Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt

Ngày 07/03/2019 18:00 PM (GMT+7)

Không còn gì hợp hơn để nói về câu chuyện làm đẹp của phụ nữ Việt nhân ngày 8/3 – một ngày đặc biệt dành cho chị em phụ nữ trên khắp thế giới, và cho cả chúng ta.

Từ thuở xa xưa, chị em phụ nữ đã có nhu cầu làm đẹp. Mặc dù không có quá nhiều mỹ phẩm đắt tiền hay công nghệ làm đẹp tân tiến như hiện nay, nhưng người xưa vẫn có những bí quyết rất riêng để tự chăm sóc nhan sắc của mình.

Tuy mỗi thời có mỗi tiêu chuẩn về cái đẹp khác nhau, nhưng phụ nữ thời nào cũng chú trọng làm cho nhan sắc của mình trở nên xinh đẹp, rạng rỡ nhất. Cùng chuyên mục Làm đẹp ngược dòng thời gian, tìm về những ngày xa xưa và ngắm bức tranh toàn cảnh về việc làm đẹp của các bà, các mẹ - những người phụ nữ tuyệt vời, những người có công xuất sắc trong việc khởi nguồn bí quyết làm đẹp.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 1

Đầu tiên sẽ nói về việc nhuộm răng đen, đây chính là phong tục và cũng là một chuẩn mực mang nét đặc trưng của phụ nữ Việt Nam xưa, đặc biệt là trong các vùng miền Trung và miền Bắc. Mặc dù ngày nay truyền thống ấy đã không còn được duy trì nhưng hàm răng đen vẫn là nét đẹp không thể không nhớ tới.

Sở dĩ nhuộm răng đen trở thành thông tục vì thói quen nhai trầu của ông bà ta. Nhai trầu khiến cho răng bị ố màu nên mọi người mới nhuộm thật đen để khắc phục, đồng thời tạo nên nét duyên từ màu đen huyền, đều tăm tắp. Phổ biến là thế nhưng để có một hàm răng như ý thì cũng mất cả một công cuộc đầy gian lao.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 2

Thuốc nhuộm răng của người Việt được pha chế từ nhựa cánh kiến, nước cốt chanh, phèn đen, nhựa của gáo dừa,... Trước khi nhuộm, họ phải trải qua công đoạn làm sạch và làm mòn men răng. Đau đớn nhất là bước làm mòn vì người nhuộm răng phải ngậm nước chanh pha rượu trắng, dung dịch này khiến môi và niêm mạc miệng sưng tấy, răng thì có cảm giác như sắp rụng đến nơi vậy.

Sau đó việc áp thuốc nhuộm phải được thực hiện trong suốt 7 đêm liền. Trong khoảng thời gian này không được nhai mà chỉ ăn thức ăn dễ nuốt. Đau đớn, bất tiện nhưng với họ, để có một hàm răng “đều như hạt na” thì như vậy cũng rất xứng đáng.

Mãi đến thế kỷ 20, tục nhuộm răng mới lui vào dĩ vãng. Hơi tiếc nuối nhưng nét đẹp trong văn hóa Việt Nam vẫn luôn phải kể đến phong tục này.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 3

Ông bà xưa có câu, cái răng cái tóc là góc con người, quả thật không sai. Thời nay dù có hiện đại đến mấy, tóc xanh tóc vàng có trở thành hot trend, thì cô gái với mái tóc đen dài óng ả vẫn là điều khiến bao người mê mẩn. Chính vì thế mà dù có làm bao nhiêu kiểu tóc, thay đổi biết bao màu nhuộm thì cuối cùng, một mái tóc thẳng dài, đen mượt tự nhiên vẫn là nét duyên đặc biệt nhất.

