Mẹ Nhật Nam bày cách dạy con học văn giỏi (P2)

Ngày 09/04/2015 00:06 AM (GMT+7)

Chị Hồ Điệp, với cương vị là một người mẹ bình thường, tiếp tục có những chia sẻ hữu ích khiến bé hứng thú với môn Văn.

Lần trước, chị Hồ Điệp có nói về một số trò chơi giúp con thấy môn Văn và làm văn không phải là một việc “đáng sợ”. Lần này, chị sẽ tiếp tục về những điều chị đã làm giúp Nam có khả năng viết tốt hơn.

Dưới đây là nguyên văn những chia sẻ của chị cho các bậc phụ huynh trên trang cá nhân của mình:

1. Làm cho con thích viết văn.

Câu hỏi này có lẽ là nỗi trăn trở của nhiều các bà mẹ. Bởi ai cũng hiểu một lẽ đơn giản: Con sẽ viết tốt nếu con thích. Vậy làm thế nào để con thích viết? Câu trả lời đơn giản là: Hãy bắt đầu cho con viết… những gì con thích.

Thật mà. Nếu con được viết những gì con thích, con sẽ không ngần ngại đâu. Tạm bỏ qua những đề tập làm văn trong sách giáo khoa, các mẹ có thể hướng dẫn con viết những gì con thích từ khi con còn nhỏ. Theo quan sát của mình, những điều mà trẻ con thường thích viết là:

- Viết thư cho mẹ (bố, anh chị em…):

Gọi là thư nhưng chỉ cần những dòng nho nhỏ, ngăn ngắn để ở một vị trí nào đó gây bất ngờ. Muốn con có thói quen này, mẹ phải là người chủ động. Mẹ nên viết những lời nhắn cho con để lại ở bàn ăn, để trong hộp bút, để dưới gối… Và khuyến khích con cũng làm như thế. Mình nhớ những ngày Nam mới học lớp 1, buổi sáng khi con đi học, mình thường đợi lúc con không để ý, để một mẩu giấy trong hộp bút hoặc kẹp trong cuốn vở. Những điều mình viết thường là: Con đi học vui nhé. Mẹ biết là hôm nay em học sẽ rất ngoan. Hay: Mẹ đợi em về để kể cho mẹ nghe hôm nay em có gì vui. Hoặc là: Mẹ không biết hôm nay em sẽ ăn món gì ở trường, em nhớ về kể cho mẹ nghe nhé. Cũng có khi là: Mẹ và cây hoa hồng ở nhà đợi buổi chiều em về mở tiệc bánh quy… Nam thích những mẩu con con này lắm, Nam bảo có khi ở trên xe trên đường đến trường Nam đã he hé ra xem. Rồi chẳng cần mình hướng dẫn, Nam cũng biết ghi lại những mẩu con con như thế cho mẹ, mỗi lần mẹ đi công tác hay khi mẹ ốm….Nam đều viết.

Việc viết những tin nhắn như thế, ngoài ý nghĩa nâng cao kĩ năng viết nó còn là phương tiện để biểu lộ tình cảm và lâu dần, khi thành thói quen, sẽ giúp con học cách ghi lại cảm xúc của mình như một nhu cầu giải tỏa. Mình nhớ năm Nam học lớp 3, cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho mình hỏi: Chị ơi, bố Nam ốm à? Mình bảo, ôi sao em biết. Cô kể, mấy hôm thấy Nam không được vui lắm, hôm nay trong lúc lấy bút cho Nam, cô nhìn thấy một mẩu giấy nhỏ trong hộp bút, có ghi: Bố ơi, bố đừng ốm nữa. Bố nằm viện con buồn lắm. Bố nhanh về nhà nhé. Cô bảo cô đọc xong rơi nước mắt. Còn mình, mình cũng thế….

- Viết những gì mà con mơ ước:

Trẻ con thì ước mơ nhiều lắm lại thay đổi luôn luôn, nên khuyến khích con ghi lại những ước mơ của mình, theo từng ngày, theo từng giai đoạn cũng làm cho trẻ thích thú lắm í.

