Bí kíp 'huấn luyện' trẻ sớm tự lập

Ngày 03/04/2013 05:00 AM (GMT+7)

Để dạy con tự lập, trước tiên, mẹ phải bỏ được thói quen thích làm việc thay con.

Là nhà báo với 25 năm kinh nghiệm trong nghề, đồng thời là nhà quản lý kinh doanh, giảng viên kỹ năng mềm cho doanh nghiệp… và có 2 con trai (một là bác sĩ đang thi học bổng Tiến sĩ tại Mỹ, một đang chuẩn bị du học tại Mỹ), chị Nguyễn Anh Thi có thể coi là tuýp phụ nữ thành công trong sự nghiệp và gia đình.

Chia sẻ với Eva kinh nghiệm chăm sóc gia đình và nuôi dạy con được tích lũy nhiều năm, chị Thi mong sẽ cùng các bậc cha mẹ thảo luận và chung tay nuôi dạy con thành công.

Khéo dạy con sáng tạo như mẹ Thi

Học mẹ Thi phát triển IQ bé 2-3 tuổi

Tip đơn giản trị trẻ bướng hiệu quả

Bí kíp dạy trẻ tiểu học quản lý tiền

Khi Vịt Lớn học lớp 2, con bắt đầu học bài tự lập làm việc nhà lần đầu tiên bằng việc đi rửa chén bát. Thực ra khi đó tôi không sai con mà vì mẹ ốm, bát ăn xong bỏ chất đống trong chậu rửa, bố thì bận quá, con thì muốn giúp bố nên tự làm.

Khi đó, tay Vịt Lớn còn bé lắm, chưa kể vụng về lóng ngóng. Mẹ nằm bẹp một chỗ, Vịt Lớn lại ngại hỏi, vì vậy cu cậu cứ làm đại. Về sau bố kể lại là mất gần 2 tiếng mới rửa xong mấy cái bát, mà quần áo của con thì ướt đẫm, sàn nhà nước văng tung tóe…

Đến lúc tôi hết ốm, thấy cần phải dạy con học tự lập bằng cách biết làm việc nhà. Bởi nếu không thì sẽ còn nhiều căng thẳng khi ông bà về quê, nhà lại neo người, nhỡ có sự cố đau ốm mà con lại hoàn toàn ỷ vào cha mẹ cũng không ổn. Nhưng tôi cũng rất băn khoăn vì mặc dù Vịt Lớn ngoan ngoãn, dễ nghe lời nhưng lại là một đứa bé chậm chạp. Hàng ngày để cho con ra khỏi nhà đi học, cả hai vợ chồng tôi đã đánh vật với việc gọi con dạy, giúp con làm vệ sinh buổi sáng, cho con ăn,  giục con mặc quần áo, đi giày, đội mũ… Nay muốn nó tự làm tất cả, kể cả việc nhà thì không đơn giản tí nào.

Bí kíp #039;huấn luyện#039; trẻ sớm tự lập - 1
Tôi phục 'lăn' khi nhìn cách em gái tôi huấn luyện con. (Ảnh minh họa).

Bản thân tôi cũng không phải chưa từng cho con làm, nhưng cu cậu làm một lần là tôi thấy ớn vì chẳng đâu vào đâu. Ví dụ như việc quét nhà. Để quét nhà, Vịt Lớn tay ôm chổi rất hăng hái nhưng bắt tay vào làm thì ‘một nhát đến tai, hai nhát đến gáy”. Đó là chưa kể cu cậu quét nửa chừng lại buông chổi ra táy máy đồ chơi. Kế đó, chạy ra quét vài nhát nữa thì nhìn thấy cái gương, cu cậu lại xán lại coi xem hình mình trong gương thế nào… Quét xong cái nhà, có khi mất đến hàng giờ. Vì thấy nó làm tệ quá nên tôi thường cố làm luôn cho xong, mặc dù khi làm thì vừa làm vừa ca cẩm, vừa thấy mệt mỏi vì việc nào cũng dồn vào vai mình mà chẳng có ai giúp được.

Đúng thời điểm đó, cô em gái đã lập gia đình ở nước ngoài của tôi đưa con về nước chơi. Em gái tôi không dạy con theo lối truyền thống mà hoàn toàn theo lối Tây. Chỉ một việc cho con ăn của em tôi là tôi phục lăn. Thay vì xúc cháo, xúc cơm cho trẻ con ăn theo kiểu mẹ chiều con ở Việt Nam, khi con đã ngồi vững và bắt đầu có thể cầm thìa là em tôi cho nó ngồi một cái ghế riêng trong phòng ăn và yêu cầu tự xúc.

Trong cả tháng ròng, cả nhà thấy cảnh cháo và thức ăn rơi vương vãi khắp nơi. Nhìn cháu ăn, cả nhà ai cũng xót ruột đòi xông vào xúc thay nó, nhưng em gái tôi nhất định không cho. Cực kỳ kiên nhẫn dạy con từng bước tự xúc cháo, đồng thời kiên nhẫn lau dọn bàn và phòng ăn sau khi con để lại một bãi “chiến trường”, em tôi để con tự làm cho đến lúc nó hoàn toàn tự  ăn một mình được bằng thìa.

Thằng bé còn khéo đến nỗi biết cầm đũa thì rất sớm và có thể gắp được một hột đậu phụng. Em tôi nói “Chị phải nhẫn nại. Dạy trẻ con mệt nhất là lúc ban đầu nhìn nó làm. Nhưng nếu mình muốn nhanh mà làm thay con thì nó chẳng bao giờ tự lập được. Cứ để nó làm, cho nó sai. Nó làm nhiều, sai nhiều mới biết rút kinh nghiệm làm tốt được. Chị cứ làm thay rồi kêu ca thì làm sao dạy nó biết làm, có khi lại trở thành bà già lẩm cẩm”.

Học theo cách của em gái, tôi phải nén lòng bỏ qua thói quen sốt ruột, thích làm việc thay người khác của mình và tập kiên nhẫn dạy con học tự làm từ việc. Thay vì bảo con tự cầm chổi vào quét, tôi làm mẫu cho con cách quét nhà, hướng dẫn từng chi tiết rồi cho cháu thực hành… Sau khi con làm xong, dù thế nào tôi cũng khen con, rồi sau đó mới nhẹ nhàng chỉ cho Vịt Lớn cách có thể quét nhà sạch hơn. Trong khi Vịt Lớn quét nhà, để tránh việc con mất tập trung, tôi thường ở gần cùng quan sát và nhắc nhở con.

Công cuộc này mất đến cả tháng, cho đến khi Vịt Lớn có thể quét nhà thành thạo, tôi mới bắt đầu chuyển sang việc dạy con rửa chén… Dần dà, mẹ thành “huấn luyện viên” của con. Để dạy con tốt hơn, tôi thường phải nghĩ ra quy trình. Ban đầu bắt tay vào một việc sẽ phải nói với con cái gì, sau đó sẽ phải làm mẫu thế nào, kế đó hướng dẫn từng bước khái quát của công việc, cách đánh giá chất lượng của công việc, rồi theo dõi, điều chỉnh lại cách làm của con cho đến khi nó làm thuần thục một việc. Cuối cùng là liên tục khen ngợi con và hướng nó dần sang các việc khác.

Nhờ cách làm này, Vịt Lớn sớm biết làm mọi việc nhà và sau này còn giúp tôi dạy Vịt Bé. Cả hai con đều là những đứa bé tự lập. Dù cả hai đứa đều là con trai nhưng vẫn biết đi chợ, nấu ăn, tự chăm sóc bản thân và chăm sóc lẫn nhau, trông nom nhà cửa, giặt giũ quần áo… Điều này phát huy tác dụng tốt, nhất là khoảng thời gian nhiều năm liền do công việc vợ chồng tôi thay phiên nhau đi công tác cả trong và ngoài nước nhưng nhà cửa vẫn yên ổn và các con vẫn học hành đâu vào đó.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Dạy con