Mấy ngày tết em được phen bẽ mặt chưa từng thấy với bà cháu nhà Chíp.
Khi đọc bài "Bác mừng tuổi có 20 nghìn bọ", tự dưng em lại liên tưởng đến cậu con trai “quý tử” của mình. Cũng là chuyện xảy ra với những chiếc lì xì, nhưng nếu như ở trường hợp của chị thì chỉ cần hai vợ chồng cùng đồng tâm hợp lực vào vừa dạy vừa dỗ con là xong, còn ở tình thế của em để giải quyết được thì quả thật là cả một vấn đề vô cùng nan giải.
Năm ngoái đã ăn Tết ở quê ngoại rồi nên năm nay vợ chồng em quyết định đưa con về ăn Tết cùng ông bà nội. Bình thường em rất quý và hợp mẹ chồng nên nếu chẳng may có chuyện hai mẹ con bất đồng ý kiến thì em thường tôn trọng mà nghe theo ý kiến bà, nhưng lần này thì em không thể nhịn nổi mẹ chồng nữa. Em thấy rất khó chịu nhưng vì đang là những ngày đầu năm nên em chẳng muốn không khí gia đình căng thẳng, bởi vậy em vẫn chưa dám có ý kiến gì với mẹ chồng.
Ai đời mấy ngày tết, mỗi khi cả nhà chuẩn bị đi chúc Tết ở đâu là bà nội lại dạy cháu cách khoanh tay để xin lì xì. Bà nội thì làm nhiệm vụ “rào trước đón sau”, còn cháu thì cứ đứng khoanh tay một cách vô cùng lễ phép trước mặt chủ nhà. Thấy trẻ con như vậy thì làm gì có chủ nhà nào lại “nỡ lòng” không rút lì xì ra mừng tuổi, bất kể nó có nằm trong danh sách những đứa trẻ được nhận lì xì mà chủ nhà đã dự tính từ trước hay không.
Mình thấy xấu hổ khi con nghe lời bà nội đòi lì xì của khách (Ảnh minh họa)
Không chỉ dừng lại ở việc đi chúc Tết mà thậm chí khi có khách khứa đến nhà bà nội cũng xui cháu làm y hệt. Cứ nghĩ lại sự việc buổi chiều hôm qua mà em vẫn chưa thể hết xấu hổ vì con. Trong lúc hai vợ chồng em đang ngồi tiếp người bạn học cũ thì bất ngờ cậu con quý tử từ buồng trong chạy ra sà vào lòng khách. Cả nhà cùng cười vang, bản thân em cũng rất vui vì cử chỉ thân thiện ấy của con, nhưng liền ngay sau đó thằng bé ngước đôi mắt trong veo lên tỉnh bơ hỏi: “Bác ơi, bác chưa mừng tuổi con ạ?”.
Em cứ thế mà đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, may mà vẫn chưa bị cấm khẩu, còn kịp mở miệng ra đỡ lời: “Con đã mừng tuổi cho bác đâu mà đòi bác mừng tuồi chứ. Bác già hơn, đáng lẽ con phải kính trọng mà mừng tuổi bác mới đúng, ai lại hư thế bao giờ. Thôi, đi vào trong buồng chơi với bà cho bác với bố mẹ nói chuyện nào”. Tuy nhiên, khi “quý tử” định nghe lời mẹ đi vào thì bác khách giữ ở lại, rút ví móc ra tờ năm mươi ngàn mới cứng rồi vừa cười vừa bảo: “Bác có quên đâu, lúc nãy bác định lì xì nhưng con chạy đi mất, bây giờ mới có cơ hội đây. Chúc con năm mới hay ăn chóng lớn, nghe lời bố mẹ nhé!”.
“Quý tử” nghe thấy bác chúc vậy thì cười rất tươi và khoanh tay xin rất chi là lễ phép, còn hai vợ chồng em cứ ngồi ngây ra, chỉ biết giả vờ cười để che đi cái ngượng của mình thôi. Em biết thừa là do mẹ chồng ngồi ở buồng trong xui nên con trai em mới thế, chứ trẻ con còn học mầm non như nó biết gì mà xin với xỏ đâu. Lúc khách khứa về hết em cố tình trách con nhẹ nhàng trước mặt bà nội rằng: “Lần sau con không được thế đâu đấy, trẻ con như thế là hư lắm, con làm như vậy giống hệt như ông ăn xin mà thỉnh thoảng vẫn đi qua cửa nhà mình ấy”. Thấy em nói vậy, mẹ chồng liền bảo: “Có gì to tát đâu, đằng nào Tết này bố mẹ mày cũng mất bao nhiêu tiền mừng tuổi cho con nhà người ta, vậy nên người ta cũng phải mừng tuổi lại để mà gỡ gạc chứ”. Em suýt không kiềm chế được mình mà “bật” lại mẹ chồng, nhưng vì không muốn mới đầu xuân hai mẹ con đã to tiếng, hàng xóm láng giềng người ta cười cho nên em lại lặng im.
Lì xì vốn là một tục lệ văn hóa rất đẹp trong ngày Tết, đáng lẽ ra những người lớn như chúng ta phải giáo dục cho con cháu hiểu ngay từ khi khi chúng còn nhỏ, đằng này mẹ chồng em lại nhồi nhét tư tưởng thực dụng vào đầu cháu trai mình khi nó mới tý tuổi đầu. Em không thích con em có những thói xấu như thế, nhưng cũng chưa biết phải làm sao cho mẹ chồng hiểu để những cái Tết sau không còn “xui” cháu làm như vậy nữa.