Trong lúc giặt đồ, người mẹ phát hiện ra bí mật ở trường của con gái.
Kể từ khi trẻ bắt đầu đi mẫu giáo, nhiều phụ huynh sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong hành vi và thói quen của con mình. Không chỉ khả năng nhận thức và kỹ năng xã hội của trẻ được cải thiện, mà con cũng ngày càng tự giác hơn trong nhiều hoạt động hàng ngày.
Chẳng hạn, những trẻ trước đây rất kén ăn, đặc biệt là khi nhắc đến rau củ, giờ đây đã dần thay đổi thái độ. Nhờ sự khuyến khích và hướng dẫn tận tình từ giáo viên, các bé bắt đầu trải nghiệm những món ăn mà trước đây từng rất ghét. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh cũng nhận thấy rằng thói quen ngủ trưa của con mình tại trường khác hẳn so với khi ở nhà.
Con gái của Tiểu Hoa (Trung Quốc) bình thường không bao giờ ngủ trưa. Không giống như những đứa trẻ khác bắt đầu học mẫu giáo từ năm 3 tuổi, con gái Tiểu Hoa đến khi lên 4 tuổi mới được mẹ gửi đến trường.
Thời gian đầu, bé nhà chị gặp nhiều khó khăn khi tập thích nghi với môi trường học đường, bởi bé đã quen với cuộc sống tự do, thậm chí là được nuông chiều ở nhà thì nay bỗng nhiên phải bước vào cuộc sống mẫu giáo, một tập thể với nhiều phép tắc nhất định.
Theo lời chị Tiểu Hoa, con gái chị vì tuân theo yêu cầu của cô giáo, nên vào mỗi giờ trưa bé cũng sẽ nằm ngủ giống các bạn học của mình. Nhìn thấy bức ảnh con gái đang ngủ trưa do giáo viên gửi, Tiểu Hoa cảm thấy rất yên tâm và hài lòng.
Tuy nhiên, vào cuối tuần rảnh rỗi, trong lúc Tiểu Hoa mang tất cả đồ bẩn của con gái khi đi học ở trường ra để giặt giũ thì bất ngờ trước chi tiết kỳ lạ trên chiếc khăn lau mặt hàng ngày của con, một góc đã bị mất đi rất nhiều lông khiến cho chiếc khăn trông vừa mất thẩm mỹ, lại vừa khá dơ.
Vì cảm thấy khó hiểu, Tiểu Hoa đã không do dự hỏi con gái: “Cái khăn này bị làm sao vậy?” nhìn thấy ánh mắt hoài nghi, lo lắng của mẹ, đứa trẻ cuối cùng cũng không giấu diếm mà thẳng thắn nói cho mẹ biết sự thật.
Hóa ra, con gái Tiểu Hoa mỗi ngày đều ngoan ngoãn nằm xuống giường ngủ trưa theo mệnh lệnh của cô giáo, nhưng không phải lúc nào bé cũng ngủ được một giấc ngon lành. Có những ngày nhóc tỳ không ngủ được, nhưng vì sợ cô mắng phạt vì làm ảnh hưởng đến các bạn khác nên cô bé đành im lặng, nằm chơi một mình rồi buồn chán đến mức nhổ hết phần lông trên chiếc khăn của mình để giết thời gian. Nghe vậy, Tiểu Hoa cảm thấy vừa buồn cười, nhưng cũng vừa có chút xót con.
Ở trường nề nếp, kỷ luật hơn ở nhà nên dù không muốn thì con gái Tiểu Hoa vẫn phải giữ im lặng và tuân thủ các quy định về vấn đề ngủ trưa. Đây hoàn toàn là thói quen có lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ, nên dù thế nào thì Tiểu Hoa cũng muốn con gái làm quen, thích nghi tốt với việc này.
Vậy lợi ích của việc ngủ trưa là gì?
- Thư giãn cơ thể
Một trong những lợi ích lớn nhất của giấc ngủ ngắn (ngủ trưa), là giúp trẻ thư giãn và lấy lại năng lượng sau nửa ngày hoạt động năng xuất. Khi trẻ trải qua một khoảng thời gian hoạt động vào buổi sáng, dù học hay chơi, cơ thể trẻ cũng sẽ tích tụ một lượng mệt mỏi nhất định.
