Con gái mới lớp 2 đã “kinh doanh” cho thuê truyện tranh ở lớp “thành thần”. Tôi chẳng biết nên mừng hay lo.
Tôi có một đứa con gái tên Bông năm nay học lớp 2 nhưng đã tỏ ra thông minh từ rất sớm. Ngay từ năm mới 3,4 tuổi Bông đã biết đặt những câu hỏi khá hóc búa không ít lần khiến người lớn như tôi phải chới với vì không biết trả lời thế nào. Đến năm 5 tuổi Bông đã có những thắc mắc đầu tiên về tiền khi thấy mẹ đi chợ. “Mẹ ơi mẹ đưa gì cho bà bán rau đấy? đó là tờ mấy nghìn? tờ nào là tờ bé nhất và tờ nào là tờ to nhất?” Thắc mắc của trẻ con nhất định phải được giải đáp, tôi cũng nghĩ đã đến lúc phải dạy Bông hiểu dần về giá trị của đồng tiền và đã chỉ dạy cho con dần từng loại tiền, cách nhận biết và phân biệt. Chằng mấy chốc Bông đã rất thành thạo và nắm chắc được từng đồng việt nam, giơ ra tờ nào cô bé cũng biết. Đi chợ mua rau hết 10 nghìn, Bông thoăn thoắt lấy tiền trong ví mẹ đưa bác bán rau tờ 20 nghìn màu xanh, không quên dặn dò bác cẩn thận “bác nhớ đưa 10 nghìn trả cháu nhé”, lúc đó con mới chuẩn bị bước vào lớp 1.
Thú thực là thấy con chưa vào lớp 1 đã biết cộng trừ (tiền) nhoay nhoáy tôi cũng có chút tự hào. Đến năm 7 tuổi Bông bắt đầu biết đặt những câu hỏi khác cho mẹ như “mẹ ơi có phải mẹ đi làm để kiếm tiền nuôi con không?”, “nuôi con thì hết bao nhiêu tiền hả mẹ?”, “nhà mình như vậy có phải là giàu không?”, “Bạn Chích lớp con không có bố mà chỉ có mẹ đi làm kiếm tiền nuôi bạn ý còn con có cả bố cả mẹ đi làm thì có phải nhà mình giàu hơn nhà bạn ý không mẹ?” Thật đúng toàn những câu hỏi khó trả lời.
Con gái mới lớp 2 đã “kinh doanh” cho thuê truyện tranh ở lớp “thành thần” (ảnh minh họa)
Rồi chẳng biết nghe ai chỉ bảo, Bông bắt đầu nghĩ ra cách để kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Biết các bạn trong lớp thích đọc truyện tranh Naruto, cuốn truyện hot nhất lúc bấy giờ, Bông lại luôn được ông xã tôi mua truyện đúng ngày xuất bản đều đặn, con bé có ngay ý định trong đầu cho các bạn trong lớp thuê truyện. Nếu sáng hôm ấy bố mua truyện cho Bông, bé sẽ mang đến lớp cho bạn thuê. Bạn đầu tiên thuê sẽ phải trả giá cao nhất là 5 nghìn đồng được thuê đến hết tiết 1, bạn thứ hai chỉ còn 4 nghìn đồng thôi và cứ thế tiền thuê sẽ giảm dần theo từng giờ học. Theo như lời Bông kể thì thông thường đến giờ ra chơi là cuốn truyện sẽ giảm độ hot và sau giờ ra chơi thì giá cho thuê chỉ còn 1 nghìn đồng vì hầu như các bạn đều đọc được rồi. Thời gian đầu mỗi ngày cô bé cũng kiếm được khoảng 20 đến 30 nghìn, nhưng sau dần mô hình cho thuê truyện bắt đầu phổ biến. Cũng có bạn bắt chước Bông mua truyện mới rồi đem đến lớp cho thuê, dần dần con bé mất thế độc tôn nên con bé quyết định đóng cửa “shop thuê truyện di động”. Nhưng từng đó ngày cho thuê cũng đủ để Bông “bỏ lợn” được một khoản kha khá. Con đã mua tặng tôi bó hoa nhân ngày 8/3 khiến tôi rất ngạc nhiên và cảm động.
Tuy nhiên vì không muốn con có những suy nghĩ và hiểu lầm lệch lạc về giá trị của đồng tiền, ông xã tôi cũng ngồi dạy con rằng tuổi của con chỉ nên tập trung học hành mà không được phép sa đà quá sâu vào việc kiếm vài đồng tiền nhỏ nhoi. Có lẽ Bông cũng là một cô bé ngoan và thông minh nên nắm bắt và hiểu rất rõ nguyên tắc, quy định. Con vẫn luôn học tốt, luôn ngoan ngoãn trong lớp. Cô giáo chủ nhiệm cũng biết về kế hoạch kinh doanh của Bông nhưng vì không ảnh hưởng đến thành tích học tập của con nên cô cũng không nói gì, và tôi thấy việc con kiếm tiền sớm cũng không có gì nghiệm trọng.
Tiếp sau kế hoạch cho thuê truyện, Bông bắt đầu có những kế hoạch khác gắn bó hơn với sở thích của bé. Bông khéo tay và yêu thích những thứ đồ tự làm, cô bé đề nghị tôi dạy cách làm cặp tóc, bông tai bé bé xinh xinh và mang đến bán cho các bạn gái trong lớp. Lần này Bông “thắng to”, bởi mỗi một chiếc cặp, mỗi một cái bờm, đôi bông tai làm thì đơn giản nhưng bán ra lại cực lãi.
Tuy nhiên, con bé cũng chẳng vui được lâu. Nhiều phụ huynh khi biết con mình nhịn tiền ăn sáng để thuê truyện, mua cặp tóc, hoa tai của con gái tôi thì tỏ ra vô cùng bực mình. Có hôm, tôi còn phải tiếp một bà mẹ mang con đến tận nhà gửi trả đôi bông tai bị rụng và đòi Bông trả lại tiền cho bạn. Thái độ cuả vị phụ huynh đó như kiểu tôi là một bà mẹ chẳng ra gì, đi xúi giục con mình rút tiền túi của bạn. Ông xã tôi thì rất giận dữ và cấm tiệt Bông không được kinh doanh, lấy tiền của bạn bè ở lớp. Vậy nhưng tôi lại thấy những vị phụ huynh đó thật quá đáng. Chẳng mẹ nào cần dạy mà Bông nhà tôi tự thế đấy chứ. Tôi không muốn hạn chế khả năng phát triển của con gái mình. Trẻ con đứa khôn đứa dại và tôi thấy nếu con mình có thông minh hơn bạn, thì cũng không nên nghe lời những vị phụ huynh khác mà “cào bằng” con. Nhìn Bông buồn thiu vì không được kinh doanh nữa, mà tôi chẳng biết nên làm thế nào.
Tâm sự của độc giả ở địa chỉ mail quynh....@................