Nhiều mẹ bỉm sữa cho rằng rất có thể bé gái bị thừa sắt dẫn đến toàn thân xuất hiện nhiều vết bớt xanh đen lẫn lộn.
Hầu hết trẻ sơ sinh nào sinh ra cũng có một vài vết chàm, bớt trên người. Vết chàm này có thể xuất hiện ở mông, chân, tay, thậm chí là cả trên mặt của bé. Có nhiều lời đồn đoán xung quanh vết bớt này. Nhiều mẹ Việt cho rằng vết bớt là do "bà mụ" dùng để đánh dấu những đứa trẻ nghịch ngợm. Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học thì thật sự vết bớt xanh trên người trẻ sơ sinh có những nguồn gốc vô cùng đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, bài viết này tạm không nói tới vấn đề nguồn gốc các vết bớt trên mông, tay chân của trẻ mà nhắc đến một câu chuyện khá thú vị được nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm trong ít giờ gần đây, đó là hình ảnh một em bé với rất nhiều vết bớt xanh trên khắp cơ thể.
Hình ảnh bé gái mang nhiều vết bớt xanh đen trên người thu hút sự quan tâm của các mẹ bỉm sữa.
Theo đó, trên một nhóm hội có rất nhiều các bà mẹ bỉm sữa tham gia, một người dùng facebook có tài khoản P.V chia sẻ bức ảnh chụp bé gái sơ sinh (con chị P.V) với các vết bớt xanh đen lẫn lộn trên người. Tuy nhiên, các vết bớt này không chỉ dừng lại ở 1-2 phần mà tràn ngập khắp lưng, cổ chân của bé khiến em nhìn rất khác biệt.
Bức hình bé gái mang nhiều vết bớt xanh, đen khác lạ ngay lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn từ các mẹ bỉm sữa khác.
Có người cho rằng "có thể do bé này quậy quá nên bị bà mụ đánh đít, lớn lên sẽ hết" hoặc "bé này chắc sau sẽ có cái tài khác hơn mọi người". Và đa phần đều cho rằng đó là các vết chàm bớt nhưng "công nhận là đen thật".
Tuy nhiên, cũng có một vài bình luận từ các mẹ bỉm sữa cho rằng rất có thể bé gái này bị thừa sắt nên mới quá nhiều vết đen trên người như thế.
Nhiều mẹ bỉm sữa lo ngại bé gái bị thừa sắt.
Liên lạc với chủ tài khoản facebook P.V, chị cho biết chị tên là Nguyễn U.V , bé gái con chị là Nguyễn Gia C.H.T (6 tháng 8 ngày tuổi). Chị U.V cho biết: "Lúc mới sinh con bị chứng vàng da nhưng rồi hết vàng da thì bắt đầu chuyển qua chàm bớt đen khắp người như thế (lúc khoảng 2 tháng tuổi). Mình cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ như bình thường, tầm khoảng 4 tháng thì cho ăn dặm bằng bột, 6 tháng cho bé ăn cháo xay nhuyễn.
Ngoài bị chàm bớt ra thì bé hoàn toàn khỏe mạnh, thể lực tốt như các bé cùng lứa tuổi khác. Vì chỉ nghĩ con bị chàm bớt nhưng có nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa chút xíu nên mình cũng không nghĩ ngợi gì cả. Và ban đầu chỉ chia sẻ bức ảnh cho mọi người ngắm vui vui nhưng nhiều người nói con thừa sắt cũng thấy hơi hoang mang".
Vào tháng thứ 2 sau sinh trẻ thường xuất hiện các vết bớt màu xanh. (Ảnh minh họa)
Về trường hợp của bé H.T, PGS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Qua hình ảnh mà mẹ bé chụp tôi cho rằng đây có thể là các vết chàm bớt thôi. Các vết chàm bớt có thể xuất hiện khi trẻ khoảng 2 tháng tuổi. Nếu bé phát triển khỏe mạnh thì hoàn toàn không có gì phải lo ngại. Còn nếu lo sợ con thừa sắt, chị nên cho bé làm xét nghiệm sắt trong máu để biết rõ hơn".
Theo ước tính, khoảng 80-90% trẻ sơ sinh ở khu vực Đông Á có bớt xanh, đa số xuất hiện ở phần cuối cột sống, ở lưng và mông. Tuy nhiên, những vết bớt cũng có thể xuất hiện ở bất kì nơi nào khác trên cơ thể. Chúng thường có màu xám đậm, màu lục lam, màu xanh làm, hoặc xanh đen với hình dạng là tròn, oval hoặc không xác định. Đường kính của một vết vớt cũng trải dài từ vài milimet đến hàng chục centimet nhưng chủ yếu là nhỏ hơn 10cm. Tỷ lệ có bớt giữa bé trai và bé gái không hề có sự chênh lệch. Loại bớt này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và cũng không đòi hỏi bất cứ liệu pháp điều trị nào. Tuy nhiên, nếu vết bớt của bé tăng diện tích đáng kể trong thời gian ngắn, có hiện tượng loét bề mặt, rỉ dịch nhờn, chảy máu hay màu ngày càng đậm hơn thì bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. |