Cho con học trường Quốc tế chỉ phí tiền

Ngày 25/04/2013 11:05 AM (GMT+7)

Mình thấy có mẹ nhịn ăn nhịn tiêu để cho con theo học trường quốc tế mà buồn cười.

Hôm nay mình không có ý định bàn luận về việc cho con theo học công lập, dân lập hay quốc tế. Nhưng thấy tình trạng có nhiều mẹ nhịn ăn nhịn tiêu để cho con theo học trường quốc tế mà mình thấy nực cười quá.

Bản thân mình thấy cho con học trường quốc tế vừa hão danh vừa phí tiền. Bởi vì cho nó học trường quốc tế, sau này nếu nó thuộc dạng ngoan và tự lập như Tây nhé thì 18 tuổi nó đã xách ba lô lên và 'bye bye' bố mẹ...

Cho con học trường Quốc tế chỉ phí tiền - 1
Có giàu cũng không cho con đi học trường quốc tế (Ảnh minh họa).

Đấy là những đứa con theo chuẩn Tây. Còn nếu nó hư thì đảm bảo với chị em là chẳng biết chuyện gì xảy ra đâu... Lúc đó rồi mới sáng mắt ra...Còn nếu nó bình thường như mọi người nhé...thì học trường quốc tế  càng ngẫm càng phí xiền...

Như nhà chú của mình, sau 5 năm cho con trai học trường quốc tế giờ chuyển hết sang công lập hay dân lập rồi.

Ban đầu chú xác định, cho con học ở môi trường này để con không bị áp lực bệnh thành tích như mấy trường công. Hơn nữa học Quốc tế con được phát triển và học tập ở môi trường tốt, ắt sẽ có những tư tưởng tích cực.

Nhưng lâu dần, chú nhận thấy các trường quốc tế hiện nay ít trường nào tốt. Về cơ sở vật chất, chắc chắn các trường quốc tế hơn đứt trường công lập rồi. Nhưng đương nhiên những thứ này con mình phải được hưởng, vì bố mẹ bỏ ra một số tiền đóng góp gấp nhiều lần con đi học trường công.

Về chất lượng giáo dục, chú bảo rằng giáo viên tiếng Việt, chú không bàn đến. Nhưng giáo viên nước ngoài thì thật đáng để cho chú phải suy nghĩ.

Con trai chú cũng đang học "trường quốc tế" - một trường đang được xây dựng để thành trường lớn nhất miền Bắc. Nhưng sau 5 năm con chú theo học trường quốc tế, chú nhận thấy còn rất nhiều lăn tăn. Đặc biệt, chú thấy giáo viên người nước ngoài của trường con chú thật không ổn. Chẳng hạn như thầy giáo đi đến trường mà đeo khuyên tai, mặc quần bì bó, áo đỏ chót, tóc vuốt keo dựng ngược.

Rồi có thầy giáo thì trông không khác gì bác xe ôm đầu ngõ khi diện quần vải mềm nhăn nheo, áo sơ mi cộc tay không là, chân đi dép tông mòn vẹt. Các cô giáo thì tính khinh khỉnh. Nói chuyện với giáo viên người Việt thì nhát gừng, liếc xéo.

Thậm chí có lần, chú còn gạ chuyện và hỏi một thầy giáo có tuổi và trông đứng đắn nhất ở đấy đại ý rằng: "Sao anh lại chọn trường này để giảng dạy?”. Thầy giáo kia nhún vai: "Ôi, vì trường này gần địa điểm nhà tôi nhất” . Nói chung chú thấy choáng váng.

Chú đã âm thầm theo dõi và tham khảo nhiều "trường quốc tế" khác và thấy tình hình chung về giáo viên nước ngoài ở các trường này cũng bình thường. Chú còn bảo có đến 70% giáo viên nước ngoài không đủ trình độ và tư cách để dạy con chú.

Có lẽ vì thế mà sau 5 năm cho con học trường quốc tế thì chú đã cho con quay về trường công lập một cách không nuối tiếc.
 

Theo Phương Anh (Phunutoday)

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé