Cùng kiểm tra xem cách sử dụng bỉm của bạn đã hợp lý chưa nhé!
Trong thời đại ngày nay, với sự giúp sức của công nghệ và các tiện ích, việc nuôi con đã trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng vì thế mà đôi khi các mẹ sinh ra chủ quan, ỉ lại vào các công cụ hỗ trợ quá mức. Một trong những tác hại khôn lường, có thể ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của con chính là việc đóng bỉm cho bé không cẩn thận, thiếu kiến thức.
Dùng bỉm trong thời gian quá lâu
Một trong những sai lầm phổ biến đó là mẹ đóng bỉm cho bé trong thời gian quá lâu. Khi bé đi tiểu tiện, nước tiểu, các chất cặn bã do cơ thể đào thải ra sẽ đọng lại bỉm, tích tụ ở đó khiến vi khuẩn sẽ phát triển. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc bé bị hăm, loét, viêm da gây tổn hại đến sức khỏe và làn da của bé. Đặc biệt, sử dụng bỉm ẩm ướt lâu còn gây viêm kẽ bẹn do nấm candida hoặc nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn tiết niệu, nếu không được chẩn đoán và chữa trị sớm sẽ dẫn tới suy thận.
Mách bạn: Thời gian lý tưởng để thay bỉm cho bé là từ 4 – 6 tiếng tùy lương nước tiểu “sản sinh” ra của con và nếu bé “đi nặng” thì cần phải vệ sinh và thay bỉm ngay lập tức.
Đóng bỉm thường xuyên dù trẻ đã lớn
Việc đóng bỉm thường xuyên ở độ tuổi trẻ lớn cũng làm bé không kiểm soát được việc đi vệ sinh, gây thói quen bài tiết tự động trong bỉm, dần dần trẻ sẽ mất phản xạ gọi, dẫn tới tật tè dầm khi lớn. Đối với bé trai từ 3 tuổi trở lên, việc dùng bỉm thường xuyên kéo dài còn gây hại cho tinh hoàn. Lý do vì đeo bỉm thường bị kín hơi, lại bó sát vào cơ thể trẻ, dễ làm cho nhiệt độ cục bộ tăng lên tới 37 độ C (trong khi đó nhiệt độ thích hợp nhất cho tinh hoàn bé trai là vào khoảng 34 độ C). Vì thế, sử dụng khi dương vật của bé lớn dần sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn, gây hại trong việc sản xuất tinh trùng sau này.
Mách bạn: Trẻ chỉ nên làm bạn với bỉm đến tối đa ba tuổi và cha mẹ cần giúp con tạm biệt “người bạn thân thiết” này khi bé bước sang tuổi lên bốn.
Sử dụng các loại bỉm “vô danh”
Còn một lưu ý nữa là việc dùng bỉm “vô danh” cũng là yếu tố không nhỏ gây nổi mẩn, ngứa ngáy, kích ứng da, viêm loét mãn tính, truyền bệnh ngược từ bên ngoài vào trong cơ thể, gây vô sinh, viêm nhiễm nặng cơ quan sinh dục….
Mách bạn: Khi bé sử dụng bỉm, bạn cần liên tục kiểm tra xem bé có dị ứng, mẩn ngứa hay hăm đỏ trong quá trình sử dụng không. Nếu thấy hiện tượng lạ hoặc bé quấy khóc nhiều thì mẹ cần lập tức thay loại bỉm cho con nhé!
Vệ sinh sai cách khi bé mặc bỉm
Cần chú ý, khi vệ sinh cho bé trước và sau khi mặc bỉm, các bậc phụ huynh chỉ nên dùng nước lã, nước đun sôi để nguội để vệ sinh. Mẹ cũng cần nhớ, chỉ mặc bỉm cho bé khi mông và bẹn khô hoàn toàn. Tuyệt đối nói không với nước muối, nước trà xanh để rửa hay dùng phấn rôm để thoa vào các vùng sâu bên trong. Trong các trường hợp bé bị hăm loét, cần sử dụng các loại thuốc ngoài da chuyên khoa và phải có chỉ định của bác sĩ nhé!