Chính vì quan niệm mái tóc là góc con người, nên thời các bà, các mẹ đã rất chú trọng đến việc chăm sóc, giữ gìn mái tóc của mình. Mà cái thời xa xưa ấy thì đâu có nhiều sản phẩm chăm sóc tóc, không có khái niệm dầu gội, dầu xả như hiện nay. Thế nên các bà các mẹ mới tìm kiếm và sử dụng một loại trái rất đặc biệt, đó chính là trái bồ kết.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 4

Bồ kết được xem là tặng phẩm quý giá của thiên nhiên, là thần dược giúp các bà, các mẹ giữ gìn mái tóc yêu quý. Từ hoàng cung cho đến người phụ nữ làm nông, cứ tìm đến loại nước được nấu từ bồ kết, củ sả, bồ hòn, chanh, vỏ bưởi, lá hương nhu, tang bạch bì,... là đảm bảo tóc sẽ được dài, dày và đen óng đúng như chuẩn mực thời đó.

Ngoài công dụng giúp giữ màu tóc đen huyền, bồ kết còn dùng để trị gàu và nấm da đầu cực kì hiệu quả, giúp tóc vào nếp dễ dàng và kích thích mọc tóc, làm sạch da đầu và giúp tóc bóng khỏe.

Bên cạnh thứ nước gội đầu kia thì chiếc lược bí cũng là vật dụng không thể thiếu để chăm mái tóc đẹp. Ngoài công dụng gỡ rối thì hàng răng khít được dùng để loại bỏ mấy con chấy hay bám trên những mái tóc dài.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 5

Từ thuở xa xưa, má đỏ môi hồng đã là nét quyến rũ khó cưỡng của người phụ nữ. Vì thế mà các bà, các mẹ đã nhờ đến việc trang điểm để có được vẻ ngoài xinh đẹp nhất. Nhưng ngày ấy làm gì có mỹ phẩm, các bà các mẹ muốn làm đẹp thì phải nhờ những sản phẩm đến từ thiên nhiên, được tinh chế và sử dụng.

Từ thời phong kiến, hầu hết những bí quyết làm đẹp đều xuất phát từ trong hậu cung do các phi tần đua nhau tranh giành sự chú ý của vua chúa. Cung đình Huế thời nhà Nguyễn còn có hẳn xưởng chế tạo mỹ phẩm, với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên. Trong đó phải kể đến sáp dưỡng môi từ mật ong ruồi và phấn nụ là hai thứ nổi bật nhất.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 6

Mật ong ruồi được nấu chảy, cho thêm dầu rồi lọc vài lần. Cuối cùng trộn thêm màu để tạo sáp dưỡng môi như ý. Loại “son’’ này từng rất được ưa chuộng bởi mật ong có tác dụng dưỡng da rất tốt, đôi môi còn có màu hồng tự nhiên, tươi tắn.

Loại “son” này hiện nay chỉ còn là quá khứ bởi sự du nhập của quá nhiều son ngoại vào thị trường Việt Nam. Thế nên có chăng thì chỉ có phấn nụ Huế là còn tồn tại cho đến ngày nay. Vì độ an toàn, thơm và công dụng hiệu quả mà phấn nụ rất được lòng chị em phụ nữ.

Được biết, công đoạn để làm ra sản phẩm này cho đến giờ rất ít người biết chính xác. Nhưng công dụng của nó thì ai đã qua sử dụng cũng phải gật gù công nhận. Ngoài tác dụng làm phấn trang điểm, phấn nụ Huế còn có tác dụng dưỡng trắng, trị mụn và thâm nám. Do thành phần chính là cao lanh cùng 10 vị thuốc Bắc bí truyền nên vô cùng lành tính.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 7

Ngoài việc chăm sóc da thì hàng lông mày cũng là nét đẹp rất được chú trọng. Khi văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập, các chị em đốt nút chai champange thành than để làm bột tán lông mày. Họ sử dụng lá cây điên điển phơi khô, giã giập đầu và cắt chéo vạt để làm bút vẽ.

