Sau đúng 4 "chiêu", cô bé nhỏ đã giải quyết được anh bạn "đầu gấu" và đi học vui vẻ trở lại.
Cho con đi học mẫu giáo thì có lẽ điều mà các ông bố bà mẹ lo lắng nhất không phải là con ăn không no, ngủ không ngon mà là “liệu con có bị bạn bắt nạt hay không?”. Một số phụ huynh sẽ dặn dò con rằng nếu con bị ai bắt nạt thì hãy méc cô giáo và về nói ngay cho bố mẹ biết. Cũng có một bộ phận cha mẹ khác lại dạy con đánh lại. Vậy làm cách nào là đúng nhất?
Khi con gái được 3 tuổi, chị Từ (sống ở Trung Quốc) đã cho con đi học mẫu giáo. Hai tuần đầu tiên, Từ Mẫn – con gái chị rất háo hức với việc đi học. Nhưng một sáng thứ hai đầu tuần, cô bé khóc lóc nhất quyết không chịu đi học: “Mẹ ơi, con không muốn đi học”. Thấy vậy, chị Từ mới hỏi lý do thì hoảng hồn nghe con kể: “Ở lớp có một bạn luôn đánh con, giành đồ chơi của con nữa”. Lúc trước khi con đi học, bà mẹ này đã cẩn thận dặn dò Từ Mẫn là nếu có bạn nào đánh con thì hãy nói nghe với cô giáo. Bây giờ nghe con nói vậy, chị liền hỏi: “Con đã nói với cô chưa?” – “Con nói rồi. Cô đã bảo bạn không được đánh con nữa, nhưng mà bạn vẫn đánh con và còn cướp đồ ăn của con”, Từ Mẫn nức nở trả lời.
Từ Mẫn nhất định không chịu đi học nữa sau khi bị một bạn đánh và giành đồ chơi (Ảnh minh họa)
Nghe con nói, chị Từ đau lòng và lo lắng không thôi. Chị liền dẫn con đi học và nói với cô giáo rằng đừng xếp bạn trai ấy ngồi gần con gái của mình. Hai ngày kế tiếp, Từ Mẫn về vui vẻ nói là cô bé không bị bạn bắt nạt nữa. Hai vợ chồng chị cũng thở phào nhẹ nhõm.
Không ngờ đến ngày thứ năm cùng tuần, khi đang tắm cho con, chị Từ phát hiện trên lưng và cánh tay của bé gái có hai vết đỏ như bị người khác nhéo. Chồng chị tức giận bừng bừng đòi gọi điện thoại cho phụ huynh của bé trai kia nói chuyện. May mắn là chị Từ ngăn cản được. Bà mẹ này khuyên chồng bình tĩnh chờ mình gọi điện thoại cho cô bạn thân – chuyên gia tâm lý để hỏi cách xử lý vấn đề. Và đây là cách giải quyết của cô bạn chị Từ.
Thứ nhất, chúng ta cần có sự nhìn nhận khách quan về việc trẻ em ở độ tuổi từ 2-6 tuổi xô xát lẫn nhau như cắn, cào, cấu, đánh,… là điều hết sức bình thường. Bởi lúc này khả năng tương tác xã hội của các bé vẫn còn kém, các bé chưa biết cách nói lên nhu cầu của mình cũng như thuyết phục bạn cho mình mượn hoặc chơi cùng. Do đó, khi con mình bị bắt nạt thì việc đầu tiên cha mẹ cần làm là hãy bình tĩnh.
Thứ hai, là người bị bắt nạt nên lúc đó trẻ sẽ cảm thấy ấm ức, tủi thân nên khóc lóc cũng là chuyện bình thường. Thay vì cảm thấy con mình vô dụng, thay vì mắng con “sao không đánh lại”, “sao con không nói với cô giáo”,… thì cha mẹ nên ôm lấy con để an ủi.
Khi con bị bắt nạt sẽ cảm thấy rất tủi thân nên cần một chiếc ôm ấm áp từ cha mẹ (Ảnh minh họa)
Thứ ba, sau khi trẻ đã bình tĩnh trở lại, cha mẹ hãy hỏi con rằng: “Nếu lần sau bạn lại đánh con/giật đồ của con thì con sẽ làm gì?”. Bước này rất quan trọng vì bằng cách gợi mở như thế này, trẻ sẽ suy nghĩ tìm cách để xử lý, từ đó trau dồi khả năng tự giải quyết vấn đề. Nói cách khác, thay vì chúng ta đứng ra dẹp mọi chướng ngại vật cho con thì cha mẹ nên để con có cơ hội giải quyết những khó khăn của bản thân.
Thứ tư, hãy thật sự lắng nghe những gì con nói. Tất nhiên, một đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thì làm sao có thể giải quyết vấn đề một cách hoàn hảo, nhưng việc cha mẹ lắng nghe sẽ kích thích sự tự tin, từ đó trẻ sẽ đưa ra những giải pháp mà mình nghĩ ra. Đồng thời, bạn cũng có thể kể cho con nghe những kỷ niệm tương tự như vậy khi bạn còn nhỏ. Bằng cách này, con sẽ học hỏi được kinh nghiệm và biết mình cần phải làm gì.
Sau khi được tư vấn một cách kỹ càng như thế này, chị Từ đã thực hiện đúng như thế. Quan sát vài ngày, thấy con đi học về đều rất vui vẻ, bà mẹ này đã hỏi thăm: “Hôm nay con đi học thế nào?”. Từ Mẫn cười tươi khoe: “Con không còn bị bạn bắt nạt nữa mẹ ạ. Bạn ấy đòi đồ chơi của con, con đã bẻ ngón tay của bạn ấy, thế là bạn ấy khóc lên và bỏ chạy. Mấy ngày nay bạn ấy không lại chỗ con nữa”. Chị Từ thầm cảm ơn cô bạn chuyên gia tâm lý đã giúp chị giải quyết vấn đề tưởng là đau đầu này một cách gọn nhẹ.