Chỉ chờ con đủ một tuổi, chồng và mẹ anh cầm đơn tới đòi ly hôn

Ngày 07/08/2024 08:51 AM (GMT+7)

Mười lăm năm trôi qua, giờ tôi ổn, có nhà cửa, công việc ổn định, con đứa vào cấp ba, đứa lên lớp bảy.

Tôi 43 tuổi, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió Lào cát trắng. Khi yêu chồng cũ, đã có nhiều điểm mà giờ nghĩ lại, đúng là sẽ không hạnh phúc nhưng lúc đó lý trí không có chỗ bởi tình yêu. Qua bao nhiêu trắc trở do sự phản đối của gia đình hai bên, chúng tôi cũng làm đám cưới. Cưới xong, tôi sinh con gái đầu lòng và ở với nhà ngoại. Vì tôi là công chức nhà nước, tại tỉnh lẻ như nơi tôi ở, để chuyển việc không phải điều dễ dàng, còn chồng cũ làm xây dựng, nay đây mai đó, không làm ở quê anh cũng như quê tôi.

Cách đây 13 năm, khi đó, tôi vừa biết có bầu bé thứ hai trong khi bé đầu chưa tới ba tuổi. Tôi nhắn tin thông báo cho chồng, anh bảo tôi nếu không về quê chồng, anh sẽ bỏ tôi. Trước đó, khi chăm con gái đầu, những hôm con khóc, quấy ốm, chỉ mình tôi và bà ngoại chăm. Nếu nói với anh, anh bảo con ốm tự chăm, không theo chồng thì đừng trách, đừng than. Không chỉ thế, anh còn bảo công việc của anh không tiến triển được là do lấy vợ con ở xa, không hỗ trợ gì được, anh còn phải đi lại thăm mẹ con tôi ảnh hưởng đến tiền bạc, công việc. Khỏi phải nói, lúc đó tôi tủi thân tới cỡ nào. Có bầu vài tuần, con gái lớn còn quá bé bỏng, lại bị dội một gáo nước lạnh mà không một lời động viên.

Khóc hết nước mắt những ngày sau đó, tôi quyết gọi nói thẳng với chồng là tôi không ra quê anh khi chưa xin được việc. Vậy là cả mẹ chồng cũ lẫn anh ta nói thiếu gì việc, không làm việc này thì làm việc khác, đi phụ quán xá, rửa bát quán ăn cũng đầy việc. Họ coi công sức mà ba mẹ tôi, những người nông dân chân chất cực khổ từng ngày cho tôi học đại học không là gì cả, còn dùng những lời lẽ khinh miệt gia đình tôi. Thế là tôi nói với anh ta, bỏ thì bỏ.

Chỉ chờ con đủ một tuổi, chồng và mẹ anh cầm đơn tới đòi ly hôn - 1

Vậy đó, từ khi mang thai, không có một cuộc điện thoại nào từ chồng cũ. Đến ngày sinh bé thứ hai, tôi nhắn tin, nếu anh vào thăm con, tôi sẽ bỏ qua tất cả. Đáp lại tôi không một hồi âm. Tôi sinh nhưng gia đình quá neo người, bà ngoại không thể vừa trông bé lớn vừa nấu ăn và đạp xe đưa cơm lên viện cho tôi kịp giờ nên sáng sinh xong, chiều tôi phải xin ra viện. Nhớ cảnh năm giờ chiều, tôi men men vịn cầu thang đi xuống, con bé lớn ba tuổi xách giỏ đồ cho mẹ và em, còn bà ngoại bế em bé với cái nón che bé khỏi gió và nắng hắt, giờ tôi vẫn chảy nước mắt.

Đến ngày con bé tròn một tuổi, không hề báo trước, mẹ chồng và anh ta xuất hiện trước nhà ngoại. Biết con tôi đủ một tuổi, đủ điều kiện ly hôn nên vào nói chuyện đó. Thậm chí anh ta còn viết sẵn đơn, nêu rõ lý do là vợ chồng không hòa hợp, sống ly thân hơn một năm. Lúc ấy tôi cho anh ta toại nguyện, ra tòa án, đồng thuận ly hôn. Từ đó tôi bước vào con đường tự mình gánh vác mọi chuyện. Cũng may có nhà ngoại hỗ trợ, tôi cùng các con vượt qua. Vừa đi làm, tôi vừa chăm con, vừa làm thêm, vừa tiết kiệm. Lương thời đó ba triệu đồng một tháng, nhưng ngoại và tôi đã liều mua một mảnh đất 300 triệu đồng, mỗi tháng để dành ra 2,5 triệu đồng trả lãi ngân hàng bởi những năm 2009 - 2016 lãi rất cao.

