Trong ngày 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Trần Quốc Anh đã có những chia sẻ chặng đường tay ngang trở thành giáo viên và những kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con của mình.
Video: Thầy giáo Trần Quốc Anh trổ tài đánh đàn và hát
Thầy giáo Trần Quốc Anh (sinh năm 1989, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) còn trẻ và luôn được học trò gọi với những cái tên thân thương, trìu mến: “thầy giáo hotboy”, “thầy giáo soái ca”. Mỗi ngày của vị thầy giáo này bắt đầu từ lúc 4 giờ kém 15 và kết thúc không có điểm dừng.
Tâm sự về điều này, anh Quốc Anh cho biết, hình ảnh thầy giáo chuẩn chỉ của anh bây giờ hoàn toàn khác với hình ảnh thời “nhất quỷ nhì ma” trước đây bởi anh nhận ra sứ mệnh của mình trong giáo dục và hiện đang nỗ lực thực hiện ước mơ, xây dựng một môi trường thật tốt cho con gái bé bỏng của mình.
Từ học sinh cá biệt, đứng cuối lớp thành thầy giáo
- Hồi còn đi học Trần Quốc Anh là một học sinh cá biệt, vậy từ đâu khiến anh thay đổi, có niềm đam mê với toán học và gắn bó với nghề giáo viên?
Ngày xưa mình là học sinh cá biệt thường được phê trong tất cả sổ học bạ là hiếu động, nghịch và rất nghịch, điểm phẩy luôn đứng gần cuối lớp nữa. Tuy nhiên hồi lớp 9, mình gặp cô Hồng trường cấp 2 Marie Curie khen tư duy tốt rồi động viên. Cô hay tổ chức các cuộc thi chấm nhanh, ai xong trước nộp bài. Mình có máu ăn thua nên nỗ lực nhiều hơn và thường xuyên là người nộp bài sớm trong lớp.
Càng học mình càng thích thích sự suy luận logic và thích sự dẫn dắt ý tưởng hay, con đường đi tìm lời giải thực sự rất kỳ diệu, thú vị. Từ đó mình đam mê hơn với môn toán.
Vào lớp 10, mình đỗ vào chuyên tin trường Amsterdam. Lớp 12, mình có buổi chia sẻ về những chủ đề môn toán cho các giáo viên trường Amterdam và trường chuyên khác. Nhiều thầy đến nghe mình nói còn lớp bảo mình bị điên, dở hơi.
Đại học năm nhất, mình xuất bản sách đầu tiên và bản thân mình vẫn nhớ câu nói tuyệt vời “Những cống hiến của bạn trong yên lặng sẽ tạo được ra thành quả trong huy hoàng”.
Đúng là nghề chọn người. Mình học Bách Khoa nhưng thi thoảng có lời mời của cô giáo trường Amsterdam về dạy. Buổi đầu tiên đi hơi bỡ ngỡ nhưng mình thấy hay, có người thích lắng nghe mình, tin tưởng mình và thích sự điên của mình. Mình thấy cuộc đời này tuyệt vời lắm và bén duyên dần với việc đi dạy. Thấy người khác thay đổi thực sự mình cảm thấy rằng sứ mệnh mình tìm ra trong cuộc đời là giáo dục, tạo ra sự thay đổi.
Thầy giáo Trần Quốc Anh.
- Để có được thành công hiện nay, anh trải qua khó khăn thế nào?
Một trong những thử thách lớn nhất chính là bản thân mình, có quá nhiều lần mình muốn bỏ cuộc, người xung quanh đồng đội bảo bỏ cuộc thôi không thể đạt mục tiêu như vậy vì quá trẻ, không có gì. Mình may mắn có bố ủng hộ, dõi theo.
Lớp 11 mình đã ước mơ viết sách, là tác giả nổi tiếng thế giới. Mình cảm thấy may mắn trong thành công, dám tin và dám tưởng tượng.
- Chắc hẳn với tài năng và tên tuổi, anh đã từ chối rất nhiều lời mời cũng như mức lương cao ngất ngưởng để đi theo con đường giáo dục riêng của mình?
Khi ra trường, mình là tác giả sách nổi tiếng, nhiều nơi mời về là giáo viên toán trường chuyên lớp chọn, có nơi mời về làm giám đốc trung tâm, nhiều lắm. Có chỗ trả vài nghìn đô, có nơi 10 nghìn, 20 nghìn, thời đó kiếm tiền dễ vì mọi người biết năng lực của mình. Tuy nhiên, trong cuộc đời này mình có quan điểm riêng về giáo dục nên mình cảm thấy cần có con đường riêng.