Xà bông Cô Ba - Thương hiệu vang bóng một thời

Khi nhắc đến các thương hiệu Việt “vang bóng một thời”, không thể không nhắc đến xà bông Cô Ba (in hình ảnh đương kim hoa hậu thời bấy giờ). Những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày được ưa chuộng khoảng đầu thế kỷ XX. Cục xà bông màu xanh mát in hình một người phụ nữ Việt Nam với tóc búi cao, trán rộng từng làm mưa làm gió trên thương trường lúc bấy giờ, gắn liền với câu chuyện về doanh nhân Trương Văn Bền - cha đẻ của cục xà bông từng làm mưa làm gió lúc bấy giờ. 

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 8

Loại xà bông này có công thức rất đơn giản: 72% là dầu dừa, còn lại là xút và hương liệu. Tất nhiên ông Bền có bí quyết để mua được loại hương liệu tạo mùi thơm lâu bền nhưng chính quảng cáo mới là lý do lớn nhất khiến nhãn hiệu xà bông này lan rộng nhanh chóng ở miền Nam lúc đó. Nó có mặt trên hầu hết các tiệm tạp hóa ở miền Nam và không tính nổi số gia đình lao động xài nó. Bởi loại xà bông này rất tốt, có nhiều bọt, chất lượng không thua xà bông ngoại nhập nổi tiếng của Pháp mà giá lại rẻ hơn rất nhiều.

Chuyện làm đẹp thời bao cấp

Vào thời này, ngay cả tiền ăn, tiền chi tiêu, tiền gạo, đều được cân đo đong đếm kiêng khem thì chuyện làm đẹp cũng bị coi như là vấn đề tốn kém. Nhưng nhu cầu làm đẹp thì thời nào cũng như nhau, bởi vậy mà các bà, các mẹ thời này cũng phải tự mày mò những phương pháp làm đẹp đến từ thiên nhiên.

Thời này, các bà các mẹ vẫn gội đầu bằng bồ kết để tóc chắc khỏe, rửa mặt bằng nước vo gạo để có làn da trắng mịn màng, tóc ai bị gàu thì dùng muối và phèn chua,…

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 9

Cho đến thập niên 80, nước ta cũng tự sản xuất ra được một số loại hóa mỹ phẩm như nước hoa hiệu Ỷ Lan, Hoa Nhài có mùi thơm nhẹ nhàng hoặc kem gội đầu. Tuy nhiên nước hoa nội địa không giữ được mùi lâu và kem gội đầu thì có mùi khó chịu nên người dân vẫn chuộng các sản phẩm tương tự đến từ Thái Lan.

Những năm 90 đánh dấu sự nhập ngoại của hàng loạt các loại mỹ phẩm tân thời vào Việt Nam như: keo xịt tóc, son Thái Lan, phấn Con Én, sáp nẻ Liên Xô, kem sâm,…Mặc dù công nghệ chế tạo mỹ phẩm không phát triển như bây giờ, nhưng không rõ nhờ bí quyết gì khiến cho những sản phẩm này có màu tươi, mùi thơm nồng rất đặc trưng và đặc biệt là bám rất lâu.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 10

Cách làm đẹp theo đó mà cũng khác đi rất nhiều, các cô gái thời kỳ này bắt đầu biết điệu đà với phấn son cùng nhiều kiểu tóc thời thượng khác khi ra đường. Da họ trắng hơn với kem sâm, đôi mắt được pha trộn với đủ loại màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng,… đôi môi cũng đỏ thắm, hồng hào hơn.

Kỹ thuật trang điểm lúc này còn rất thô sơ, người ta dùng một thỏi son mà áp dụng tất thảy cho cả môi và đôi gò má. Với kem sâm và phấn Thái, da cô nào cũng trắng bệch bởi loại mỹ phẩm này thời ấy chỉ có một tông màu duy nhất này mà thôi.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 11

Đi kèm với sự đổi khác về trang điểm, xu hướng tóc tai thời kỳ này bắt đầu có những biến chuyển khá rõ rệt so với những năm trước đó. Các sản phẩm chăm sóc tóc bắt đầu xuất hiện, tuy chưa nhiều, nhưng người ta dần “quên lãng” thói quen gội đầu với bồ kết, lá hương nhu, lá bưởi,… Không dài như trước, mái tóc chân phương ngày ấy giờ được tỉa ngắn bớt, thường là đến ngang vai, và được uốn xoăn thành những búp lớn theo “mốt” của từng năm.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 12

