Chị Phan Hồ Điệp đã chia sẻ câu chuyện mang màu sắc hài hước nhưng ẩn chứa những kỹ năng dạy con nhiều bậc phụ huynh cần học hỏi.
Phan Hồ Điệp được nhiều người biết đến khi nuôi dạy Đỗ Nhật Nam trở thành một đứa trẻ “thần đồng”, giỏi giang. Thế nhưng, chị còn được nhiều bậc phụ huynh ngưỡng mộ hơn trong các quan điểm dạy con.
Hồ Điệp thường xuyên chia sẻ trên facebook cá nhân của mình những câu chuyện vô cùng dung dị, đời thường của bản thân và cậu con trai nhưng mang nhiều ý nghĩa.
Cách đây ít giờ, Hồ Điệp tiếp tục chia sẻ câu chuyện mang tiêu đề giật mình “Mẹ Ngố”. Chị tự nhận mình chính là người mẹ trong câu chuyện đó khi kể về việc đã vô tình tạo áp lực cho Nam trước kỳ thi khiến cho em cảm thấy không vui khi không đạt được kết quả như mong đợi.
Hồ Điệp cho rằng, chính những tâm trạng, cảm xúc lo lắng của người mẹ khiến cho con bị ảnh hưởng. Và chỉ những niềm vui, cảm xúc nho nhỏ như việc “Nam thương thầm một bạn nữ” đã khiến cậu bé quyết tâm trong cuộc thi như thế nào. Từ câu chuyện nhỏ nhưng Hồ Điệp đã rút ra được những sai lầm mà bản thân cô nói riêng, nhiều bậc phụ nói chung phạm phải khiến cho con áp lực.
Cụ thể, đoạn chia sẻ của Hồ Điệp như sau:
MẸ NGỐ!
Suốt cả quãng thời gian Nam học ở Việt Nam, cũng nhiều lần Nam được chọn tham gia thi học sinh giỏi nhưng hầu như Nam đều từ chối. Nói “hầu như” vì năm lớp 5, Nam có tham gia một cuộc thi tiếng Anh do thành phố tổ chức.
Vì tham gia thi nên Nam vào học đội tuyển. Ôi đến lúc đó mới thấy “ceng thẻng” đến mức nào và thấy kiến thức khó gì đâu.
Phan Hồ Điệp - mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam thường "gây sốt" với những quan điểm dạy con. Ảnh FBNV
Vì hầu hết tiếng Anh của Nam là tự học nên khi vào một thứ tiếng Anh “quy chuẩn”, Nam lúng túng thực sự. Mình nhớ khi đó có dạng bài tập kiểu cứ nhìn vào một từ sau đó phải phiên âm ra xem cách đọc thế nào, lần nào Nam cũng bị điểm kém ở bài tập này.
Trong khi các bạn trong đội tuyển điểm cao chót vót, Nam vẫn ì ạch ở mức 5,6 thậm chí dưới 5.
Mỗi ngày Nam đi học về, mình cố tránh không hỏi đến việc học đội tuyển nhưng thực ra trong lòng lo lắng lắm. Chả gì lúc đó Nam cũng được nhiều người biết là học giỏi tiếng Anh, giờ thi lại kết quả không ra sao thì ngại lắm. Đôi lần mình dè dặt đề nghị: Hay mình xin cô không thi nữa em nhỉ.
Nam cười trong veo: Thi chứ mẹ. Thi vui mà.
Ôi con nói vui mà lòng mẹ nóng như lửa đốt.
Rồi mình gọi điện cho cô giáo phụ trách tiếng Anh của Nam. Cô là người mà Nam yêu lắm lắm vì buổi trưa nào cô cũng kiên nhẫn nghe Nam nói chuyện về vũ trụ, tên lửa với ước mơ chinh phục bầu trời. Cô bảo với mình: Em ơi, em có xem chương trình Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 không? Người chơi cũng nhiều người giỏi chứ nhưng vẫn thua bạn học sinh lớp 5 vì bạn ấy được thi vào đúng những kiến thức sở trường. Nam đi thi cũng như vậy, cũng như những “người lớn” đi thi. Em cứ để con được vui.
Nghe câu an ủi của cô, mình thấy yên lòng hơn.
Nói vậy mà vẫn phấp phỏng lắm.
Các bà mẹ trong đội tuyển hầu như ai cũng quan tâm đến con, ai cũng biết rõ con mình yếu gì và cần gì. Còn mình thì lơ ngơ một cục. Đâm ra lại càng hoang mang.
Rồi kì thi ấy cũng đến. Lần 1 kết quả của Nam được đánh giá là “trung bình”.
