Sớm giỏi các kỹ năng trẻ sẽ thông minh và có cơ hội thành công nhiều hơn.
Là nhà báo với 25 năm kinh nghiệm trong nghề, đồng thời là nhà quản lý kinh doanh, giảng viên kỹ năng mềm cho doanh nghiệp… và có 2 con trai (một là bác sĩ đang thi học bổng Tiến sĩ tại Mỹ, một đang chuẩn bị du học tại Mỹ), chị Nguyễn Anh Thi có thể coi là tuýp phụ nữ thành công trong sự nghiệp và gia đình. Chia sẻ với Eva kinh nghiệm chăm sóc gia đình và nuôi dạy con được tích lũy nhiều năm, chị Thi mong sẽ cùng các bậc cha mẹ thảo luận và chung tay nuôi dạy con thành công. |
Sau khi Eva đăng tải bài viết: Khéo dạy con sáng tạo như mẹ Thi. Mẹ Cu Beo (email: kitty178vn@...) đã gửi câu hỏi nội dung như sau:
Bé nhà em được 25 tháng rồi. Đồ chơi yêu thích của bé là bảng chữ cái, chữ số và xếp hình. Bé rất thích mỗi lần cùng ba mẹ chơi đố chữ và số. Giờ bé có thể tự ghép đến số 39 và đọc thành thạo chữ cái bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Thấy bé tiếp thu nhanh vợ chồng em rất hạnh phúc.
Tất nhiên là giai đoạn phát triển này chưa nói lên được điều gì cả. Điều em quan tâm là có nên dạy bé học như vậy không? Có người nói rằng cho bé biết sớm quá không tốt cho não bộ của bé, em rất lo. Thực ra là ba mẹ không có bắt bé chơi những trò đó mà là do sở thích của bé. Em thực sự là rất băn khoăn không biết nên thế nào.
Mong chị trả lời gúp em.
Để giải đáp câu hỏi của mẹ Cu Beo và nhiều mẹ khác, mẹ Thi xin chia sẻ câu chuyện và bí kíp dạy con của mình.
Là một người mẹ, khi Vịt Lớn và Vịt Bé độ 2-3 tuổi tôi luôn tự hỏi có nên dạy con học sớm hay không?
Thực ra nếu muốn cho các bé học sớm, bây giờ có khá nhiều công cụ, nào là bảng chữ cái, thẻ chữ, các chữ số và xếp hình... Chịu khó giành thời gian để cùng học với các bé thì có thể giúp con nhanh biết chữ và số. Hai con của tôi cũng là những đứa bé thuộc loại thông minh và nhanh nhẹn, có thể học được.
Nhưng tôi đã quyết định không dạy chữ và số cho các con sớm, bởi vì tôi xem xét lại các chặng phát triển thông thường của trẻ ở tuổi tử 2-3 tuổi thì thấy rằng cách tốt nhất là làm sao cho các cháu có thể thực hiện tốt kỹ năng của một trẻ bình thường.
Theo các nhà khoa học tâm lý thì vào 2 tuổi, những trẻ phát triển tốt cần biết chơi trò chơi tưởng tượng, có thể nói rõ nghĩa của câu, không phát âm các tiếng vô nghĩa. Ở tuổi này, các bé có thể biết tổng quát hóa những điều đơn giản, lật từng trang sách, leo lên leo xuống cầu thang. Trẻ có thể giúp cha mẹ mặc quần áo cho mình.
Bé 3 tuổi biết tự nói mình vui hay buồn... (Ảnh minh họa).
Đến 2,5 tuổi, các bé bình thường có thể nhận ra mình trong gương, biết nói tên và họ của mình, nhận định các hình giống nhau, cầm bút bằng ngón tay và biết tự đi tiêu tiểu.
Đến 3 tuổi, bé cần biết tự nói mình vui hay buồn, biết hát đồng dao, các bài hát trẻ em , vẽ được vòng tròn, đạp xe đạp 3 bánh, giúp dọn dẹp, cất đồ chơi…
Căn cứ vào những gì mà một trẻ bình thường nhất cần có ở tuổi từ 2 đến 3, tôi quyết định dạy cho con những trò chơi giúp chúng có thể làm tốt nhất những kỹ năng cần thiết. Ví dụ như việc nghĩ ra trò kể chuyện cổ tích, đóng kịch với con để phát huy trí tưởng tượng của con càng phong phú, càng sinh động càng tốt. Hay là tôi giúp các con có thể phát âm rõ nghĩa của câu. Đồng thời dặn mọi người trong nhà khi ở gần các con phải sửa cho chúng nếu chúng nói sai.
Tiếp theo, tôi cũng cho các con học vẽ, ban đầu bằng cách cho chúng xem truyện tranh, rồi cho chúng giấy bút để vẽ nguệch ngoạc cho đến khi có thể vẽ được vòng tròn. Những bức tranh đẹp đều được treo trong nhà và khi có ai đến chơi lại cho bé mang ra khoe. Sau đó khi vẽ tranh mới thì lại đem tranh cũ đóng thành cuốn album cẩn thận…Vì được khen ngợi nên Vịt Lớn và Vịt Bé đều ra sức vẽ. Tuy nhiên, Vịt Bé có năng khiếu vẽ vời hơn nên tranh nhiều hơn và thời gian vẽ kéo dài hơn Vịt Lớn.
Về chuyện hát hò, cả hai anh em đều thích ca hát lúc còn bé. Đặc biệt là Vịt Bé có điệu vừa hát vừa dậm chân bình bịch, trông rất ngộ. Và hàng ngày vào thời gian các con từ 2-3 tuổi, nhà tôi thường có chương trình văn nghệ để mẹ cùng hát với con. Tôi cũng chịu khó dạy các cháu những bài đồng dao vừa dễ thuộc, vừa là nhắc nhở các cháu, ví như “Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá mà quàng phải dây/ Thủng thẳng như chúng anh đây/ Đá không vấp phải dây không quàng vào”. Sau này, Vịt Lớn có ban nhạc Rock riêng ở đại học, còn Vịt Bé thì là học sinh khoa Piano của Nhạc viện TPHCM và thi đậu vào Nhạc viện từ năm 9 tuổi….
Tiếp theo là dạy con các kỹ năng hành động, từ việc chơi xong biết tự dọn đồ chơi cho đến leo cầu thang, học đua xe đạp ba bánh với trẻ con trong ngõ làm sao có thể đi nhanh, chắc chắn mà không bị ngã…Vì rèn kỹ nên 2 anh em Vịt Lớn, Vịt Bé đều lớn lên khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tự lập….
Tóm lại, tôi thấy chỉ căn cứ vào những gì mà trẻ 2 - 3 tuổi, phát triển ở mức độ bình thường nhất thì cũng có khối chuyện mà cha mẹ phải dạy và các con phải học để cho hiểu rõ, làm tốt. Còn những việc như học chữ, học số và nhiều kỹ năng nhận thức khác là phần kỹ năng của trẻ 5 - 6 tuổi ở tình trạng phát triển tâm lý bình thường mới cần phải học.
Trên cơ sở những trải nghiệm của riêng tôi, tôi nghĩ rằng việc các bậc cha mẹ dạy con là rất cần thiết. Nhưng việc đầu tiên họ làm là cần cho các con giỏi những gì cần nhất cho lứa tuổi của chúng thay vì “nhảy cóc”. Nếu “nhảy cóc” như vậy có thể dẫn đến việc chuyện nên làm tốt trong tuổi của mình thì các con chưa làm được mà đã làm những việc mà đến vài năm nữa mới cần làm. Việc này có thể dẫn đến sự phát triển lệch lạc của các bé, chắc chắn điều này nằm ngoài sự mong đợi của cha mẹ khi kỳ vọng về một đứa con phát triển hài hòa và khỏe mạnh về tinh thần cũng như thể chất.