- Viết những gì con tưởng tượng:

Ban đầu khi con còn nhỏ, mỗi lần con tưởng tượng gì đó, mẹ nên ghi lại. Ví dụ, nhìn lên bầu trời thấy các đám mây có hình ông Tiên, ông Bụt, hình con hổ, con sóc… có thể ghi lại và đọc lại cho con nghe. Đến khi con lớn, mỗi khi con tưởng tượng gì đó, con có thể tự ghi và hai mẹ con cùng nói chuyện về điều đó. Có một thời gian, Nam tưởng tượng mình thành anh hùng siêu nhiên, luôn có nhiệm vụ giải cứu thế giới. Mình mua mấy cái hình dán siêu nhân, mỗi lần Nam viết được một đoạn lại dán một hình dán vào đó nên Nam thích mê. Cái vụ tưởng tượng này cũng ghi ra dài đến cả nửa quyển vở. Rồi sau đó Nam xem phim về Tiên răng lại tưởng tượng về cuộc chu du của cái răng vừa thay… Nói chung có rất nhiều điều thú vị và khi đã thấy thú vị thì viết ra không ngại chút nào.

- Viết truyện cười:

Trẻ con rất thích những câu chuyện ngộ nghĩnh và rất thích sáng tác truyện cười. Mà sáng tác truyện cười không dễ chút nào. Mình đóng cho Nam một cuốn sổ nhỏ chuyên để ghi những câu chuyện cười do Nam tự nghĩ ra. Có những truyện đọc xong Nam phải giải thích đến cả nửa tiếng mẹ mới à à rồi mới cười. Nhưng mà có hề gì, con thích mà. Và thực ra đó cũng là cách để con yêu việc viết lách hơn. Đây là “truyện cười” của Nam khi con 7 tuổi:Nam xin mẹ ăn bánh.Mẹ: Nam muốn mẹ cho ăn bánh thì phải ngoan nhé.Nam: Vâng tất nhiên rồi mẹ. Mà như thế nào là ngoan hả mẹ?Mẹ: Ngoan là không đòi mẹ cho ăn bánh í.Nam: Ơ… ơHihi, một câu chuyện rất chi là có tính “dìm hàng” mẹ

- Viết những gì quan sát được, viết về những chuyện xảy ra hàng ngày, viết về những điều làm mình vui/ buồn, viết cảm nhận về một câu chuyên, một bức tranh, về buổi đi chơi… Nói tóm lại là tất cả những chuyện cỏn con, tí ti đều có thể được ghi lại. Mẹ luôn là người động viên, khuyến khích con nhé.

Kĩ năng về viết sẽ được tăng lên đáng kể nếu con có thói quen viết từ khi còn rất nhỏ chứ không đợi đến khi làm bài tập làm văn. Mình tin là như vậy.

Mẹ Nhật Nam bày cách dạy con học văn giỏi (P2) - 1

Ảnh chụp lúc Nam đang đi ngắm phố phường và ghi lại xem nếu mình là siêu nhân mình sẽ làm gì để có thể bay qua những dãy phố hẹp, trong khi siêu nhân lại quá.. to béo

2. Tích lũy vốn từ.

Quá trình tích lũy vốn từ của trẻ thường diễn ra một cách tự nhiên. Càng lớn, vốn từ của trẻ càng tăng. Nhưng cũng có thể “thúc đẩy” quá trình tích lũy này. Mình đã thực hành với Nam như sau:

- Nói chuyện với con một cách “bình đẳng”:

Điều này thì mình làm từ khi Nam còn nhỏ xíu ấy. Thông thường khi nói chuyện với trẻ con, người lớn hay nghĩ để nói “theo cách của trẻ con”. Nhưng mình thì không thế. Mình nói chuyện với Nam thoải mái, như cách mà mình vẫn thường trò chuyện với mọi người. Mình ví dụ thế này cho mọi người dễ hiểu nhé: Hôm nay em làm đổ đống đồ chơi mà em không nhặt lên. Em làm mẹ buồn đó. Mẹ phê bình em nhé. Hay khi Nam cầm giúp mẹ một cái áo vào nhà: Em ngoan quá, biết giúp mẹ rồi đó. Em đúng là một người con hiếu thảo.

