Mồ hôi và nước mắt trong lò luyện hoa hậu ở Philippines

Ngày 08/02/2016 11:00 AM (GMT+7)

Lò đào tạo hoa hậu là nơi có thể mang lại tấm vé đổi đời nhưng cũng có thể là mồ chôn cho những mộng tưởng bởi cơ hội chiến thắng là rất nhỏ.

Có thể nói rằng Pia Wurtzbach là Hoa hậu Hoàn vũ “đáng nhớ” nhất trong lịch sử cuộc thi này khi chiếc vương miện đáng lẽ thuộc về cô lúc đầu đã bị trao nhầm cho Hoa hậu Columbia bởi nhầm lẫn khó hiểu của MC Steve Harvey.

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi dấy lên quanh việc liệu người đẹp 26 tuổi có thực sự xứng đáng với danh hiệu này.

Không thể phủ nhận rằng vẻ đẹp quyến rũ và thần thái rạng rỡ khiến Ban giám khảo bị chinh phục chính là thành quả của cô sau ba năm dày công khổ luyện trong lò đào tạo hoa hậu ở Philippines.

Mồ hôi và nước mắt trong lò luyện hoa hậu ở Philippines - 1

Người dân Philippines có thể dễ dàng kể tên những nữ hoàng sắc đẹp của mình hệt như người Brazil ghi nhớ những huyền thoại bóng đá ở xứ sở Samba. Trên khắp đất nước Philippines, có rất nhiều lò đào tạo hoa hậu chính thức lẫn không chính thức, nơi có hàng ngàn cô gái miệt mài tập luyện với giấc mơ đổi đời nhờ chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp.

Mồ hôi và nước mắt

Trong một khu nhà tọa lạc ở Quezon, một trong những quận đông đúc nhất của thủ đô Manila, hàng chục cô gái mảnh mai, xinh đẹp miệt mài tập luyện trên sàn một sân bóng rổ cũ, nay được trưng dụng làm lớp dạy nhảy. Phía bên kia phòng là khu vực thay đồ và ở chính giữa là nơi bày bộ bàn ghế để các cô ngồi trang điểm, làm tóc.

Thời tiết giữa trưa rất nóng nực mặc dù chỉ mới vào tháng Giêng nên bốn chiếc quạt công nghiệp phải hoạt động hết công suất. Các cô gái đều diện quần đùi bó sát, áo croptop và mang những đôi giày với gót cao tới 7 inch.

Họ đang tập đi dáng “mãng xà”, cố gắng đánh hông sang hai bên càng lắc lư uyển chuyển càng tốt. Buổi tập thường chỉ kết thúc lúc nửa đêm, khi các cô gái đã đi hết khoảng 25 lần quanh căn phòng hình chữ nhật dài 25m và rộng 15m.

Mồ hôi và nước mắt trong lò luyện hoa hậu ở Philippines - 2

Các cô gái thường dành trọn buổi sáng để tập gym và luyện dáng đi. Khi không tập đi dáng mình xà, họ lại đứng trước gương, vòng tay và vươn người để tập các động tác tăng sức rướn. Bên cạnh những bài tập thể chất, họ còn phải học cách đứng, cách cười, cách làm thế nào để toát lên sự quyến rũ và ngọt ngào, làm sao để xử lý sự cố vấp ngã trên sân khấu hay cách đưa ra câu trả lời ứng xử thông minh và thuyết phục.

Mồ hôi và nước mắt trong lò luyện hoa hậu ở Philippines - 3

Trong suốt 6 tháng, các cô gái phải đều đặn dành 9 tiếng mỗi ngày cho những bài tập này, chưa kể họ còn phải tới phòng gym và thỉnh thoảng mới được nghỉ ngơi vào cuối tuần. Những chấn thương, mỏi mệt đối với họ dường như đã là chuyện quen thuộc mỗi ngày.

Kết thúc đợt đào tạo, một cuộc thi sắc đẹp quy mô nhỏ trong 3 tiếng đồng hồ sẽ được tổ chức. Đây là dịp để các cô gái thể hiện những kỹ năng mình học được, cũng là cơ hội cho gương mặt nào đó có thể vươn lên trở thành hoa khôi với chút tiếng tăm ở địa phương.

Một trong những “nhà huấn luyện hoa hậu” tiên phong ở Manila là Rodgil Flores, 49 tuổi. Lò đào tạo hoa hậu do ông quản lý đến nay đã có 5 học viên đạt được danh hiệu cao trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế: 2 Hoa hậu Thế giới Lara Quigaman (2005) và Bea Rose Santiago (2013), 3 Hoa hậu Trái Đất Karla Henry (2008), Jamie Herrell (2014) và Angelia Ong (2015).

Flores cho hay ông và ekip của mình làm những việc này không phải vì danh tiếng và lợi ích của bản thân. Họ kiếm sống nhờ nghề chính là tổ chức sự kiện chứ không cắt xén đồng nào từ tiền thưởng, catse tham dự sự kiện, đóng phim… của các học viên đã thành danh. “Chúng tôi đã dồn nhiều tâm huyết để đào tạo các cô gái. Nếu họ giành chiến thắng, đó chính là phần thưởng lớn nhất cho chúng tôi rồi” (Flores).

Khao khát  vinh quang

Mỗi năm có khoảng 100 người được tuyển vào lò đào tạo hoa hậu của Flores nhưng chỉ khoảng 30 người có tiềm năng tham gia các cuộc thi và chỉ duy nhất một người may mắn giành chiến thắng trên đấu trường nhan sắc ở địa phương hay quốc tế.

Nhiều trường hợp bắt đầu khổ luyện khi mới 18 tuổi, sau đó bị loại và tiếp tục kiên trì cho đến năm 26 tuổi. Hầu hết các cô gái này đều xuất thân từ các gia đình nghèo khó hoặc thuộc tầng lớp lao động, và nhan sắc trời cho chính là niềm hy vọng mang lại cơ may đổi đời cho gia đình họ.

Mồ hôi và nước mắt trong lò luyện hoa hậu ở Philippines - 4

Những cô gái cho hay họ đến với lớp học của Flores không phải chỉ vì tiền. Điều các cô khao khát hơn cả là uy tín khi được đội vương miện và họ hiểu không phải ai cũng có được vinh dự đó. 

Janicel Lubina được các nhà tuyển mộ để mắt tới khi chỉ vừa 16 tuổi. Lúc đó cô vẫn còn đang là một cô giúp việc. Cô từng tham dự nhiều cuộc thi sắc đẹp tổ chức tại tỉnh Palawan, cách Manila 750km về phía Nam. Khi lên 18 tuổi, cô gia nhập lò đào tạo của Flores.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, Flores cho biết: “Khi đến với tôi, cô ấy thậm chí chẳng có một chiếc túi xách. Tất cả quần áo của cô chỉ gói gọn trong một bọc nylon.” Nhưng chỉ sau một năm, Lubina giành giải trong cuộc thi Hoa hậu Quốc tế Philippines, trở thành đại diện cho nước nhà trong cuộc thi Hoa hậu Quốc tế và vào đến vòng Chung kết. 

Hiện tại, ở độ tuổi 20, Lubina trở nên đắt sô với hàng loạt hợp đồng làm người mẫu và MC. Tuy nhiên cô vẫn trở lại trường và tiếp tục học hành để đảm bảo một tương lai vững chắc hơn.

Mồ hôi và nước mắt trong lò luyện hoa hậu ở Philippines - 5

Flores không thu phí dịch vụ nhưng các cô gái vẫn phải tự lo liệu chi phí sinh hoạt như ăn ở, đi lại, trang điểm… Ưu đãi lớn nhất là họ được tập luyện miễn phí ở phòng gym.

Một số ít học viên may mắn hơn vì điều kiện khá giả nên nhận được trợ cấp từ gia đình. Kiara Giel Gregorio là một ví dụ. Ở tuổi 19, cô đã bỏ ngang việc học ở trường Luật và bay từ London trở về Manila tập luyện miệt mài trong một lò luyện hoa hậu chỉ vì khát khao đội vương miện. Bố mẹ cô đều là y tá và đã sống tại Anh hơn một thập kỷ. Họ chu cấp cho cô mọi khoản chi phí và người mẹ thậm chí còn xin nghỉ việc tại Anh để trở về chăm sóc con gái.

Tuy nhiên, nhìn chung các cô gái đều phải dựa vào người khác để tồn tại. Họ được đặt rất nhiều kỳ vọng: với gia đình, đó là niềm tự hào; với huấn luyện viên, người quản lý và nhà tài trợ, họ là một sự đầu tư lớn. Họ có thể nhận được rất ít tiền nhưng quan trọng hơn cả với họ là danh tiếng. Bởi nếu thí sinh mà họ mài giũa giành vinh quang, uy tín của họ có thể nhờ đó mà tăng cao, và sau đó họ có thể trở thành người quản lý lâu dài của người đẹp.

Hào quang chiến thắng

Sau khi đăng quang, một số người đẹp rộng đường tiến vào showbiz, số khác lại kết hôn với những người chồng giàu có và sống an nhàn. Gloria Diaz, năm nay 64 tuổi, là Hoa hậu Hoàn vũ đầu tiên của Philppines, đăng quang năm 1969. Kể từ khi đặt chân vào làng giải trí vào năm 1974, bà đã góp mặt trong hơn 40 bộ phim.

Một Hoa hậu Hoàn vũ nổi bật khác là Margie Moran, năm nay 62 tuổi, giành vương miện năm 1973. Bà kết hôn với con cháu một trong những gia tộc giàu có nhất Philippines, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh ở cả hai đại học Boston và London, hiện đang điều hành một khu resort nổi tiếng ở thành phố Davao.

Tuy nhiên, có lẽ hoa hậu nổi tiếng nhất ở Philippines lại là một người chưa bao giờ tham gia các cuộc thi lớn, Imelda Marcos. Bà chỉ giành ngôi Á hậu trong cuộc thi Miss Manila 1953 nhưng lại lọt vào mắt xanh của một chính trị gia nổi tiếng bấy giờ là Ferdinand Marcos. Chỉ sau 11 ngày hẹn hò, họ đã làm đám cưới. Cuộc sống hôn nhân của cặp đôi nổi tiếng đã trở thành đề tài nóng thu hút sự quan tâm của người dân Philippines trong suốt ba thập kỷ.

Marcos trở thành một trong những phụ nữ giàu có nhất đất nước. Sự nổi tiếng của bà thậm chí vươn xa ra quốc tế và che khuất cả hào quang của những hoa hậu khác. Hiện nay, ở tuổi 86, bà vẫn có sức ảnh hưởng nhất định với chính trường Philippines. 

Mồ hôi và nước mắt trong lò luyện hoa hậu ở Philippines - 6

Với những tân hoa hậu, phần thưởng lớn nhất sau khi đăng quang chính là việc họ được lưu danh hậu thế. Một cộng đồng dân cư phía Nam Manila thậm chí còn lấy tên các người đẹp Philippines để đặt tên cho các con phố của họ.

“Một khi trở thành hoa hậu, các cô sẽ luôn được nhớ tới, kể cả khi các cô đã già. Danh tiếng đó sẽ được lưu giữ suốt đời”, Flores nói. “Người Philippines luôn muốn có một ai đó để thần tượng, và các hoa hậu là người truyền lửa cho tất cả mọi người. Bởi lẽ cho dù bạn làm gì, nhất là khi bạn không giàu có và đang gặp khó khăn, thì cuối cùng bạn vẫn luôn có thể trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người”.

Vivian
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam