Thấy con có những dấu hiệu chậm chạp, người lờ đờ, mẹ vội vàng đưa con đi khám thì sững sờ khi nghe bác sĩ chỉ nguyên nhân là do thói quen mà hàng ngày mẹ vẫn hay làm.
Đã có rất nhiều tai nạn đau lòng xảy ra với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ vì những quan niệm sai lầm khi nuôi con, sự thiếu hiểu biết của bậc làm cha làm mẹ, của ông bà quá yêu thương chiều chuộng cháu.
Hy vọng những trường hợp dưới đây sẽ là bài học, lời cảnh tỉnh và kinh nghiệm cho người lớn về cách nuôi dạy trẻ.
Con 8 tháng bị thiểu năng vì mẹ rải băng phiến trong nhà
Băng phiến hay còn được gọi với tên là long não. Vật này có tác dụng đuổi côn trùng, mối mọt, rận rệp phá hoại quần áo nên nhiều gia đình sử dụng để trong tủ quần áo. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học đã chỉ ra trong băng phiến có chất độc có thể gây hại cho trẻ dưới 5 tuổi. Và đây không còn là cảnh báo nữa bởi trên thực tế đã có rất nhiều vụ ngộ độc đau lòng xảy ra.
Điển hình là trường hợp của bé tháng 8 tháng tuổi được đề cập đến trong thời gian gần đây. Theo đó, bé gái (giấu tên) người Trung Quốc được xác định mắc hội chứng tan máu (huyết tán) cấp tính do ngộ độc băng phiến.
Ngộ độc băng phiến khiến bé gái có những biểu hiện mắt lờ đờ, cơ thể hoạt động chậm chạp.
Mẹ bé gái cho biết, khi nhận thấy con có những biểu hiện khác thường như mắt lờ đờ, hoạt động chậm chạp, phản ứng với mọi thứ không nhanh nhẹn như hồi mới chào đời. Đặc biệt, bé còn hay bị trúng gió, vàng da mặt nên đã đưa con đi thăm khám.
Tại đó, kết luận của bác sĩ khiến người mẹ này "sững sờ". Ban đầu, vị bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân khiến bé có những biểu hiện như thế nhưng ngửi thấy mùi băng phiến trên người bé, thậm chí nồng nặc khắp cơ thể. Người mẹ giải thích rằng do nhà dạo này ẩm thấp nên đã... rải băng phiến khắp nhà phòng chống gián, muỗi khỏi gây bệnh cho con.
Vị bác sĩ nghe được câu chuyện đã vô cùng tức giận. Sau một vài giờ thăm khám, bác sĩ kết luận bé gái mắc hội chứng tan máu (huyết tán) cấp tính vì ngộ độc băng phiến. Do bị huyết tán kéo dài trong nhiều tháng, hồng cầu trong cơ thể cháu bé bị vỡ quá nhanh, chưa kịp sản sinh ra lượng mới đủ để bù đắp khiến cháu bị vàng da, thiếu máu não, phản ứng chậm chạp.
Nguy hiểm hơn, bé gái 8 tháng này còn bị ảnh hưởng trầm trọng đến não bộ, gây ra tình trạng trì trệ, thiểu năng giống như người bị bệnh down bẩm sinh.
Trường hợp của bé gái 8 tháng tuổi này không phải là đầu tiên bị ngộ độc băng phiến. Trước đó một bé gái khác ở Tiêu Khê Vô Tích cũng trúng độc băng phiến do ông nội tán nhỏ băng phiến rắc lên đầu nhằm... chữa chốc đầu cho cháu.
Bé 6 tuổi bị ung thư dạ dày vì được bà cho ăn đồ ăn vặt nhiều năm
"Thường xuyên ăn vặt không chỉ khiến đứa trẻ tăng cân mất kiểm soát mà còn gây tổn thương dạ dày, gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện giờ xu hướng trẻ nhỏ bị ung thư cũng ngày càng tăng. Hầu hết những em bé này đều có một điểm chung: bỏ bữa ăn tối, thường xuyên ăn vặt thay cơm”, đó là lời cảnh báo của bác sĩ dành cho gia đình bé trai Đồng Đồng (6 tuổi) ở Hợp Phì, Trung Quốc.