Thời vang bóng của mỹ phẩm Việt - khuynh đảo thị trường xuyên suốt 2 thế kỷ

Khi nói đến mỹ phẩm Việt Nam truyền thống, nếu bỏ qua thương hiệu này thì quả là một thiếu sót vô cùng lớn. Đây chính là một thương hiệu có bề dày lịch sử và đã xuất hiện trên bản đồ làm đẹp Việt Nam từ năm 1961 với những sản phẩm như kem trân châu, dầu gội đầu hoa bưởi, kem bóng tóc Parafine & Brillantine. Đến năm 1969, thương hiệu mỹ phẩm này đã mở rộng thị trường sang Campuchia và dần dần đặt chân đến các nước Đông Nam Á còn lại.

Thorakao có thể được coi là một thương hiệu có đầy đủ các sản phẩm làm đẹp nhất, từ sản phẩm dưỡng da – trị mụn đến các sản phẩm dưỡng tóc và mỹ phẩm trang điểm. Dòng sản phẩm dưỡng da từ nghệ là một thế mạnh của thương hiệu này nhờ khả năng làm liền sẹo và trị mụn hiệu quả. Khi nói đến sản phẩm dưỡng tóc, ai ai cũng phải thừa nhận sự hiệu quả trong việc chống rụng tóc của dòng sản phẩm chiết xuất từ hoa bưởi.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 13

Đến đầu những năm 1990, đất nước mở cửa, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại theo nhau vào thị trường Việt. Với nguồn lực tài chính mạnh, cộng với kinh nghiệm làm thị trường lâu đời, thiết kế bắt mắt, chiến lược marketing rầm rộ, các thương hiệu mỹ phẩm ngoại đã dần đánh bật thương hiệu mỹ phẩm đình đám này ra khỏi các kệ trưng bày mỹ phẩm. Sản phẩm thuộc hàng này buộc phải trôi dạt về các vùng nông thôn. Hãng cũng tìm đường xuất ngoại đến nhiều thị trường trên thế giới theo đường đi của cộng đồng Việt kiều, nhưng cũng không mấy sáng sủa.

Song song đó, mỹ phẩm Lana cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường và khoảng năm 1972. Các sản phẩm của Lana cũng chứa các chiết xuất thiên nhiên và một thời được chị em tin dùng. Ngoài ra, còn chưa kể đến “Chị đại” của ngành nước hoa Việt Nam chính là công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC). Với thiết kế “rất Việt Nam” là hình dáng chiếc áo dài, những lọ nước hoa này cực kì phù hợp để làm quà biếu cho những vị khách nước ngoài cũng như những người con Việt Nam xa xứ. Cho đến hôm nay, mỹ phẩm Lana và SCC vẫn còn tồn tại nhưng lại khá mờ nhạt trên thị trường.

Mỹ phẩm thời hiện đại

Xuôi theo dòng chảy thời gian, vào những năm 2013 – 2014, phong trào dùng mỹ phẩm thiên nhiên bắt đầu nở rộ. Những sản phẩm được làm từ cám gạo để tẩy tế bào chết, son môi handmade, nước hoa khô handmade… được bày bán với nhiều hình dạng, mùi và mức giá khác nhau.

Thêm vào đó, tuy công thức và thành phần gần như giống nhau, nhưng mỗi người lại biết cách tạo cho sản phẩm riêng của mình một hương vị, màu sắc hoặc hình dạng khác nhau theo cá tính và gu thẩm mỹ riêng. Do đó, người bán được thỏa mãn năng khiếu và cái tôi của mình, còn người mua lại bị hấp dẫn bởi cái riêng, hình thức bắt mắt, ngộ nghĩnh hoặc xinh xắn của sản phẩm khác nhau vào mỗi dịp chợ phiên.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 14

