Với kiến trúc cổ kính, mộc mạc, khoác lớp rêu phong cùng các góc sống ảo đẹp mê ly đã làm nhiều du khách say mê quên lối về. Ngoài ra, có một số căn nhà cổ trở thành khu triễn lãm nghệ thuật thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhà cổ ở Hàng Buồm
Tọa lạc trên phố Hàng Buồm, một trong những con phố cổ lâu đời nhất của Hà Nội, di tích số 22 Hàng Buồm là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử và nghệ thuật.
Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm hiện là địa điểm tổ chức các triển lãm nghệ thuật ấn tượng, thu hút nhiều người đến tham quan, check-in và tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa.
Khoảng 400 năm trước, cộng đồng người Quảng Đông (Trung Quốc) khi đến định cư và buôn bán tại khu vực Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Lãn Ông (xưa thuộc phường Hà Khẩu) đã xây dựng Hội quán Quảng Đông như một trung tâm sinh hoạt chung.
Không chỉ là nơi thờ tự, hội quán còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, là địa điểm gặp gỡ, giao thương của thương nhân gốc Hoa. Trải qua nhiều biến đổi của thời gian, công trình này đã được trùng tu từ cuối năm 2018 và hoàn thiện vào cuối năm 2021. Ngày nay, với diện mạo mới mang tên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, nơi đây trở thành điểm đến nghệ thuật đặc sắc, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa giữa lòng phố cổ Hà Nội.
Hiện tại, nhà cổ Hàng Buồm mở cửa từ 8h-12h và từ 13h30-17h30. Giá vé tham quan là 20.000 đồng/khách.
Ngày nay, bất kỳ góc nào tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm đều có thể check-in, hứa hẹn mang đến những bộ ảnh ấn tượng.
Nhà cổ ở Mã Mây
Ngôi nhà cổ Mã Mây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội đang được bảo tồn và làm địa điểm tham quan du lịch, triển lãm. Nơi đây được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, với tổng diện tích 157,6m2 với chiều dài là 28m, chiều rộng mặt tiền 5m và mặt hậu là 6m.
Ngôi nhà số 87 Mã Mây mang nét đặc trưng của nhà cổ xưa ở Hà Nội. Nhà được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ 19 bởi một gia đình tiểu thương bán gạo người Việt.
Ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc truyền thống Việt Nam, xây dựng theo quan niệm xưa rằng đất làm nhà nên có thế “nở hậu” để đem lại may mắn và phúc lộc cho gia chủ.
Ban đầu, công trình được dựng lên với mục đích vừa để ở vừa làm nơi buôn bán. Trải qua nhiều biến động, ngôi nhà đã đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia chuyên kinh doanh thuốc Bắc mua lại, sau đó từ năm 1954 đến năm 1999, nơi đây trở thành tổ ấm của năm gia đình khác nhau.
Dù vẻ ngoài khiêm tốn, giản dị, nhưng không gian bên trong lại hoàn toàn khác biệt khi bước vào trong, khách tham quan sẽ cảm nhận được sự thoải mái, khoáng đãng, thoáng mát. Ngôi nhà được thiết kế theo kết cấu ba lớp, ngăn cách bởi hai khoảng sân nhỏ, vừa giúp đón ánh sáng tự nhiên, vừa tạo khoảng xanh với những chậu cây, mang lại cảm giác hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Hiện tại, nhà cổ Mã Mây mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 8h-17h. Giá vé tham quan là 10.000 đồng/khách.
Nhà cổ Hàng Bè
Tọa lạc số 44, phố Hàng Bè, Quận Hoàn Kiếm, căn biệt thự được thiết kế theo kiến trúc Pháp cổ rộng 800m2 nằm sâu trong con ngõ. Được xây dựng vào năm 1926, công trình nổi bật với kiến trúc độc đáo, nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm của một gia đình giàu có Hà Nội xưa. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu, thương gia giàu có nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ XX. Khi hai cụ mất, căn biệt thự thuộc quyền sở hữu của người con gái thứ hai là bà Trương Thị Mô và hiện tại là bà Lê Thanh Thủy.
Hiện tại, căn biệt thự vẫn giữ được không gian rộng rãi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình. Bên trong gồm các phòng ngủ dành cho gia chủ và khách, phòng ăn ấm cúng cùng nhà vệ sinh tiện nghi. Nổi bật trong kiến trúc ngôi nhà là bốn cột đá nguyên khối được chạm khắc tinh xảo với các hoa văn “Đào - Cúc - Trúc - Mai”, không chỉ tôn thêm vẻ đẹp cổ điển mà còn mang ý nghĩa phong thủy, tượng trưng cho sự bình an và thịnh vượng.
Không chỉ là một công trình kiến trúc ấn tượng, căn biệt thự ở số 44 Hàng Bè còn lưu giữ nhiều câu chuyện lịch sử. Trải qua bao thăng trầm thời gian, ngôi nhà vẫn giữ được hồn cốt xưa, trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa phố cổ Hà Nội. Ngày nay, biệt thự là điểm đến thu hút những người yêu kiến trúc và lịch sử, là minh chứng sống động cho vẻ đẹp bền bỉ của Hà Nội qua nhiều thế hệ.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dù một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng nhìn chung tổng thể căn nhà vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc Pháp cổ.
Hầu hết nội thất trong căn biệt thự Hàng Bè đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hồng Kông và giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Biệt thự cổ Trần Hưng Đạo
Tọa lạc tại số 49 phố Trần Hưng Đạo, đây là biệt thự Pháp đầu tiên của Hà Nội được trùng tu bài bản, kỳ vọng trở thành trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ.
Với thiết kế đặc trưng của phong cách kiến trúc Đông Dương, biệt thự mang vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa sang trọng, phản ánh dấu ấn lịch sử và sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Ngôi biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành các hạng mục lớn sau 1 năm trùng tu với chi phí lên đến 14 tỷ đồng.
Căn biệt thự được phục dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ, những chi tiết trang trí trên tường, cột trụ và lan can đều mang dấu ấn của nghệ thuật châu Âu, tạo nên một tổng thể hài hòa, tinh tế. Không gian bên trong được bố trí hợp lý, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, mang lại cảm giác thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên.
Ngày nay, căn biệt thự vừa được trùng tư hơn chục tỷ không chỉ là một di sản kiến trúc quý giá mà còn là điểm đến thu hút những người yêu thích lịch sử, nghệ thuật và văn hóa ở mảnh đất thủ đô.