ phẩm organic không mang lại nhiều lợi ích hơn cho làn da so với những sản phẩm có nguồn gốc nhân tạo được pha chế chuyên nghiệp bởi những nhà máy lớn. Bởi hầu hết tất cả những nhà máy nhỏ đều không thể đáp ứng được quy mô để cho ra đời những loại mỹ phẩm cao cấp.
Bạn có để ý rằng hầu hết những công ty mỹ phẩm organic đều nhỏ? Chính điều này khiến họ khó có thể đạt được một dây chuyền sản xuất cao cấp đạt chuẩn cho mỹ phẩm.
Paraben là tên gọi chung của nhóm chất bảo quản hóa học được sử dụng rộng rãi nhất trong các mỹ phẩm, dùng để chống lại sự phát sinh của nấm mốc và vi khuẩn, bảo vệ người tiêu dùng đồng thời đảm bảo chất lượng ban đầu sản phẩm. Những dạng paraben phổ biến nhất được sử dụng trong mỹ phẩm là methylparaben, propylparaben, và butylparaben. Dù vậy, nhiều nhà khoa học đã đưa ra kết luận paraben có thể kích thích sự phát triển của các khối u. Tuy nhiên, tại Mỹ, paraben vẫn chưa từng bị nghiêm cấm sử dụng.
Vậy không có lý gì nếu paraben hay dầu khoáng thực sự có nguy cơ ung thư (như người ta vẫn đồn thổi) mà nhà nước Mỹ lại không cấm? Đơn giản vì đó là một trong những hoạt chất bảo quản tốt nhất.
Dầu khoáng cũng không ngoại lệ, mặc dù rẻ tiền nhưng lại có khả năng giữ ẩm bề mặt tốt. Nếu paraben không làm tăng nguy cơ gây ung thư thì dầu khoáng cũng xứng đáng nằm trong danh sách thành phần có thể sử dụng hằng ngày. Điều duy nhất bạn cần lưu ý là có thể chúng không phù hợp với làn da dầu, da mụn vì tính giữ ẩm bề mặt quá cao.
Cuối cùng là silicone. Silicone không phải là một cái tên xa lạ đối với những ai mê mỹ phẩm. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều biết tới thành phần này với vô vàn những điều tiếng xấu như “làm tắc lỗ chân lông”, “sinh mụn”, “độc hại”, “gây ung thư”, “là thành phần cần tránh trong mỹ phẩm”.
Trên thực tế, silicone luôn là thành phần có lợi cho làn da mà bạn có thể tìm thấy rất nhiều những dẫn chứng cụ thể của nó. Đặc biệt, đây còn là thành phần làm nên tính “bất phân thắng bại” của kem chống nắng.
Làn da của chúng ta thường không hề mịn màng mà khá “gồ ghề”. Nhờ cấu trúc phân tử khổng lồ, silicone sẽ làm cho bề mặt da trở nên bằng phẳng hơn. Từ đó giúp da phản xạ ánh sáng một cách đồng bộ hơn, tạo hiệu ứng một làn da căng mượt không tì vết.
Với cấu trúc trúc lớn, silicone nằm trên da của chúng ta tạo thành một lớp màng mỏng có thể ngăn độ ẩm trên da bị bốc hơi, tương tự như một lớp khóa ẩm. Đây là thành phần phổ biến có mặt trong hầu hết các make up nhằm tạo hiệu ứng mượt mà, căng da.
Silicone rất to và xốp. Do đó chúng không thể thấm vào lớp biểu bì mà nằm lại trên bề mặt da. Vì tính chất xốp nên silicone sẽ giữ các chất khác lại bên trong cấu trúc của chúng và giúp những chất này hoạt động ngay trên da.
Đặc tính này ứng dụng trong các loại kem chống nắng, giúp cho những chất chống nắng hóa học này sẽ không thể thấm sâu vào da và thực hiện được chức năng hấp thụ các tia UV ngay trước khi tia UV xâm nhập vào sâu hơn được nữa.
Qua 3 điều nho nhỏ trên, hy vọng bạn đã có thêm kiến thức để tiến vào con đường làm đẹp đầy chông gai nhưng cũng đầy thú vị.
Làm đẹp thông thái là tuyến bài chuyên mục Làm đẹp hợp tác cùng các chuyên gia với vốn kiến thức sâu rộng trong việc dùng mỹ phẩm/ dược mỹ phẩm để cải thiện tình trạng làn da. Hãy cùng đón đọc các bài viết Làm đẹp thông thái vào 6 giờ sáng - Chủ nhật hàng tuần. Chúc các Eva luôn xinh đẹp, và hãy đẹp thật THÔNG THÁI! |