Thói quen rong trẻ đi chơi khi ăn của các cha mẹ Việt là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.
Trẻ biếng ăn là một trong những vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu nhất. Thực tế, các bé phương Tây biếng ăn thường gặp từ 1 tuổi trở lên (dưới 1 tuổi các bé rất ít hoặc không có hiện tượng biếng ăn). Trong khi đó đa phần các bé Châu Á (gồm cả trẻ Việt Nam) lại thường có biểu hiện biếng ăn ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, thậm chí biếng ăn rất phức tạp từ 8 tháng tuổi, kéo dài đến 4 tuổi.
Trong 1 nghiên cứu về hành vi ăn uống của 404 trẻ em châu Á, GS.BS. Benjasuwantep khoa Nhi đã nhấn mạnh rằng 3 điều mà cha mẹ châu Á thường mắc sai lầm. Những thói quen này đã góp phần tạo nên hành vi biếng ăn của trẻ trước thời điểm bé chán ăn do phát triển não bộ.
Sai lầm số 1 - Cha mẹ thiếu tự tin và hay lo lắng trong cách nuôi dạy bé
Rất nhiều cha mẹ thường bị tác động bởi người khác và tự tạo áp lực bản thân. Khi đó, họ sẽ chuyển áp lực lên trẻ và càng làm bé biếng ăn và bệnh tật.
Hai báo cáo y khoa gần đây rất thú vị trên trẻ em châu Á và trẻ em phương Tây (Anh, Mỹ) cùng có một kết luận: biếng ăn thường gặp ở trẻ đầu lòng do cha mẹ thường có áp lực khi nuôi dạy bé. Tuy nhiên, GS. Benjasuwantep nhấn mạnh cha mẹ Châu Á có nhiều áp lực hơn, áp lực về "so sánh", "văn hóa", "cân nặng",...
Sai lầm số 2. Trẻ không được tập ăn trên ghế ngay từ nhỏ (bắt đầu ăn dặm)
Trẻ Châu Á hay trẻ Việt Nam thường được mẹ bế đi lòng vòng khắp nơi mới chịu ăn. Lớn hơn một chút, khi bé có thể nhận biết xung quanh, trẻ đòi hỏi đi nhiều hơn, Điều này làm cho trẻ từng bước xây dựng hành vi chơi và ăn song song. Mà tính trẻ con vốn ham chơi, nên lâu dần hình thành chơi là chính. Do đó, càng sớm càng tốt (nghiên cứu cho thấy bé sau 1 tuổi là khó tập ngồi yên) tập cho trẻ ăn ngồi trên ghế ăn của bé, và không giới thiệu bất kì đồ chơi, hay cái gì lạ để dụ dỗ. Cho bé ngồi xa tivi, các vật dụng gây hứng thú hơn việc ăn. Thời gian đầu có thể khó khăn, nhưng nếu bé làm quen được cách ăn không đồ chơi thì sẽ chịu ăn ngoan và giảm thời gian ăn.
Sai lầm số 3. Kéo dài thời gian bữa ăn
Do thói quen ăn khi "đi chơi" nên trẻ kéo dài bữa ăn lên (thường nhiều hơn 30 phút). Thời gian bữa ăn càng kéo dài lâu dần sẽ làm cho trẻ biếng ăn hơn. Hành vi cũng sẽ khó thay đổi hơn khi bé lớn hơn. Lúc này bé trở nên ương bướng, thậm chí biểu lộ cảm xúc khó chịu khi ăn.
GS.BS. Benjasuwantep cũng gửi thông điệp đến cha mẹ châu Á nuôi con đầu lòng (và bắt đầu cho con ăn dặm): Cha mẹ nên được tư vấn và giáo dục cách nhận biết về sự phát triển bình thường về thể chất và hành vi ăn uống bình thường của trẻ (học cách nhận biết khi nào trẻ biếng ăn thật sự). Việc thiếu hiểu biết hay nghe từ các thông tin không khoa học tạo tâm lý lo lắng con biếng ăn thái hóa ở cha mẹ (theo giáo sư thì tỉ lệ cha mẹ Châu Á bị tâm lý này là ko hề nhỏ). Tâm lý này có thể dẫn đến sự thúc ép ăn, sử dụng các thuốc giúp "bé ăn ngon" một cách bừa bãi làm trẻ bình thường trở thành biếng ăn bệnh lý.
Anh Nguyễn (28 tuổi) là một bác sĩ, chuyên gia về dinh dưỡng đang làm việc tại Worcester, Anh Quốc. Anh cũng đã nhận được giải thưởng của Worcester từ Thị Trưởng TP.Worcester với những cống hiến của mình cho cộng đồng. Anh đã có nhiều bài nghiên cứu, chia sẻ về trẻ nhỏ được nhiều các bậc cha mẹ quan tâm. |