Chiều cao, cân nặng ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các mẹ.
Để bé phát triển khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không béo cũng không gầy quá là cả một vấn đề khiến các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, trước 5 tuổi là khoảng thời gian trẻ dần hình thành các kĩ năng, não bộ, và tăng trưởng riêng của bản thân. Do đó, cha mẹ nên để mọi thứ diễn ra tự nhiên, chỉ nên điều chỉnh lượng thức ăn hợp với bé để con phát triển một cách tốt nhất. Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ chia sẻ cách đơn giản để tính chiều cao, cân nặng chuẩn cho trẻ để các mẹ có thể theo dõi hàng tháng.
Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. |
Nhiều cha mẹ đã hiểu sai về tăng trưởng cân nặng và chiều cao bình thường của con
Chị Hoàng Thị Lan (Hà Nội) suốt ngày than thở và lo lắng vì đứa con gái hơn 3 tuổi của chị chỉ được hơn 14kg. Mặc dù chị thường xuyên thay đổi thực đơn, làm thêm các món ăn mới lạ, hấp dẫn để giúp con ăn ngon miệng hơn:
“Cho con ra ngoài mà nhiều lúc mình còn phát ngượng, mẹ thì đâu đến nỗi nào mà con cứ gầy nhom, gặp ai cũng hỏi bé được 2 tuổi chưa chị? Mình cũng hay lên mạng tìm hiểu về các món ăn để làm cho con ăn. Vậy mà ăn bao nhiêu cũng chẳng thấy tăng cân”- Chị Lan chia sẻ.
Cùng tâm trạng như thế, chị Hồng Anh (Hà Nội) lo lắng khi con hơn 11 tháng mà chỉ được hơn 8kg. “Mình cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong những tháng đầu và cho ăn dặm theo kiểu Nhật đọc được trên mạng, thế mà 3 tháng nay con gần như không tăng cân. Nhà chồng mình cứ bảo không biết cách chăm con, mà mình cũng sốt ruột lắm chứ”.
Thực tế, rất nhiều cha mẹ chưa hiểu hoặc hiểu sai về tăng trưởng cân nặng và chiều cao bình thường của con. Vậy làm thế nào để các mẹ có thể đánh giá được cân nặng, chiều cao của trẻ phát triển bình thường hay không?
Nhiều cha mẹ chưa hiểu hoặc hiểu sai về tăng trưởng cân nặng và chiều cao bình thường của con. (Ảnh minh họa)
Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Phụ huynh chỉ cần theo dõi cân nặng, chiều cao của con một cách rất đơn giản với 2 dụng cụ là cân và thước. Hàng tháng, mẹ cân trẻ và đo chiều cao vào một ngày nhất định, cân trước khi ăn hoặc sau ăn để có số liệu chính xác, chú ý chỉ mặc quần áo mỏng hoặc trừ quần áo, với trẻ <24 tháng tuổi đo chiều dài nằm và ≥ 24 tháng tuổi đo chiều cao đứng”.
Bác sĩ cũng cho biết cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khoẻ mạnh, lúc mới sinh trung bình khoảng 3000 gam (3 kg). Nếu cân nặng dưới 2500 gam (2,5 kg) thường là trẻ bị thiếu tháng hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai (đẻ đủ tháng nhưng cân nặng dưới 2500 gam).
Sự phát triển bình thường về cân nặng của trẻ
Một trẻ khoẻ mạnh, phát triển bình thường khi ăn đủ nhu cầu sẽ tăng cân hàng tháng. Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khoẻ mạnh trung bình khoảng 3000 gam (3kg); 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh tăng cân từ 1000 - 1200g/tháng; 3 tháng tiếp theo tăng cân từ 500 - 600g/tháng; 6 tháng tiếp theo chỉ tăng cân từ 300 - 400g/tháng, khi 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9 - 10 kg). Trẻ từ 2-10 tuổi cân nặng tăng trung bình 2,4 kg/năm.
Một trẻ khoẻ mạnh, phát triển bình thường sẽ tăng cân hàng tháng. (Ảnh minh họa)
Có thể tính cân nặng của trẻ theo công thức sau:
Xn = 9,5 kg + 2,4 kg x ( N-1)
Xn là cân nặng hiện tại của trẻ (kg)
9,5 là cân nặng của trẻ lúc 1 tuổi
2,4 là cân nặng tăng trung bình trong 1 năm
N là số tuổi của trẻ (tính theo năm)
Với trẻ 1 tuổi thì cân nặng là:
9,5 kg + 2,4 kg x ( N-1) = 9,5 + 2,4 kg x (1-1) = 9,5 kg
Với trẻ 2 tuổi thì cân nặng là:
9,5 kg + 2,4 kg x (2-1) = 9,5 kg + 2,4 Kg = 11,9 kg
Sự phát triển bình thường về chiều cao của trẻ
Chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh khoảng 50cm, 3 tháng đầu trẻ tăng từ 3 - 4,5cm/tháng, 3 tháng tiếp theo tăng từ 2 - 2,5cm/tháng, 3 tháng tiếp tăng 2cm/tháng, những tháng tiếp theo tăng từ 1-1,5 cm.
Khi trẻ 1 tuổi có chiều dài gấp 1,5 lần lúc mới sinh (75 cm), trẻ 2 tuổi chiều cao là 86 - 87 cm (bằng ½ chiều cao người trưởng thành), trẻ 3 tuổi có chiều cao là 95 - 96 cm, trẻ từ 4 – 10 tuổi chiều cao tăng trung bình 6,2 cm/năm.
Mẹ cần theo dõi chiều cao của trẻ hàng tháng (Ảnh minh họa)
Chiều cao trung bình của trẻ từ 2 tuổi có thể áp dụng công thức sau:
Xc = 95,5 cm + 6,2 cm x (N-3)
Xc là chiều cao nên có của trẻ (cm)
95,5 là chiều cao của trẻ lúc 3 tuổi
6,2 là chiều cao tăng trung bình trong 1 năm
N là số tuổi của trẻ (tính theo năm)
Ví dụ với trẻ 4 tuổi thì chiều cao là:
95,5 cm + 6,2 cm x (4-3) = 95,5 cm + 6,2 cm x 1 = 101,7 cm
Cách phát hiện sớm trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng ở cộng đồng?
Bs Nguyễn Văn Tiến cho biết: Biện pháp đơn giản để nhận biết được trẻ phát triển bình thường hay có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bằng cách theo dõi diễn biến cân nặng và chiều cao bằng biểu đồ phát triển. Sau mỗi lần cân trẻ, số cân nặng của trẻ chấm lên biểu đồ tăng trưởng sẽ có một điểm tương ứng với tháng tuổi của trẻ, nối điểm cân nặng vừa chấm với điểm cân nặng tháng trước, cứ liên tục như vậy sẽ có được “con đường sức khỏe” của trẻ.
“Hàng tháng trẻ tăng cân đều đặn đó là dấu hiệu quan trọng của một đứa trẻ khoẻ mạnh, phát triển bình thường. Không tăng cân là dấu hiệu báo động về sức khoẻ và nuôi dưỡng chưa tốt, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng” - Bác sĩ Tiến nhấn mạnh.