Những câu này sẽ rất bình thường khi con lớn nhưng đây là mình đang nói khi Nam mới có… 11 tháng thôi. Khi đó, mình biết vốn từ của con còn rất ít ỏi, mới chỉ là một số danh từ nhưng mình không ngại ngần để nói chuyện với con dù con có thể chưa được hiểu lắm. Nhưng không sao, học tiếng mẹ đẻ khác hẳn với học ngoại ngữ vì môi trường con đang sống chính là một lớp học lớn rồi. Tuy nhiên, cần tránh việc trẻ nói “từ rỗng” nghĩa là nói mà không hiểu nghĩa. Mẹ có thể hỏi lại và nếu cần thì giải thích cho con.

- Nói với con theo kiểu văn viết:

Bình thường khi nói chuyện với con thì dùng khẩu ngữ, tất nhiên rồi. Tuy nhiên, có một số lúc, mình cố gắng nói theo kiểu văn viết, có nghĩa là nói có hình ảnh, có dùng so sánh, nhân hóa. Ví dụ, hai mẹ con ngắm mưa, mình có thể nói: Mưa nhảy nhót trông đẹp Nam nhỉ. Và mình khuyến khích Nam tìm những từ khác để miêu tả lại hình ảnh đó. Mình cũng hay dùng các từ láy, các tính từ miêu tả để Nam nghe và có ý thức học tập.

Hai mẹ con cũng hay chơi trò chơi: Tìm từ thay thế. Ví dụ mẹ nói: Con chó sủa to. Nam sẽ sửa là: Con chó sủa ầm ĩ. Mẹ nói: Con mèo nhỏ. Nam nói: Con mèo bé xíu xiu. Mẹ nói: Đôi mắt đen/ Nam nói: Đôi mắt đen lay láy… Khi nào Nam tìm được những từ hay, mình đều ghi lại và đánh một dấu sao vào đó để biểu thị sự khen ngợi.

3. Nào, bắt tay vào viết:

Trên đây là những thứ “phụ kiện” giúp cho việc viết văn được dễ dàng hơn. Bây giờ sẽ là quá trình viết văn.

Hãy bắt đầu bằng văn miêu tả:

Trong những năm học tiểu học, thể loại văn miêu tả chiếm ưu thế, bao gồm: tả đồ vật, loài vật, cây cối, tả người, tả cảnh. Mình ý thức được việc này nên cho Nam làm quen với văn miêu tả từ rất sớm. Mình sẽ lấy ví dụ một bài mình hướng dẫn Nam làm văn miêu tả về đồ vật như sau nhé:

- Bước 1: Cho Nam chọn 1 đồ vật mình thích để tả. ( Nam chọn cái hộp bút).

- Bước 2: Cho Nam quan sát: Hướng dẫn Nam thứ tự quan sát, từ ngoài vào trong. 

- Bước 3: Cho Nam ghi lại những gì quan sát được:

+ Hộp bút màu gì?

+ Làm bằng chất liệu gì?

+Hình vẽ trang trí thế nào?

+ Khóa của hộp bút thế nào?

+ Có mấy ngăn?

+ Các ngăn đựng gì?

- Bước 4: Bây giờ sẽ là phần “thêm da thịt” để chứng tỏ em viết rất hay:

+ Ai mua cho em hộp bút này? Em nghĩ thế nào về việc đó?

+ Em thích bộ phận nào, chi tiết nào của hộp bút nhất? Vì sao? Em có hình dung các bộ phận đó, chi tiết đó giống với đồ gì khác không?

+ Hộp bút theo em khi đến trường nên chắc hẳn rất thân thiết với em, em hãy nói về tình bạn đó đi.

- Bước 5: Trước khi viết bài, em hãy nhớ những nguyên tắc khi viết văn miêu tả:

+ Tả giống với thực tế

+ Tả chi tiết

+ Có thể dùng nhiều giác quan để tả

+ Tả phải có tình. Nghĩa là với mỗi chi tiết tả đều có thể nêu lên cảm xúc của mình về chi tiết đó.