Ước mơ của mình là có môi trường cho con học trong hệ thống giáo dục tuyệt vời. Con sinh ra có trường của mình nên mình nung nấu điều đó và mình cần phải cố gắng, làm nhiều việc hơn và thành công hơn nữa.
Thầy Quốc Anh trong một tiết giảng dạy.
Key dạy con tốt nhất là bố mẹ "làm gương"
- Được biết, anh đã có một bé gái 1,5 tuổi, nhiều bố mẹ quan trọng việc dạy con ngay từ khi còn nhỏ, còn anh thì sao?
Quan điểm dạy con từ thuở còn bé quá đúng. Mình chưa đẻ con ra đã dạy rồi. Khi vợ mang bầu, mình chăm sóc vợ chu đáo nên vợ mình rất vui vẻ.
Dinh dưỡng mình nghiên cứu rất sâu và nhờ người bạn làm dinh dưỡng cho cả nhà. Mình là người làm giáo dục nên làm từ lúc chưa xảy ra.
Thời gian mình dành cho con không nhiều nhưng đó là cơ hội con được phát triển thói quen tự lập từ nhỏ. Cai sữa mình đã cho con tự làm. Con mình từ 12 tháng tuổi có thể cầm đùi gà như người lớn, gặm sạch, ăn các món ăn tự bốc hết và bây giờ tự xúc.
Bạn ấy ngã không hề kêu ca hay khóc lóc dù có đập đầu xuống đất cũng không có vấn đề gì bởi mỗi lần con khóc mình đều bảo “Con ơi có vấn đề gì đâu, tuyệt vời mà”. Mình luôn nói những câu như vậy nên con thấy bình thường.
Mình yêu cầu tất cả mọi người dửng dưng như không và lúc nào cũng cười. Con ngã cười thì con thấy đó là chuyện bình thường, ngã lại đứng dậy. Chính vì vậy, con mình lúc nào cũng vui vẻ. Key dạy con tốt nhất là "làm gương", bố mẹ muốn con vui vẻ thì lúc nào cũng vui vẻ, tích cực.
Con gái của thầy giáo Trần Quốc Anh dù nhỏ nhưng khá tự lập.
- Trong tương lai, anh có hướng dạy bé như thế nào?
Việc dạy con dễ lắm, đơn giản nhất là tìm điểm mạnh của con. Mình là người tìm hiểu khá sâu về nhóm tính cách con người. Khi con vừa sinh ra mình biết bạn ý thuộc nhóm tính cách gì, ưu điểm, nhược điểm và cần hoàn thiện điều gì, lộ trình thế nào giống hệt điều mình đã từng làm với hàng nghìn người.
Mình tin tất cả những trải nghiệm như vậy của việc giáo dục con rất dễ. Tuy nhiên, điều chính vẫn theo hướng phát triển, tiềm năng, tố chất của con. Bạn nhà mình rất tỉ mỉ sẽ hướng theo môn học cần sự tỉ mỉ.
- Anh có mong con học giỏi toán giống mình hay để tùy theo sở thích của con?
Môn toán là môn logic. Điều thú vị nhất là tư duy logic, hai là cách mình tìm được còn không quan tâm dễ hay khó bởi nó chỉ là công cụ thôi. Việc dạy con rất dễ, mình không yêu cầu con phải học giỏi toán nhưng vấn đề con phải biết cách suy luận logic và nhiều thứ khác. Mình tin con mình sẽ giống bố thôi không học nhiều kiểu gì cũng giỏi, học ít mà được nhiều. (Cười)
Hiện nay bạn nhỏ nhà mình rất thích khám phá, thích nghe nhạc, thích múa hát làm nhiều thứ, có điều bạn chưa có nhận thức, mình sẽ để bạn va chạm dần rồi từ từ sẽ chạm vào ước mơ của mình, lúc đó bố sẽ ủng hộ con 100%.
- Là một giáo viên, anh có áp lực chuyện “con giáo viên còn không ngoan huống chi đi dạy con người khác” không?
Đó là cơ hội chứ và đó cũng là một trong những key giúp mình lấy được vợ. Ngày xưa mình bảo với vợ rằng, “Em lấy người khác anh không biết thế nào, lấy anh là giáo viên kiểu gì con cũng học giỏi, mẹ anh là bác sĩ nữa, y tế không phải lo. Giáo dục - y tế là 2 mảng thường xuyên gặp mà em giải quyết được 2 việc ấy yên tâm cuộc đời em sau này sướng lắm”. Cô ấy đồng ý luôn. (Cười).
