Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, nghệ sĩ thị giác Diệu Hương và thạc sĩ Thanh Hải cùng chia sẻ về những phương pháp giúp bố mẹ có thể dạy môn văn cho con một cách tốt nhất.
Văn học có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, đặc biệt, trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều người đang có cái nhìn lệch lạc về giá trị của việc học văn. Nhiều học sinh không thích học văn, thậm chí không viết được một một bài văn hoàn thiện.
Trước vấn đề này, 4 chuyên gia giáo dục hàng đầu đã có những trao đổi, chia sẻ về quan điểm cũng như phương pháp giúp bố mẹ dạy trẻ học văn hiện nay trong hội thảo "Văn học thời 4.0".
Văn học đang thiếu sự rung động thời kỳ 4.0 và là một môn bị rẻ rúng
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải - Phụ trách chương trình Văn - Tiếng Việt tại Gateway, Văn học giúp phát triển toàn diện bốn năng lực như khả năng giao tiếp, năng lực sử dụng ngôn ngữ, khả năng biểu đạt và thấu cảm. Đây là bốn năng lực mà ở bất cứ thời đại nào, con người cũng cần sử dụng để thuận lợi cho quá trình giao tiếp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải.
Đồng thời, văn học cũng giúp tăng cường tư duy phản biện và khả năng lập luận thuyết phục - một trong những yếu tố giúp con người thành công ở bất cứ lĩnh vực nào.
Không chỉ vậy, học văn còn giúp con người phát triển năng lực thẩm mỹ, hình thành nên một tâm hồn nhạy cảm nhân văn, đồng thời nuôi dưỡng nhân cách con người đến với các giá trị như: Chân – Thiện – Mỹ.
Tại hội thảo, chia sẻ về quan điểm riêng của mình, thạc sĩ Phạm Diệu Hương – nghệ sĩ thị giác cũng cho biết, tầm quan trọng của văn học là giúp người ta được phản biện, nói ra tiếng nói và tạo ra sự rung động.
Vai trò của văn học là giúp khơi gợi sự rung động bên trong mỗi người để cảm nhận, chiêm nghiệm, suy tư về mọi vấn đề của cuộc sống và tìm được điều sâu thẳm bên trong mình làm chất liệu, cơ sở phản biện.
“Sự rung động hơi phù phiếm nhưng rất cần. Theo cách nào đó, công nghệ chỉ làm mọi người xa nhau ra và làm cho mình rời xa sự rung động, những thứ tĩnh lặng ở bên trong mà không làm mình bớt cô đơn, cảm thấy khỏa lấp niềm vui, thay thế cảm xúc.
Trước giờ tôi thấy văn học là môn bị rẻ rúng nhất trong tất cả các môn. Học giỏi toán, lý hóa, ngoại ngữ sẽ được khen thông minh, có tiềm năng nhưng học văn giỏi lại bị bảo vô tích sự vì không sản sinh ra kinh tế. Văn học bị người ta cầu kỳ hóa, rẻ rúng trong khi cần phải nhìn đơn giản, thuần khiết hơn. Văn ở trong mọi dạng khác nhau không phải ở trong phạm vi của nhà trường, đôi khi nằm ở ngôn ngữ, điều quan trọng là khai thác áp dụng thế nào”, Ths. Diệu Hương chia sẻ.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh - Giảng viên bộ môn Lý luận văn học - Đại học Sư phạm Hà Nội lại cho rằng, văn chương thực ra là câu chuyện con người, con người cá nhân cụ thể trong khoảnh khắc này, thời điểm này với cuộc đời này.
Yếu tố cốt lõi nhất của văn học là cho người ta một câu chuyện về con người nhờ thế cảm nhận con người xung quanh như có sinh mệnh. Đấy là thứ không một môn học nào có thể thay thế được nên văn học mang đến sự rung động, khả năng thấu cảm và biểu đạt ra rung động bằng lời nói, chữ viết.
Tiến sĩ Phạm Xuân Nguyên - Nhà phê bình văn học.
Còn với nhà phê bình văn học nổi tiếng Phạm Xuân Nguyên, văn học là tình cảm, cảm xúc của con người mà không bài toán nào có thể có thể giúp được và đặc biệt thời buổi con người đang bị robot hóa thì văn chương cần nhiều hơn. Nếu như trước đây học văn trong nhà trường, đặc biệt học sinh cấp 1 là tiếp nhận một cách bắt buộc thì bây giờ, thời đại 4.0, học văn phải là tiếp nhận một cách tự sáng tạo, bộc lộ mình.
