Bằng sự kiên nhẫn và 'bí kíp' hay, mẹ sẽ giúp con phát triển tối đa trí thông minh.
Là nhà báo với 25 năm kinh nghiệm trong nghề, đồng thời là nhà quản lý kinh doanh, giảng viên kỹ năng mềm cho doanh nghiệp… và có 2 con trai (một là bác sĩ đang thi học bổng Tiến sĩ tại Mỹ, một đang chuẩn bị du học tại Mỹ), chị Nguyễn Anh Thi có thể coi là tuýp phụ nữ thành công trong sự nghiệp và gia đình. Chia sẻ với Eva kinh nghiệm chăm sóc gia đình và nuôi dạy con được tích lũy nhiều năm, chị Thi mong sẽ cùng các bậc cha mẹ thảo luận và chung tay nuôi dạy con thành công. |
Chuyện của Vịt bé...
Vịt bé 3 tuổi bắt đầu thích kể chuyện. Ngày nào Vịt bé cũng kể một câu chuyện.Tôi nghĩ có thể Vịt bé có ảnh hưởng từ gia đình vốn có vài người làm nghề viết lách. Vì thế nên thay vì bỏ qua các câu chuyện của con, tôi quyết định chép lại vào một cuốn vở .
Câu chuyện đầu tiên mà Vịt bé kể lại cho mẹ nghe như sau:
“Có một cậu bé đi ra đường, cậu đến một ngã tư và gặp một con chó. Con chó nói: Bạn ơi, tôi buồn lắm, hãy kết bạn với tôi
Thế là cậu bé cùng chó dắt tay nhau đến ngã tư thứ hai và gặp một con mèo. Con mèo nói: Bạn ơi, tôi buồn lắm, hãy kết bạn với tôi.
Cậu bé lại cùng mèo và chó dắt tay nhau đi tiếp
Có đông bạn quả là vui. Đến ngã tư nữa, cả bọn gặp một con cá voi. Cá voi nói: Bạn ơi, tôi buồn lắm, hãy kết bạn với tôi.
Chưa bao giờ các bạn chó, mèo, cá voi và cậu bé lại vui như thế”
Sau khi chép xong, tôi đọc nhiều lần cho Vịt bé nghe và bảo đó là chuyện ngắn đầu tiên của con đấy.
Bằng sự kiên nhẫn và 'bí kíp' hay, mẹ sẽ giúp con phát triển tối đa trí thông minh. (Ảnh minh họa).
Từ đó, tôi có ý thức rõ hơn về việc dạy con sáng tạo. Là một nhà sư phạm, tôi hoàn toàn hiểu rằng trẻ em có khả năng sáng tạo rất lớn. Khả năng này đặc biệt phát triển khi các em từ 1 đến 10 tuổi. Bạn có thể thấy rõ điều này ở con bạn vì hầu như đứa trẻ nào trong tuổi này cũng làm cho cha mẹ tràn trề hy vọng vì khả năng vẽ tranh, đánh đàn, ca, múa, học ngoại ngữ, kể chuyện…
Nhưng cũng theo quan sát của riêng tôi, những trẻ nào có khả năng sáng tạo thực sự và có thể đi vào khuynh hướng làm những nghề nghiệp có tính sáng tạo lâu dài như nghệ sĩ, nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà sáng tạo ý tưởng kinh doanh…đều phải vượt qua lứa tuổi này. Có nghĩa là kết thúc tiểu học, sang trung học cơ sở và thậm chí trung học phổ thông mà những em bé đó vẫn còn thích thú với những môn học năng khiếu ưa thích của mình thì mới có thể theo nghiệp sáng tạo lâu dài.
Tôi cũng biết rằng bất cứ năng khiếu nào cũng có thể bị cạn đi theo thời gian. Vì vậy, muốn phát triển khả năng sáng tạo cho con, cần phải có sự chăm sóc. Phần nhiều các bậc cha mẹ cứ tin rằng con mình sẽ duy trì khả năng sáng tạo có tuổi ấu thơ mà bỏ qua việc quan tâm đến con ngay từ tuổi này sẽ thất vọng khi bé lớn lên và trở nên “hết sức bình thường”.
Chính vì vậy, với Vịt bé, khi con thích kể chuyện, tôi không quá hy vọng rằng lớn lên cháu sẽ thành nhà văn. Nhưng tôi tập trung cho việc phát triển trí tưởng tượng của con vì đây là nền tảng cho bất cứ ai muốn trở thành người có ý tưởng sáng tạo. Hàng ngày hai mẹ con cùng nghe các câu chuyện, có khi là không đầu không đuôi của Vịt bé, sau đó cùng sáng tạo chung thành những chuyện mới và chép lại vào vở.
Trong việc sáng tạo chung này, tôi không lấn lướt con mà chỉ gợi ý cho con về những chi tiết có thể phát triển của câu chuyện bằng cách đặt câu hỏi khơi gợi trí tưởng tượng. Sau khi con có những hình ảnh tưởng tượng mới, tôi tiếp tục sử dụng các câu hỏi giúp cháu liên tưởng ra các hình ảnh khác…Và câu chuyện cứ thế sẽ trôi đi một cách dễ dàng cho đến khi nó được hoàn tất.
Cách này giúp cho Vịt bé có thể dễ dàng kể lại những câu chuyện hàng ngày của mình một cách thoải mái và chân thật, không chút e ngại.
Cùng với việc phát triển trí tưởng tượng cho con thông qua các câu chuyện, tôi dạy Vịt Bé cách tìm ra nhiều sự lựa chọn hơn chỉ là một thứ duy nhất.
Bởi vì khi một câu chuyện phát triển, nhân vật trong câu chuyện này luôn phải tìm ra một cách nào đó giữa vài tình huống xảy ra trong tưởng tượng. Ví như cháu đang kể chuyện nếu ra đường và gặp con chó Toro của nhà hàng xóm. Khi gặp Toro, Vịt bé có thể có 3 lựa chọn, một là sợ quá chạy, hai là khóc và đòi mẹ bế và ba là chào Toro và để Toro ngoe nguẩy đuôi đi sau một đoạn. Vịt bé chọn cách chào Toro vì cháu không sợ chó và thích trò chuyện với các con vật quanh mình.
Bằng cách này, Vịt bé cũng dễ dàng tìm ra một vài sự lựa chọn khác nhau khi rơi vào một tình huống có chút khó khăn với một em bé ba tuổi thay vì gặp gì không thích thì khóc lóc và đòi cho bằng được.
Mỗi lần viết xong một câu chuyện ngắn be bé, tôi lại kể lại cho Vịt bé nghe, cháu sẽ nhớ lại nó mỗi khi gặp bạn ở trường mẫu giáo và trò chuyện cùng với nhau…Như vậy, Vịt bé có khả năng phát triển sự giao tiếp dễ dàng hơn cũng như duy trì các mối quan hệ xung quanh khá thân thiện .
Tất nhiên, để làm được việc này, tôi cũng như các bà mẹ khác sẽ phải mất khá nhiều thời gian, đồng thời không chỉ con mà mẹ cũng cần phải thích thú như cùng chơi một trò chơi thú vị. Tôi chọn cách cùng con kể chuyện vì đây là cách phù hợp với tôi, nhưng các bà mẹ khác nếu không mạnh về khoản này có thể chọn nhiều trò chơi khác như vẽ tranh cùng con, sáng tạo ra các điệu múa mới cùng con, hát cùng con, ráp đồ chơi với con…Cách nào cũng được, miễn là cả mẹ và con cùng say sưa thì sẽ thành công.