Có không ít cha mẹ đột ngột đưa con tới lớp (đi trẻ) khi thấy con đã đủ lớn để rồi sau đó lại vật vã vì con ốm, sợ đi lớp. Thực ra, nếu cha mẹ hiểu được nguyên nhân, mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Chị Trịnh Hoài Thương, Cầu Giấy chia sẻ, con chị đi học mẫu giáo được gần hai năm nhưng thường xuyên phải nghỉ học vì bị ốm. Thời kỳ đầu khi con bắt đầu đi học, gia đình chị luôn căng thẳng, lo lắng vì có thời điểm con chị ốm cả tháng. Đến nay tuy bé đã đỡ hơn nhưng hầu như tháng nào cũng bị ho hoặc sổ mũi.
Nguyên nhân con bị ốm
Tùy theo từng điều kiện của mỗi gia đình, trẻ đi lớp trong giai đoạn từ 1 – 3 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ thường xuyên gặp các vấn đề về tiêu hóa và hô hấp. Nguyên nhân là các bé được chăm sóc trong nhà quá kĩ lưỡng từ khi cha mẹ ôm con từ bệnh viện về.
Ngày nay có điều kiện, nhiều cha mẹ còn nhốt con ở trong nhà với điều hòa vì nghĩ ngoài đường có nhiều vi khuẩn. Cha mẹ không biết rằng, trong không gian kín, vi khuẩn do người lớn mang về từ khắp nơi sẽ không thoát ra ngoài được và chỉ còn hướng duy nhất để tấn công là chính những người trong nhà và dễ nhất là các em bé.
Chúng ta nên biết, bầu trời vô cùng rộng lớn và thoáng đãng với tầng khí quyển cao 10.000 km tuy có nhiều bụi bẩn và vi khuẩn nhưng lượng vi khuẩn tích tụ so với không gian kín nhỏ hơn nhiều. Vì thế, cha mẹ nên cho con ra ngoài đường nhiều, được chạy chơi thoải mái con sẽ đỡ ốm hơn. Ở trong nhà, con thường xuyên ốm, với hàng chục viên kháng sinh, khả năng miễn dịch của trẻ giảm xuống lại làm tăng khả năng trẻ bị tái viêm. Cứ như vậy, vòng tuần hoàn sẽ không dừng lại kể cả khi con đã lớn hơn.Khi con đến tuổi đi học, con bị đưa đến một nơi vô cùng xa lạ với hàng chục người lạ mặt. Con khóc vì sợ hãi khi bị mẹ bỏ lại lớp với cô giáo và các bạn, những người xa lạ. Khóc mệt cộng hoảng sợ tột cùng là nguyên nhân trẻ ốm. Tiếp đến là hàng chục viên kháng sinh vào người đủ để giảm đi khả năng miễn dịch của trẻ. Ốm đi ốm lại, trẻ gầy đi, sức đề kháng giảm và chúng ta (cả con trẻ lẫn người lớn) đều vô cùng stress với nhà trẻ.
Cô Nguyễn Thanh Hiền, giáo viên trường mầm non VP, Hà Đông cho biết, cô phụ trách lớp mẫu giáo nhỡ nhưng năm nào cũng có một vài con hay ốm yếu. Những trường hợp như vậy khiến các cô rất vất vả. Không những vậy, nhiều khi các con ốm, phụ huynh lại nghi ngờ thái độ chăm sóc của các cô giáo với con khiến các cô rất căng thẳng.
Bà Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng để con khỏe mạnh và phát triển não tốt, hãy cho con đi chơi thật nhiều. Đặc biệt là các trò chơi với cát, con sẽ học được nhiều điều từ các trò chơi này mang lại.
Ảnh minh họa
Theo bà Hương, để con luôn thích đến trường, khỏe mạnh và ham học, có 6 bước cha mẹ cần thực hiện trước khi cho con đi học thực sự.
6 bước đưa con đến nhà trẻ Bước 1: Dạy kĩ năng sống cho trẻ. Khi con được 6 tháng cha mẹ tập cho con bốc thức ăn. Sau đó là tập tự đi vệ sinh, tự thay quần áo, tự rửa mặt. Con cũng phải được dạy chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi. Cha mẹ làm mẫu cho con bắt chước theo. Bước 2: Cho con làm quen với trường. Cha mẹ nên cho con qua trường con sẽ học để chơi liên tục trong khoảng một tháng trước khi con đi học chính thức. Điều này giúp con quen với khung cảnh trường, quen và thân với cô giáo. Bước 3: Biến trường học của con thành nơi tuyệt vời. Cha mẹ kể cho con về trường lớp, về đồ chơi, về bạn bè. Con sẽ thấy đó là nơi đẹp tuyệt, hấp dẫn và việc đi học không phải là đáng sợ mà là đáng trông đợi. Bước 4: Đưa con đi học nửa ngày. Cha mẹ giao hẹn trước sẽ đón con lúc nào con thấy đói (buổi trưa). Con yên tâm với lời hẹn nên không cảm thấy quá đáng sợ để đến một nơi mới. Con sẽ vui vẻ đi học ngay. Bước 5: Đón con đúng hẹn, đưa con đi về ăn và đi ngủ cùng nhau. Lúc đó ông bà hoặc bố mẹ phải hỏi con: Trường con có đẹp không? Có đồ chơi gì? Cô giáo xinh không? Có bạn nào xinh giống con không? Con sẽ hào hứng cho buổi đi học tiếp theo. Bước 6: Sau khi con đi nửa ngày được độ 1 tuần, con đã thực sự thích đi học. Mẹ kể cho con rằng chiều cô sẽ có thêm trò chơi này, đồ ăn kia. Mẹ hỏi con có thích thì sẽ cho con học tiếp cùng các bạn để được ăn và chơi. Nếu con không đồng ý, cha mẹ nên tiếp tục cho con đi học nửa ngày. |
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương lưu ý thêm rằng: “Trong thời điểm này, khi cha mẹ gặp người khác và nói về chuyện học của con, nên khen ngợi, khích lệ con. Lời khen đúng lúc có tác dụng hơn tất cả quà cáp nên cha mẹ đừng tiếc mà ban tặng cho con”.