Nhờ đó, thị trường mỹ phẩm handmade phát triển khá rầm rộ và cũng đã có nhiều cửa hàng “ăn nên làm ra”, được nhiều người tìm đến như Hoa trà đỏ, Lota shop, Pizkie Soap… Thậm chí, một số cửa hàng còn được các spa, trung tâm làm đẹp đặt hàng. Các loại mỹ phẩm handmade cũng rất đa dạng, từ dạng thô đến dạng tinh như: dầu dừa, sáp ong, các loại hoa khô, kem làm đẹp da, lột trắng da, dưỡng da, nến massage, sữa/bơ/sáp dưỡng thể, gel rửa tay, nước hoa khô, thanh lăn khử mùi, son môi, xà phòng tắm…

Thế nhưng đã gọi là phong trào thì sức sống của nó cũng chỉ kéo dài được một khoảng thời gian rất ngắn, rồi… “chết yểu”.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 15

Trong khi đó, song song với quá trình phát triển không ngừng nghỉ của các sản phẩm làm đẹp, có một loại kem bỗng bùng phát lên và nhanh chóng lan rộng như nấm mọc sau mưa và kéo dài cho đến tận hôm nay vẫn còn đủ sức khiến chị em tranh nhau mua, đó chính là kem trộn. Kem trộn thật ra là loại kem nhà làm, không nhãn mác, không bao bì, cũng không rõ ai sản xuất nhưng nó lại đem đến hệ quả vô cùng nghiêm trọng.

Theo như nghiên cứu cho thấy, kem trộn được chế từ rất nhiều loại thuốc hay kem từ các nhãn hiệu khác nhau, có điểm chung là không rõ nguồn gốc và không được kiểm chứng chất lượng. Trong thành phần của kem trộn bao gồm các thành phần chính: vitamin E, Becozym, Cortibion, Aspirin…và đặc biệt là Corticoid. Corticoid là chất ức chế miễn dịch của da, khiến da ngậm nước mạnh, da sẽ trắng mịn và căng mọng rất nhanh chỉ trong vòng 24h sau khi bôi.


Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 16

Xuôi về vùng quê, nơi các chị, các em, nhất là những người phụ nữ không may sở hữu làn da ngăm, bấy lâu chịu lời dèm pha dư luận, nay nghe công dụng “thần thánh” của kem trộn thì tranh nhau mua. Người người xài kem trộn, nhà nhà xài kem trộn, người này thấy người kia xài cũng đổ xô đi mua cho trắng mịn bằng chị bằng em. Để rồi khi vô tình nhìn thấy cô gái nào có nước da trắng, người ta cũng buột miệng hỏi rằng: “Em xài kem trộn hay sao?”. Rõ ràng cái trắng sáng như giấy quyến ấy thật sự biết cách thu hút, quyến rũ người khác.

Và không còn là thứ mỹ phẩm rẻ rúng được bán một cách lén lút nơi chợ quê nghèo, kem trộn ngày nay được rao bán như thứ “thần dược” giúp chị em thay đổi màu da một cách ngoạn mục. Ngay cả mạng xã hội, điển hình là facebook chính là nơi để những con người buôn bán kem trộn được dịp quảng cáo với hàng chục công dụng làm mê mẩn phái đẹp. Nào là: trắng sáng tức thì sau 1 lần sử dụng, da đen nhẻm cũng trắng bóc như trứng gà lột, xài một lần hiệu quả một đời, giá rẻ hạt dẻ mua xài thả ga, pla pla…

Và để minh chứng cho sản phẩm của mình, người bán kem trộn cũng sở hữu luôn làn da trắng mịn, thêm chút son phấn cộng với quần áo lả lơi, người mua dễ dàng bị thuyết phục bởi… người thật việc thật đây mà. Nhưng…

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 17

Chính vì không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, chính vì sự tham lợi nhuận của người bán, chính vì sự mù quáng của người dùng đã khiến cho biết bao người sử dụng kem trộn gánh chịu hậu quả nặng nề. Nhẹ thì dị ứng da, nổi mẩn, tấy đỏ, phồng rộp, mụn mủ,.. Nặng thì da biến dạng, lão hóa da, teo da, ung thư da,... Và vô số những tác hại khôn lường khác.

Nếu search google với từ khóa kem trộn, chưa đến 0,23 giây, bạn sẽ được trả về rất rất nhiều thông tin về loại kem này, kèm theo đó là những tác hại nghiêm trọng do nó gây ra. Nhìn vào những gương mặt bị ảnh hưởng nặng nề của kem trộn, bạn có suy nghĩ gì không? Riêng người viết cảm thấy vô cùng bức xúc, bởi vì đâu mà chị em lại tin mù quáng vào thứ kem không nhãn mác, không xuất xứ và hàng ngày hàng giờ có biết bao nhiêu thông tin về tác hại mà nó gây ra.

Dẫu biết rằng ai cũng có nhu cầu làm đẹp, nhưng làm đẹp phải thông minh, làm đẹp thế nào để mỗi ngày trôi qua mình rạng rỡ hơn chút nữa. Chứ không phải lao đầu vào làm đẹp, tin mù quáng vào những lời quảng cáo hoa mỹ để rồi bất chấp luôn hậu quả. Và khi xảy ra chuyện, lại đổ thừa… tại xui?

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 18

Đáng mừng là sau rất nhiều lời chỉ trích cũng như lên án loại kem này, chị em phụ nữ đã dần dần “tỉnh ngộ”. Thay vì tranh nhau mua kem trộn, đã có không ít chị em tìm đến những kiểu chăm sóc da đến từ tự nhiên. Họ chịu khó đắp mặt nạ nha đam, dưa leo hay mật ong mỗi tối, kiên trì uống nước ép rau củ mỗi ngày và giảm bớt đi những loại thức ăn nhanh không tốt cho cơ thể.

Bên cạnh đó, họ còn tập luyện thể dục thể thao, thường xuyên detox thải độc thanh lọc cơ thể. Những kiểu làm đẹp chậm mà chắc như thế đã được chị em áp dụng và truyền tai nhau tránh xa loại kem trộn độc hại kia. Nhưng nói như thế không có nghĩa là kem trộn không hoành hành trên thị trường.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 19

Nhìn lại bức tranh tổng thể về việc làm đẹp của các bà, các mẹ ngày xưa mới thấy, cái gì có xuất xứ từ tự nhiên thì càng đem đến hiệu quả an toàn nhất. Muốn tóc đen như gỗ mun, đã có trái bồ kết trong vườn nhà. Muốn có làn da mịn màng không mụn, xách cái rổ ra nhổ bụi nghệ vàng, bào vội vài lát đắp lên mặt là xong ngay. Còn nếu muốn có chút son môi làm duyên, thì pha mật ong với ít dầu, màu là có ngay đôi môi hồng hào làm rung rinh trái tim chàng trai thời ấy. Cho đến khi đất nước phát triển, Thorakao ra đời đã khuynh đảo cả thị trường mỹ phẩm Đông Dương.

Còn ngày nay thì sao? Người ta sống vội, đến việc làm đẹp cũng vội vàng. Thay vì tỉ mỉ với những loại hoa trái, các cô gái hiện đại chỉ cần đặt hàng nhanh trên mạng, mất chưa tới 10 giây là có ngay hộp kem trộn với hàng chục công dụng kèm lời hứa hẹn của người bán hàng. Nhưng hậu quả sau đó mới dở khóc dở cười.

Khi kem trộn lên ngôi, tiếc nuối vị thế khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt - 20

Những món mỹ phẩm huyền thoại, nếu còn bán thì chị em vừa tiết kiệm tiền lại vừa đẹp rồi!
Bạn có tin những món mỹ phẩm ngày xưa các bà, các mẹ bôi mặt nếu vẫn còn tồn tại đến bây giờ, thì chúng ta sẽ tiết kiệm được đống tiền mà vẫn xinh đẹp...
Theo Dương/Thiết kế: Nguyễn Quân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mỹ phẩm