Theo Sina, Đồng Đồng là cháu "đích tôn" của gia đình nên rất được bà nội yêu chiều, đáp ứng mọi yêu cầu. Từ khi cậu bé mới nhú được 2 chiếc răng sữa, khả năng nhai còn bập bõm, bà Quách (bà nội Đồng Đồng) đã gửi người nhà ở nước ngoài mua rất nhiều bánh kẹo và đồ ăn vặt cho cháu.
Ban đầu bà nội chỉ cho Đồng Đồng ăn rất ít nhưng thấy cháu có vẻ thích nên cho ăn nhiều hơn chút. Cậu bé liên tục được ăn những món bánh, kẹo, bánh mì, khoai tây chiên và đủ loại ăn vặt mà bà Quách mua cho.
Đồ ăn vặt có chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Ảnh minh họa
Đến khi 6 tuổi, Đồng Đồng gần như bỏ hẳn bữa tối mà chỉ ăn vặt. Mặc dù mẹ Đồng Đồng có ý kiến nhưng bà nội gạt đi vì nghĩ thực phẩm mua từ nước ngoài sẽ rất bổ dưỡng và đảm bảo an toàn cho cháu mình.
Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó cậu bé luôn kêu đau bụng, hay bị nôn trớ, đi ngoài phân đen... nên được gia đình đi khám. Kết quả khám sơ bộ ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ Đồng Đồng bị xuất huyết dạ dày. Tuy nhiên xét nghiệm kỹ càng hơn, các bác sĩ rùng mình khi phát hiện ra những biểu hiện của bệnh... ung thư dạ dày ở cậu bé mới chỉ 6 tuổi.
Đồ ăn vặt như bim bim, khoai tây chiên... rất thu hút trẻ nhỏ nhưng trên thực tế, chúng được chế biến với nhiều chất phụ gia gây hại cho hệ thống tim mạch và dạ dày của trẻ, theo Health/ Weixin. Cha mẹ cần cân nhắc trước khi cho con sử dụng.
Mẹ nêm muối vào cháo, con sơ sinh suýt mất mạng
Xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng nấu cháo mà không nêm thêm muối, bé sẽ thấy nhạt miệng mà không ăn, một bà mẹ ở Trung Quốc đã cho rất nhiều muối vào nồi cháo và cho con 8 tháng tuổi ăn, theo Shanghaiist đưa tin.
Chế độ ăn này kéo dài liên tục nhiều tháng đã tạo gánh nặng cho thận, đe dọa sức khỏe khiến bé phải nhập việc cấp cứu.
Trẻ sơ sinh các cơ quan nội tạng chưa phát triển đủ, việc ăn muối quá mức đã khiến thận của bé bị quá tải, dẫn đến cả rối loạn chức năng tim.
“Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi chỉ nên ăn thức ăn đơn giản, không bổ sung thêm gia vị. Tất cả những thực phẩm chế biến tươi, không cần nêm gia vị đã chứa đủ các chất dinh dưỡng bé cần”, bác sĩ của trang SH chia sẻ.
Món ăn của trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi không nên nêm thêm gia vị. Ảnh minh họa
Các bác sĩ cho biết, trẻ sơ sinh ăn muối khiến bé dễ bị đau bụng và khó chịu ở dạ dày. Tình trạng kéo dài, rất dễ khiến con bị biếng ăn, thậm chí suy dinh dưỡng do bé không hấp thụ được.
Ngoài việc nêm nếm quá nhiều muối và gia vị nói chung vào cháo cho trẻ, cha mẹ cũng nên lưu ý không vo gạo, nấu cháo quá kĩ sẽ làm mất chất dinh dưỡng; không thêm ngũ cốc vào cháo dễ khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu.