Tôi muốn liệt kê những sai lầm phổ biến trong việc hút và bảo quản sữa mẹ mà bản thân mình cũng đã từng mắc.
Là trưởng phòng bộ phận tuyển sinh của một công ty du học Mỹ, tôi thường xuyên phải đi công tác sang các trường đại học đối tác để bàn công việc. Ngay đến khi sinh con tôi cũng chỉ được nghỉ phép có 3 tháng rồi lại phải đi làm vì công việc chỉ 2 phó phòng thì không thể lo xuể. Dù thương con đến thắt lòng nhưng tôi cũng vẫn phải rứt ra mà đi.
Con mới 3 tháng chưa thể cai sữa mà cho ăn dặm toàn bộ được, công việc thì bừa bộn, tôi điên đầu không biết làm thế nào. Cũng may có chị bạn mách cho cách hút sữa ra rồi trữ lại nhờ bà nội cho ăn thay. Một tuần trước khi đi làm hai vợ chồng đã lỉnh kỉnh xách về nào là dụng cụ hút sữa bằng tay, máy hút sữa, túi, lọ trữ sữa, tất cả đã sẵn sàng cho sáng sáng làm “bò sữa” của tôi.
Mấy ngày trước khi đi làm tôi có thực hành các bước lưu trữ sữa, mong sao khi đi làm bà có thể tự ở nhà cho cháu bú ngon lành, tôi cũng dặn dò bà các bước hâm sữa sao cho đúng cách. Vừa trước hôm đi làm 2 ngày thì chị dâu tôi sang chơi, chị vốn là điều dưỡng tại bệnh viện nhi. Như vớ được vàng, tôi đem chuyện hút và trữ sữa cho chị nghe và xin lời khuyên.
Nghe chị nói, tôi ngã ngửa hóa ra mấy ngày nay tôi hút và trữ sữa theo cách sai bét. Chị nói những sai lầm tôi mắc phải cũng rất phổ biến, dù chỉ là những lưu ý nhỏ thôi nhưng lại làm giảm đáng kể dưỡng chất của sữa mẹ. Dưới đây là những lỗi mà tôi đã mắc phải, muốn kể ra đây để các mẹ biết mà tránh.
1. Dùng đồ 'second-hand'
Vì giá thành mua một chiếc máy hút sữa khá đắt đỏ nên nhiều chị em nảy ra ý tưởng mượn máy hút sữa của nhau, thậm chí có nhiều bà mẹ nhanh nhẹn còn này ra ý tưởng thu mua máy hút sữa cũ để kinh doanh thanh lý. Dịch vụ này được khá nhiều chị em ủng hộ, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Kể cả khi chị em đã thay mới các phụ kiện (bình, dây và phễu) thì các phân tử sữa của mẹ dùng trước cũng đã thâm nhập vào màng tạo áp lực. Một khi đã xuất hiện các phân tử sữa mẹ, mà lại để trong thời gian dài như thế, nấm mốc chắc chắn sẽ xuất hiện trong ống hút sữa. Tưởng tiết kiệm được chút tiền thì rất có thể lại thành ra tiền mất tật mang.
Với dụng cụ hút sữa, các mẹ nên mua đồ mới (Ảnh minh họa)
2. Để sữa ở ngay cửa tủ lạnh
Mấy ngày đầu trữ sữa tôi để ngay ở cánh cửa tủ lạnh để lấy ra lấy vào cho tiện và cũng để sữa không bị lộn vào với các đồ khác. Tôi cứ nghĩ cánh cửa tủ đóng kín như thế thì nhiệt độ phía trong hay phía ngoài cũng như nhau. Hóa ra, sữa cần được bảo quản ở phía trong cùng của tủ lạnh và dưới cùng của máy trữ đông. Nếu để ở cửa tủ, chỉ cần một ngày mở ra mở vào vài lần sữa cũng có thể bị hỏng.
3. Trữ sữa quá lâu trong tủ lạnh
Thông thường ở nhiệt độ phòng, sữa mẹ có thể để được trong vòng 6 tiếng, còn trong tủ lạnh thì là 24 tiếng. Thậm chí có thông tin còn nói rằng trong ngăn đá, thời gian lưu trữ sữa có thể lên đến 6 – 12 tháng. Theo lý thuyết thì là thế nhưng các mẹ không nên trữ sữa quá lâu vì như thế vitamin C, các chất kháng khuẩn và chất béo trong sữa có thể bị mất đi hoặc giảm đáng kể. Bao nhiêu dưỡng chất như thế mất đi thì con sao lớn được.
4. Đổ sữa quá đầy
Không phải là tôi nhưng nghe chị kể có mẹ vì muốn tiết kiệm tiền mua túi, dồn sữa đầy ú, như thế hoàn toàn phản khoa học bởi sữa là chất lỏng, khi đông lại sẽ giản nở. Khi mẹ đổ đầy túi, sữa rất dễ bị tràn ra trong quá trình lưu trữ, dẫn đến hỏng sữa. Do đó, khi dồn sữa vào túi hay lọ, các mẹ nên lưu ý chỉ đổ khoảng ¾ là vừa.
Lưu trữ đúng cách thì giúp mẹ bảo toàn được dưỡng chất trong sữa (Ảnh minh họa)
5. Dồn chung sữa vừa hút và sữa đang trữ vào chung 1 lọ
Sữa đã trữ được hơn 1 ngày vốn rất lạnh, sữa vừa hút lại có đặc điểm ấm. Khi dồn chung, sữa đang lạnh có thể bị tan một phần, như thế sẽ không tốt. Nếu muốn dồn chung, các mẹ nên chọn lọ hoặc túi sữa nào hút cùng một ngày và lưu ý làm lạnh sữa mới hút trước khi dồn để chệch lệch nhiệt độ không quá cao.
6. Hâm nóng sữa bằng lò vi sóng
Khi con đang khóc lóc đòi bú, nhiều mẹ có thể cuống lên cho sữa vào lò vi sóng để sữa anh nóng. Tuy nhiên, cách này rất tai hại bởi lò vi sóng không thể làm nóng đồng đều cả bình sữa. Hơn nữa, một số chuyên gia còn cho rằng việc làm nóng quá nhanh có thể khiến một số chất kháng thể trong sữa bị ảnh hưởng.
Không dùng lò vi sóng, một số mẹ chỉ để sữa ra khỏi tủ lạnh và nghĩ nhiệt độ phòng sẽ giúp sữa bớt lạnh. Tuy nhiên, như thế vô tình mẹ đã tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và nảy nở trong sữa của con. Tốt nhất, để hâm nóng, mẹ cho sữa vào một bát nước nóng khoảng 50oC, như thế vừa đảm bảo sữa nóng đều, vừa an toàn cho con.
Sau một hồi nghe chỉ giáo tôi vỡ ra được bao nhiêu điều về phương pháp trữ sữa cho con và những sai lầm dễ mắc phải. Mong rằng đọc bài này các mẹ cũng rút thêm được kinh nghiệm khi trữ sữa cho con. Giờ thì tôi đã có thể yên tâm sáng sáng hút sữa cho con và đi làm.