Vậy đó, thế là Nam sẽ viết ro ro ngay, không hề ngại ngần vì nó chính là những gì mà Nam đã quan sát được và thể hiện trên trang giấy thôi mà. Những bài đầu khi con viết có thể rất ngây ngô, vụng dại nhưng không sao nhé. Hãy khen con khi con biết dùng một từ hay chẳng hạn hoặc khi con viết câu đúng.

Có một vấn đề đặt ra là: Làm thế nào với những vật miêu tả mà con chưa quan sát bao giờ?

Hôm trước mình đọc trên mạng thấy có một mẹ nói về việc con tả cây mít mà không biết cây mít thế nào. Mẹ lên mạng, tra Google, mở ra một loạt những hình ảnh về cây mít, thậm chí cả tên sinh học của cây cho con dễ hình dung…Mình thấy cách làm đó cũng hay. Nhưng với mình, trong trường hợp đó, mình làm như sau:

+ Kể cho con nghe về cây mít, tất cả những điều mình biết để con có ấn tượng ban đầu về cây. Ví dụ, mình sẽ nói về quả mít, về múi mít, về lá mít…

+ Cho con tự tìm thông tin trên mạng. Nhưng khi con tìm hiểu xong, con phải có những thông tin: Cây trông như thế nào? Các bộ phận của cây ra sao? Con ấn tượng với bộ phận nào nhất? Con định sẽ tả kĩ bộ phận nào của cây? Con có muốn so sánh cây với loại cây/quả nào mà con biết không? Con nghĩ sao nếu mình được trồng một cây mít? …

+ Hãy vẽ vào giấy hình ảnh của cây hoặc một sơ đồ hình cây. Và thay vì việc dùng các nét vẽ, con hãy dùng các từ để miêu tả những điều con định vẽ. Ví dụ: Chỗ của lá mít, con có thể ghi: lá hình bầu dục, màu xanh đậm, mặt dưới có những đường viền gân lá. Lá mít khi còn non màu xanh nhạt hơn, trông như bàn tay em bé.

Tất nhiên khi con làm “sơ đồ” mẹ hãy cùng làm với con để con thấy hứng thú. Và sau khi đã có “bức vẽ”, coi như bài văn cũng gần hoàn thành rồi phải không nào. Việc viết văn thông qua sơ đồ này cũng giúp cho con thấy hứng thú hơn. Vậy nên bất cứ bài văn nào con ngại làm, mình đều khuyến khích con vẽ thành sơ đồ, càng chi tiết càng tốt.

Và sau khi con đã hoàn thành một bài văn, tiêu chí để khen thưởng đối với mình, đó là:

+ Bài văn có những chi tiết độc đáo, sáng tạo;

+ Cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu và điểm đặc biệt là khi đọc bài văn đó, cả con và mẹ đều thấy vui.

Việc “hưởng thụ” sản phẩm tinh thần của con sẽ khiến con có cảm hứng “sáng tác” trong những lần sau. Vậy nên, Nam làm văn nhẹ nhàng, không bị áp lực phải viết dài, viết như văn mẫu. Vì chỉ cần Nam có đặt tâm tình của mình vào khi tả là quá tuyệt rồi.

Mình cũng không chắc là khi đi thi, nhất là những kì thi học sinh giỏi, các bài văn của Nam sẽ đạt điểm cao. Nhưng mình nghĩ, giúp con yêu việc viết lách, coi đó là một phần của cuộc sống, để từ đó biết nhìn nhận sự vật dưới góc nhìn nhân văn, sống động, thú vị... Điều đó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều để con khỏi loay hoay đau khổ khi đặt bút viết những mở bài kiểu như: Nhà em có nuôi một… ông nội.

Mình chỉ nêu một vài gợi ý, bí quyết nằm trong tay tất cả các bà mẹ. Khóa học "làm mẹ" kéo dài mãi nên các bà mẹ cũng đừng băn khoăn nếu thấy không làm như cách của mình. Vì ai rồi cũng tìm ra con đường của riêng mình.

Mình cũng chỉ là bà mẹ “không hề hoàn hảo” của một cậu bé vụng về và đầy lỗi lầm.

JoeyN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đỗ Nhật Nam