Ngủ trưa có thể làm chậm quá trình trao đổi chất của trẻ, và giúp cơ thể trẻ bước vào trạng thái thư giãn, giúp trẻ phục hồi năng lượng tốt hơn.
- Cải thiện trí nhớ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ trưa có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện trí nhớ. Các nhà khoa học đã phát hiện một giấc ngủ ngắn có thể giúp trẻ củng cố kiến thức đã học vào buổi sáng, và tăng cường sự ổn định của trí nhớ.
Thông thường, thời gian ngủ trưa sẽ rơi vào khoảng 45 phút, có thể đủ để giúp não bộ trẻ tăng tốc độ tiếp thu và lưu trữ thông tin trong thời gian ngắn.
Đặc biệt đối với trẻ đang học kiến thức mới, việc ngủ trưa có thể giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn những gì đã học vào buổi sáng, thoải mái học tập hơn vào ngày hôm sau.
- Giảm bớt căng thẳng
Trẻ em đôi khi phải đối mặt với một số áp lực trong học tập và cuộc sống. Mặc dù những căng thẳng này không nghiêm trọng như ở người lớn, nhưng chúng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Những giấc ngủ ngắn có thể giúp giải tỏa những căng thẳng này một cách hiệu quả, mang đến cho trẻ sự thư giãn và giảm bớt lo âu.
Trong giờ nghỉ trưa, trẻ có cơ hội để tái tạo năng lượng và cân bằng cảm xúc, từ đó giúp trẻ sẵn sàng đối mặt với các hoạt động trong buổi chiều một cách tích cực hơn. Giấc ngủ ngắn không chỉ hỗ trợ sức khỏe thể chất mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tinh thần và cảm xúc của trẻ, giúp các em phát triển toàn diện hơn trong môi trường học tập.
Làm thế nào để trẻ thích ngủ trưa?
- Ngủ trưa cùng con
Khi trẻ còn nhỏ, khả năng bắt chước của trẻ rất mạnh mẽ. Cha mẹ có thể tác động một cách tinh tế đến con cái bằng cách ngủ trưa cùng bé.
Ở nhà, cha mẹ có thể chuẩn bị trước môi trường ngủ trưa thoải mái, cùng trẻ vào phòng ngủ, tắt đèn, mở nhạc nhẹ để tạo không khí thích hợp cho việc nghỉ ngơi.
- Rèn luyện tính tự giác, kỷ luật
Sau khi con vào mẫu giáo, nhiều phụ huynh nhận thấy con đã có tính tự giác cao nên nới lỏng yêu cầu về thói quen ngủ trưa của con.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu cha mẹ nuông chiều con ở nhà mà không quản lý thì trẻ rất có thể sẽ xảy ra mâu thuẫn tâm lý giữa quy định của nhà trường với sự chiều chuộng của gia đình, thậm chí có thể không muốn đi học mẫu giáo.
Để tránh tình trạng này, cha mẹ cần duy trì sự đều đặn và yêu cầu nhất định trong môi trường gia đình. Ví dụ, thông thường thời gian ngủ trưa sẽ bắt đầu vào khoảng 12 giờ hàng ngày, và việc nghỉ ngơi của trẻ lúc này cần được giữ sự yên tĩnh, không ai được phép quấy rầy.
- Tạo môi trường ngủ trưa thoải mái
Việc trẻ thích ngủ trưa có liên quan nhiều đến sự thoải mái của môi trường xung quanh. Nếu môi trường ngủ không thoải mái, trẻ sẽ khó thư giãn và khó đi vào giấc ngủ.
Cha mẹ có thể chuẩn bị cho con một không gian nghỉ ngơi ấm áp và yên tĩnh, đảm bảo giường ngủ thoải mái, nhiệt độ phù hợp, tránh tiếng ồn nhiễu quá mức. Bằng cách này, trẻ có thể chìm vào giấc ngủ dễ dàng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của giấc ngủ ngắn.