Mình biến áp lực thành cơ hội, điểm mạnh. Thứ 2, chính mình là thầy giáo dạy con nhiều tư tưởng mới, nhiều kiến thức mới chia sẻ với con. Đó là kiến thức rất lớn để dạy con. Có môi trường cho con nữa là tuyệt vời.
Tổ ấm nhỏ của thầy giáo Trần Quốc Anh.
Tôn trọng là chìa khóa dạy toán thành công cho trẻ
- Theo anh, nên đầu tư nhiều nhất cho con vào đâu ?
Đó là vào trí tuệ và giáo dục cũng là một cách để tạo ra trí tuệ vì con người năng lượng cực kỳ lớn là tình yêu thương và lòng biết ơn. Hai điều ấy sẽ chiến thắng tất cả mọi thứ. Năng lượng khác cao hơn là giác ngộ. Mình có những điều ấy trong tư tưởng nên mình cảm thấy rất nhẹ nhàng, đó là điều tuyệt vời khi dạy con.
- Anh có thể chia sẻ những cách đơn giản dạy con môn Toán ở nhà cho các bậc phụ huynh và cách tạo cảm hứng, động lực giúp bé học tốt môn Toán?
Bố mẹ không có thời gian cho con, đơn giản nhất là mọi người nên chọn môi trường tốt cho con phát triển, ở môi trường đó có thầy cô, bạn học, xã hội bao quanh con. Và đơn giản nhất là đưa mình dạy cho. (Cười)
Có nhiều chìa khóa trong dạy toán cho trẻ, trong đó có chìa khóa quan trọng nhất là sự tôn trọng, điều mà nhiều nơi thiếu. Nhiều công cụ thể hiện sự tôn trọng với các con, giả sử trong giờ dạy không bao giờ bảo ai sai và từ điển không có sai mặc dù học sinh trả lời không đúng. Điều đơn giản ấy làm học sinh vui vẻ, không triệt tiêu động lực của trẻ.
Tôn trọng chính là phương châm giúp trẻ học tốt hơn.
- Câu châm ngôn mà anh luôn hướng đến trong quá trình dạy học, đặc biệt là dạy Toán là gì? Hôm nay ngày 20/11, anh có lời chúc nào đến những các thầy cô giáo, đặc biệt những người đã truyền cảm hứng khiến anh thay đổi?
Đó là “Những gì bạn nói người ta có thể quên nhưng những gì bạn để lại trong lòng họ mãi mãi không bao giờ nhạt phai”. Mình có lứa học sinh 9-10 năm ra trường vẫn quay lại nói lời cảm ơn, yêu quý nên mình cảm thấy đó là ý nghĩa lớn nhất trong giáo dục, khiến người ta nhớ đến mình là sự tự hào trong nghề.
Mình cũng mong muốn các thầy cô giáo, đặc biệt người truyền cảm hứng cho mình có ngày 20/11 thực sự ý nghĩa, được rất nhiều thế hệ học trò tìm lại nói lời cảm ơn. Mình tin rằng, họ sẽ tiếp tục cống hiến tận tụy hơn nữa trong nghề cao quý vô cùng này.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Profile Trần Quốc Anh - Là cựu Amser chuyên Tin (04 - 07); tốt nghiệp khoa Toán - Tin, ĐH Bách khoa Hà Nội. - Sở thích: làm toán, viết sách, đọc truyện tranh, thích quan sát, hoài niệm. - Tài lẻ: chơi guitar, sáng tác nhạc, là chủ tịch CLB Guitar4Me. Thành tích - Sở hữu hệ thống giáo dục Toán học riêng của mình - Beta Education. - 19 tuổi xuất bản cuốn sách Tham khảo Toán đầu tiên và “cháy hàng” trên thị trường. - Là một trong những tác giả hiếm hoi của Việt Nam được xuất bản sách tại nước ngoài và phát hành bản “ebook” trên toàn thế giới. - Là tác giả của hơn 10 đầu sách tham khảo nổi tiếng trong nước dành cho học sinh cấp 2, cấp 3. - Là thành viên tích cực của diễn đàn Toán học thế giới Mathlinks.ro, thường xuyên chia sẻ kiến thức và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với các giáo sư, tiến sĩ nước ngoài. - Tham gia giảng dạy đội tuyển Toán cho nhiều trường chuyên tại Hà Nội: Amsterdam, chuyên THPT Khoa học Tự nhiên, Sư phạm. - Tổ chức luyện thi vào lớp 10 và Đại học, tham gia tư vấn hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm ôn thi cho học sinh nhiều tỉnh. |