Cho con bú bình không đúng cách có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm cho trẻ, thậm chí có thể gây tử vong ở trẻ.
Đặt bé nằm duỗi thẳng
Cho bé nằm duỗi thẳng khi bú dễ dẫn tới tình trạng ọc sữa, vì lực hút từ bình sữa khi trẻ bú nằm sẽ mạnh hơn bình thường. Tốt nhất, mẹ nên giữ cho đầu của bé được nâng lên cao, giữ bé ở tư thế nằm ngửa, đầu hơi cao. Tư thế này giúp bé nuốt sữa và thở dễ dàng hơn.
Sau khi bé bú xong, mẹ cũng không nên cho bé nằm ngay, nên bế trẻ cao đầu trong 15-20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao, không đùa giỡn quá nhiều để hạn chế thức ăn bị trớ ra ngoài.
Cầm ngang bình sữa khi cho trẻ bú
Cầm ngang bình sữa khi cho bé bú có thể khiến không khí không lọt vào núm vú. Việc bé nuốt phải không khí thừa khi đang bú có thể khiến bé bị đầy hơi hoặc trướng bụng, nhất là đối với những bé sơ sinh.
Để lỗ núm bình quá to
Hầu hết núm vú giả được làm từ silicone hoặc cao su latex và có nhiều kiểu dáng khác nhau. Kích thước núm và độ to nhỏ của lỗ núm vú cũng có ảnh hưởng đến lượng sữa chảy nhanh hay chậm khi bé bú. Lỗ núm vú bình quá to có thể khiến sữa chảy quá nhanh, khiến bé không kịp mút sữa và dễ bị sặc.
Ngược lại, lỗ núm vú quá nhỏ khiến bé khó chịu, ‘‘bực bội’’ khi phải chờ lâu vì sữa chảy chậm. Mẹ cũng tránh sử dụng núm vú quá ngắn hay hẹp làm bé khó mút. Do đó, mẹ nên kiểm tra lỗ núm vú và tốc độ chảy sữa phù hợp cho bé.
Kê đỡ bình bằng bất cứ thứ gì khi cho trẻ bú
Kê đỡ bình bằng bất kì vật dụng gì, chẳng hạn gối, để cho trẻ bú rất nguy hiểm có thể gây sặc sữa, nhiễm trùng tai hoặc gây sâu răng. Vì vậy bạn luôn phải đảm bảo bạn hoặc người thân bế bé trong tay khi cho bé bú.
Di chuyển bé quá nhiều trong khi bú
Mẹ nên hạn chế tối đa việc di chuyển bé nhiều trong khi bé đang bú bình. Do nhiều bé không chịu bú mà các mẹ hay ẵm bé qua lại, đổi tư thế liên tục; tuy nhiên điều này sẽ làm bé bị ợ hơi và ăn không ngon miệng.
Mẹ nên tạo thói quen cho bé ngay từ nhỏ là nằm yên hoặc ngồi yên một chỗ để ăn hết bữa.
Ép bé phải bú hết bình
Nhiều mẹ luôn cho rằng, ép con bú hết bình sữa con mới đủ no. Thực tế lúc no, bé sẽ ngưng bú, nhả núm vú và quay mặt đi. Lớn hơn một chút, bé sẽ lấy tay đẩy bình sữa đi chỗ khác. Mẹ có thể để một lúc xem bé có đổi ý và tiếp tục bú không, đừng ép bé phải bú cho hết bình nếu bé đã no. Hãy cho bé bú theo đúng cân nặng và độ tuổi của bé.
Để bé thật đói mới cho bé bú bình
Nhiều bà mẹ lầm tưởng rằng khi để bé thật đói thì việc bé bú bình sẽ đơn giản, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều lúc sẽ có ‘‘tác dụng phụ’’ khi bé có phản ứng quấy khóc vì đói và không chịu ăn. Mẹ nên biết bé sẽ chịu ăn hơn khi cảm thấy thoải mái và không bị cơn đói gây khó chịu.
Mẹ cũng nên để ý những dấu hiệu thể hiện bé đang đói thèm sữa như bé chép miệng, mút môi hay đưa tay lên miệng để có thể cung cấp đủ sữa cho bé.
Cho bé bú bình khi ngủ
Rất nhiều ông bố bà mẹ không biết được tác hại của việc để bé vừa ngủ vừa cầm bình sữa trong tay. Việc này có thể dễ dàng khiến bé bị sặc sữa, sặc sữa rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, thậm chí có thể gây tử vong. Đối với trẻ đã mọc răng, cho bé ngậm bình sữa khi ngủ có thể khiến răng bé bị sâu. Và nhất là, nếu như mẹ không qun sát để ý, khi bé ngủ quên với bình sữa ngậm trong miệng có thể khiến sữa chảy xuống má bé, khiến làn da bé bị ẩm ướt, gây kích ứng và ngứa da.