“Năng lực văn chương là phải diễn tả được và có khả năng sử dụng ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ. Tôi thường nói với học trò rằng “Hãy vứt bỏ tâm lý đi thi vì suốt đời phải đi thi”, NPB Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Không khuyến khích con học văn là cách học tốt nhất
Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy học cho phù hợp. Nếu nhà giáo chỉ cung cấp, truyền dạy thông tin tri thức của các bộ môn khoa học thì ngày nay, người máy và các thiết bị thông minh sẽ làm tốt hơn các nhà giáo.
Vì vậy, theo Ths. Nguyễn Thị Thanh Hải, nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường là phải tạo ra môi trường, cung cấp phương pháp để học sinh tự học, tự khám phá, tự trải nghiệm, tự lĩnh hội kiến thức để từ đó hình thành nên kiến giải của riêng mình
Về phương pháp dạy Văn, hiện nay, chị đang đi theo con đường Giáo dục Hiện đại, tổ chức cho học sinh tự học, tự làm, tự cảm nhận và biểu đạt thay vì nghe giảng và nhại lại cảm thụ của người lớn.
Giáo viên không truyền thụ những cảm xúc, suy nghĩ của mình về tác phẩm cho học sinh chép lại mà tổ chức cho các em “đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi”, làm lại những thao tác chắt lọc mà người nghệ sĩ đã làm để các em có thể sống bằng tâm trạng của người nghệ sĩ, từ đó dạy các em đến được với tâm trạng của chính mình.
Giờ học văn truyền thống đã được làm mới, tổ chức cho các em “đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi”.
Trong đó, học sinh tiểu học sẽ đi từ gốc của Văn là lòng đồng cảm. Lớp Một, các em sẽ học cách tạo lòng đồng cảm qua trò chơi đóng vai.
Ở lớp 2, lớp 3 và lớp 4 các em được làm lại các thao tác nghệ thuật của người nghệ sĩ khi làm ra tác phẩm để tự mình tạo ra được hình tượng nghệ thuật với đầy đủ ý tứ trong một bố cục cụ thể của thể loại.
Lên lớp 5, các em dùng tấm lòng đồng cảm và các thao tác nghệ thuật đó để đến với các loại hình nghệ thuật khác nhau. Điều này giúp các em hoàn toàn được tự mình học, tự mình trải nghiệm, cảm nhận, biểu đạt về nghệ thuật.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh.
Chia sẻ thêm về cách dạy văn cho trẻ ở nhà, thạc sĩ Ngọc Minh cho biết, bố mẹ không nhất thiết dạy kiến thức nhưng phải là môi trường cho con, hãy dành thời gian cho con đọc văn học và trở thành học sinh của con để con học cũng như nhìn thấy sự trưởng thành của con.
“Chỉ có bố mẹ biết khi nào mình là bố mẹ, thầy cô, bạn và học trò. Mọi người nên để con tự do và tự nguyện. Tự do là không tự ràng buộc trong mình và tự nguyện là phải để con tự nguyện làm, áp buộc một cách tự nguyện”, NPB Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh thêm.
Thạc sĩ Diệu Hương cho rằng cách dạy văn tốt nhất cho trẻ là không nên dạy gì.
Thạc sĩ Diệu Hương cũng đưa ra các lời khuyên dành cho bố mẹ rằng, bố mẹ đừng kỳ vọng vào con mà hãy coi con là bạn và động viên đúng. Bố mẹ cũng đừng nên dạy con điều gì vì cách bố mẹ sống là cách dạy hay nhất.
“Trẻ con không bao giờ nên học gì cả vì chúng là người sáng tạo ra thế giới, là một đấng sáng tạo nhỏ và chúng là người dạy người lớn trưởng thành hơn và biết phải như thế nào.
Văn là người, người không phải xây dựng tính cách vì chúng ta sinh ra như nào thì đã là như vậy, chúng ta chỉ khai phá nó thôi. Đó là ứng xử bên ngoài nằm trong khung giáo dục nên phải tôn trọn đứa trẻ”, Ths. Diệu Hương lý giải.
Đồng thời, bố mẹ nên “để yên” cho con làm bài và các cô dạy học. Khi con sai, các cô chỉ cho con điều đó.
Đặc biệt, bố mẹ không cần khuyến khích trẻ đọc văn mà hãy để con tự đọc. Bố mẹ chỉ hỏi con thích đọc gì và tặng trẻ những cuốn sách cùng dòng chữ viết “Mẹ sẽ rất vui khi con đọc” để cho con tự chọn. Việc để cho con tự chọn đọc và để con kể lại câu chuyện và trò chuyện với con sẽ tạo nên ngôn ngữ riêng biệt, khơi nguồn ngôn ngữ bên trong của trẻ.