Hôm nhận kết quả, lần đầu tiên, mình thấy Nam buồn. Đi học về không ríu rít như mọi khi. Bỗng nhiên, mình thấy thương Nam quá. Tối đó đi dạo mình nói: Ai ở trên đỉnh núi mãi cũng buồn Nam nhỉ. Mình phải xuống núi, vui chơi, rèn luyện sức khỏe và chờ đợi để chinh phục một ngọn núi khác.
Nam nghe mẹ nói bỗng nhiên níu mẹ xuống, ôm cổ nói: Ôi mẹ nghĩ thế thật á. Em sợ mẹ buồn thôi.
Vòng thi thứ hai, Nam đi thi với tâm trạng vui vẻ hơn hẳn. Trước giờ vào thi, mình thì thầm “xuống núi làm bác tiều phu nhé”. Nam cười hí hí lại còn làm điệu bộ vác rìu trên vai như một bác tiều phu thứ thiệt.
Rồi kì thi ấy cũng qua. Nam vẫn được giải, tuy không phải giải cao nhất. Nhưng thực sự, lúc đó kết quả không còn quan trọng lắm.
Kể chuyện ấy để thấy, nhiều khi con cái căng thẳng ở mỗi kì thi là do sự căng thẳng của bố mẹ truyền sang. Như cái lần đầu, sở dĩ Nam buồn chính vì Nam đã “đọc” được sự lo lắng của mẹ.
Mẹ con Đỗ Nhật Nam được rất nhiều người yêu thích gọi với biệt danh "mẹ con cùng tài giỏi". Ảnh FBNV
Khi ấy, mình cứ tưởng mình không gây áp lực gì cho con nhưng thực ra, mình đang phạm phải những điều khiến con áp lực, đó là:
- Phê bình nhiều hơn khen ngợi: Mỗi lần con đi học về, hễ thấy con điểm chưa cao là mình nói: Ôi lại điểm kém nữa hả Nam. Mẹ tưởng hôm nay em đã rút kinh nghiệm của bài hôm qua rồi chứ. Kiểu thế, mà ít khi khen những điều tích cực con đã làm được.
- Kiểm soát quá nhiều vào hoạt động của con: Mình đã gọi điện hỏi cô giáo về kết quả học về lịch học, về điểm số, hỏi các phụ huynh khác... những điều đó là “biển báo” cho con biết: mẹ đang rất căng thẳng.
- Mất đi sự điềm tĩnh trong chính bản thân: Cái này khó giấu, ví như ánh mắt nhìn mỗi khi con đi học về, cách mẹ hỏi bài con... Mình thực sự làm con bối rối.
Nếu khi ấy mình không sớm nhận ra, có lẽ mình sẽ làm con buồn mãi và có lẽ cũng sẽ không có kết quả tốt hơn ở lần hai. Ai cũng thế, đi thi thoải mái sẽ đem lại kết quả cao hơn.
Rất lâu sau kì thi đó, trong một dịp vui vẻ mình hỏi: Tại sao khi ấy em nhất quyết đi thi mặc dù em có quyền từ chối để khỏi vất vả, áp lực.
Nam thong thả trả lời: Vì khi ấy em thích một bạn nữ trong đội tuyển. Nếu em không học đội tuyển, em không có cơ hội làm quen với bạn.
Ôi có những lúc mẹ ngố thật Nam nhỉ, chẳng nhận ra những điều đáng yêu như thế, là sao.
Chia sẻ của mẹ Nhật Nam nhận được hơn 6 nghìn lượt yêu thích và hàng trăm lượt chia sẻ.
Hầu hết các bậc phụ huynh bình luận trong bài chia sẻ đều thừa nhận rằng mình đã ít nhất một lần làm ảnh hưởng đến con chỉ vì những cảm xúc nhất thời của bản thân. “Em đã cố giấu cảm xúc mỗi khi con bị điểm kém để con không buồn lòng, để động viên con... mà không hiểu sao cảm xúc bản năng cứ "phun" tự phát! Sao khó thế chị ơi??, chị T.T. N chia sẻ câu chuyện của bản thân.
Số khác thì lại quan tâm đến lý do mà bé Nam quyết tâm đi thi và cho rằng, đôi khi người lớn đừng suy nghĩ quá phức tạp mọi thứ, tự tạo hứng khởi cho mình từ những lý do đơn giản như Nam.
Khi nhiều người băn khoăn nên khen con như thế nào khi bé đạt điểm cao để bé biết tiếp tục cố gắng chứ không “ngủ vùi”, Phan Hồ Điệp “bày kế”: “Có một cách đơn giản nhất là đừng khen con giỏi ạ, hãy khen con bằng việc miêu tả cảm xúc của mẹ. Ví như, hôm nay con được điểm tốt, mẹ thấy vui quá. Chắc mẹ phải tự đi mua cái gì để thưởng cho bản thân để đánh dấu niềm vui này".