Sau bảy năm chỉ đủ tiền trả lãi, tôi xoay xở làm thêm đủ việc, cộng với hỗ trợ của nhà ngoại đã trả hết nợ mua mảnh đất đó. Nhà ngoại tôi thuần nông, chỉ đủ ăn chứ không hề dư dả. Có điều, lúa gạo rau cá nhà đều làm ra được nên chúng tôi chi tiêu những khoản cần thiết chứ không phung phí. Tôi và bà ngoại của con phấn đấu hết sức vì mục tiêu đặt là có mảnh đất của riêng mình. Tôi không than thở chuyện của mình dù đi đâu cũng một mình, kể cả đi mổ, đi khám bệnh. Không thể kể hết biết bao khổ cực đã trải qua, giờ kể lại thấy nhẹ nhàng vậy đó, nên người ta nói buồn khổ nào cũng sẽ qua là quá đúng.

Qua bao nhiêu năm, giờ tôi vẫn tiếp tục công việc nhà nước của mình và bán hải sản online, cũng đủ cho ba mẹ con sinh sống. Tôi làm được nhà, góp tiền cùng em mua xe. Cuộc sống không giàu nhưng khá thoải mái, mẹ con giờ ưng du lịch thì đi, ưng mua sắm những món vừa vừa tầm vài chục triệu đồng đều có thể sắm được.

Trong khi đó, chồng cũ của tôi vẫn lông bông, không có việc làm ổn định, bao nhiêu năm vẫn về nhờ ba mẹ và không hề đưa được đồng nào cho ông bà. Nhiều người cứ hỏi sao không lấy chồng lại, tại họ nghĩ tôi một mình lâu như thế mà không có ai bầu bạn và nhìn tôi khá trẻ trung so với tuổi. Tôi cứ ậm ừ cho qua, chuyện mình mình biết chứ đâu ai giúp được gì ngoài người thân của mình. Tôi không hề cảm thấy cô đơn, chỉ là không có thời gian cho chuyện hẹn hò, dạo phố, uống cà phê như bạn bè. Thi thoảng tôi cũng lo con buồn, may mắn là lúc nhỏ các con có buồn, tự ti nhưng lúc các cháu lớn hơn chút tôi đã nói dần lý do bố mẹ ly hôn để con hiểu. Tôi đã cố gắng để con và bố chúng gặp nhau, nói chuyện bình thường mỗi năm một hai lần để các cháu biết mình vẫn có bố, có nhà nội và không cảm thấy tủi thân quá so với bạn bè.

Hiện giờ, mối quan hệ bố con vẫn rất tốt, các cháu hiểu chuyện, thậm chí còn động viên mẹ đi lấy chồng, còn nói vui là mẹ nên lấy người nào mà mẹ nhờ được. Thế nên, đọc nhiều bài viết tâm sự ở báo, thấy nhiều hoàn cảnh rất éo le, tôi chỉ muốn chia sẻ và mong dù các chị, các em, các anh, vì một hoàn cảnh nào đó mà chúng ta một mình, đừng nản lòng, nghĩ thoáng mọi chuyện ra rồi cuộc đời sẽ tốt lại với chúng ta thôi. Như hoàn cảnh tôi hiện tại, 15 năm trôi qua, giờ tôi ổn, có nhà cửa, công việc ổn định, con đứa vào cấp ba, đứa lên lớp bảy. Gái lớn muốn học đại học tại Sài Gòn, tôi sẽ vì con mà phấn đấu.

Khi viết những dòng chia sẻ này, tôi không hề thấy hối tiếc về quyết định của mình ngày xưa. Mong các bạn cũng như tôi, nếu thấy không thể cố gắng được nữa thì hãy dừng lại, tìm lối đi cho riêng mình, biết đâu được, tương lai sẽ tươi sáng hơn hiện tại. Cảm ơn mọi người đã đọc những dòng chia sẻ của tôi.

Họp gia đình chia tài sản, mẹ chồng để mảnh đất 2 tỷ cho nữ giúp việc, tôi lặng người khi nghe lý do
Tuy có chút hụt hẫng, nhưng khi nghe mẹ chồng nói thì tôi không thể thay đổi được gì nữa.

Tâm sự mẹ bỉm

Hoài An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự mẹ bỉm