Chị Uyên Bùi chỉ ra nhiều "lỗi" mà các bậc cha mẹ hay mắc phải khi dạy con.
Từng làm dậy sóng cộng đồng mạng khi chia sẻ lựa chọn phương pháp “homeschool" cho con đến khi bé 18 tuổi, chị Uyên Bùi (đồng tác giả cuốn sách Để con được ốm) đã tạo nên một làn sóng “homeschool" và nhiều bố mẹ đã quan tâm hơn đến phương pháp này cũng như nhắc nhiều về nó.
Sau 2 năm, chúng tôi đã có dịp được trò chuyện với chị về cuộc sống hiện tại của bé Mật Ong và những quan điểm thú vị của chị trong việc giáo dục con.
Mật Ong rất yêu thích động vật và thường bắt bạn với tất cả những vật nuôi ở nơi bé đến từ mèo, chó đến cả bọ ngựa.
Homeschooling không phải là “học ở nhà"
Đến tận bây giờ, nhiều người quan tâm nhất về phương pháp homeschool vẫn là vấn đề giao tiếp của trẻ. Theo chị, trẻ được giáo dục theo phương pháp này có thực sự bị hạn chế về giao tiếp hay không?
Uyên Bùi: Trong thế giới của các cha mẹ theo đuổi “homeschool", việc hạn chế giao tiếp chỉ là “truyền thuyết" do các cha mẹ theo phương pháp giáo dục dành cho số đông tưởng như vậy. “Homeschool" không phải là CHỈ học ở nhà với bố mẹ, mà trẻ học ở tất cả mọi nơi mà không nhất thiết phải đến trường.
Bé được ra ngoài mỗi ngày, gặp rất nhiều người, những nơi bé đến đều là lớp học và những người bé gặp đều có thể là “thầy" bé. Studio của bố là lớp học nhiếp ảnh của bạn, bạn đến phụ giúp việc vặt và học về nhiếp ảnh, cách thức sử dụng ánh sáng, cách tráng rọi phim; bếp ở nhà là lớp học nấu ăn và chợ là lớp học về làm tính và tìm hiểu về thực phẩm...
Vậy theo chị, nên hiểu phương pháp “homeschool" một cách cụ thể là như thế nào?
Uyên Bùi: Nếu phải dùng từ gần nhất để giải nghĩa thì đó là “học tự do" - học theo cách mà trẻ thích thú nhất.
Như trong cuốn sách nổi tiếng Totto-chan bên cửa sổ, các em học sinh vẫn đến trường nhưng được thoải mái lựa chọn môn học theo thứ tự mà bản thân thích, lớp học cũng khác biệt khi sử dụng những toa tàu, thích ngồi chỗ nào cũng được, hay “thầy" dạy môn nông nghiệp là một bác nông dân…
Tôi gọi ngôi trường Tomoe là “homeschooling school". Ở Sài Gòn cũng có một ngôi trường như thế và bạn Ong được đến đây mỗi tuần 2 buổi chỉ để… chơi cả ngày với các bạn. Các bạn nhỏ được tôn trọng hoàn toàn về việc quyết định chơi gì và chơi như thế nào mà không bị can thiệp. Phương pháp học và cách tiếp cận với kiến thức mới là điều quan trọng, chứ không phải là trẻ ngồi học ở đâu, theo giáo trình nào, có phải do thầy cô dạy hay không.
Bé Mật Ong vui đùa cùng bạn bè. Bé được hầu hết bạn bè của bố mẹ khen là điềm tĩnh, tự tin và rất biết cách cư xử.
Thông qua vui chơi trẻ học được nhiều kỹ năng, thế còn học kiến thức thì sao?
Uyên Bùi: Kiến thức tồn tại dưới nhiều hình dạng: lý thuyết, thực tế, thực hành và tôi coi trọng những kiến thức áp dụng được trong cuộc sống hay còn gọi là kỹ năng.
Do đó, hiện nay, bé vẫn tiếp tục được học các kỹ năng sinh tồn mà bé yêu thích như học bơi và tự cứu, ứng cứu khi xảy ra sự cố đột ngột; học về giáo dục giới tính và các kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm; sử dụng công cụ như ipad để tìm kiếm thông tin.
Bên cạnh đó, bé học qua app các môn bé thích như khoa học, giải phẫu học, sinh lý học con người, hóa học, động lực học...
Nhưng các chuyên gia vẫn khuyên rằng không nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá sớm và quá nhiều. Là đồng tác giả của một cuốn sách khoa học - Để con được ốm, chị có thấy mình đang đi ngược lại khoa học không?
Uyên Bùi: Biết sử dụng công cụ là cách thức giúp loài người tiến hóa, thiết bị điện tử cũng chỉ là một công cụ phục vụ cho cuộc sống. Bản thân nó không gây hại, cách thức sử dụng mới là vấn đề nên được bàn đến.
Nếu bạn chỉ đưa cho trẻ ipad rồi để mặc cho trẻ xem những clip vô thưởng vô phạt cả ngày thì gây hại. Nhưng bạn tương tác với con, chỉ cho trẻ cách sử dụng ipad để tìm kiếm các thông tin trẻ muốn biết như: Bạch tuộc ăn gì? Con sâu hóa thân thành bướm ra sao? Cách để làm một cái bánh kếp? Hệ miễn dịch của con người hoạt động ra sao?... và trao đổi với con về những điều đó trong quá trình con tìm hiểu thì con sẽ học được rất nhiều. Nó không khác gì sách vở, thậm chí còn hơn bởi nó sinh động và thú vị hơn.
Bé Mật Ong học kỹ năng tự cứu và ứng cứu khi rơi xuống nước
Nhận biết mình sai là điều khó khăn nhất
Theo chị, đâu là điều khó khăn và thách thức khi chọn “homeschool” cho con?
Uyên Bùi: Tôi nghĩ đó chính là nhận biết được mình sai trong quá trình học làm bố mẹ vì “homeschool" là hành trình bạn phải tự đi mà không thể trông chờ ai đó giúp bởi chỉ có bạn mới hiểu con bạn nhất và biết cách thức nào là phù hợp với con. Trong khi, chúng ta lại thường hay mắc các lỗi tư duy và hay nhầm lẫn giữa các khái niệm với nhau như tự do với tùy tiện, như tôn trọng với mặc kệ, như hiểu chuyện với thụ động...
Thừa nhận mình sai để rồi sửa chữa là một điều khó khăn, nhưng để biết được rằng mình sai lại còn là điều khó khăn gấp bội. Nhất là khi bước chân vào một thế giới hoàn toàn mới như “homeschool" thì khái niệm đúng sai rất khó để phân tách mà điều nan giải nhất là nếu chúng ta sai thì con trẻ mới là người gánh chịu hậu quả.
Chị có từng phạm phải sai lầm nào trong quá trình giáo dục con?
Uyên Bùi: Tôi nghĩ sai lầm lớn nhất của mình chính là ảo tưởng rằng mình có thể dạy con làm điều này hay điều kia như dạy con bò, đi, nói... Nhưng thực tế đều là do con tự học cả.
Bé thường xuyên vận động thể chất mỗi ngày, đây là cách phòng bệnh hiệu quả nhất mà chị Uyên Bùi áp dụng.
Vậy chị coi trọng điều gì nhất khi giáo dục con trẻ?
Uyên Bùi: Với tôi, đó chính là chỉ bảo cho con khả năng tự giải quyết vấn đề. Ví dụ như con chơi đùa mệt chạy đến bảo tôi: “Con khát". Thay vì đi mua nước cho con, tôi sẽ hỏi: “Mẹ biết, rồi sao con?”. Khi đó, con sẽ suy nghĩ cách để xử lý vấn đề khát nước của mình thay vì chỉ đưa ra vấn đề rồi bắt tôi giải quyết, con bảo: “Mẹ dẫn con đi mua nước ạ!”.
Và tương tự như thế với mọi vấn đề thường gặp trong cuộc sống, từ việc con đói, con đau, con buồn… cho đến những việc khác như con muốn làm điều này, muốn tìm hiểu điều kia con tập được thói quen tư duy cách xử lý vấn đề của mình: tự giải quyết hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ ở đúng người khi không tự làm được.
Có khi nào chị cảm thấy lo sợ rằng con sẽ bị tụt lại so với bạn bè đồng trang lứa hay không?
Uyên Bùi: Khái niệm “tụt lại" chỉ xảy ra khi có sự so sánh. Điều này hay xảy ra ở trường học, nơi các học sinh sẽ được đánh giá năng lực thông qua các bài kiểm tra. Việc dùng một bài kiểm tra cho tất cả các đứa trẻ khác nhau theo nhà bác học Einstein đã nhận xét, không khác gì bắt các loài động vật khác nhau như cá, gà, vịt, báo, mèo... phải cùng trèo cây. Trong khi, mỗi em bé đều có sự phát triển khác nhau cả về thể chất lẫn trí não, ngay cả hai đứa trẻ sinh đôi cùng trứng cũng thế.
Vì thế, “homeschool" là dựa vào sự phát triển của từng đứa trẻ để áp dụng những phương pháp phù hợp nhất với khả năng của trẻ. Điều quan trọng là phát huy được kỹ năng mà con làm tốt nhất, chứ không phải là con phải làm được điều này hay điều kia giống trẻ khác. Do đó, khái niệm “tụt lại" không tồn tại trong phương pháp giáo dục mà gia đình tôi lựa chọn.
Bé đã có thể tự đi siêu thị ngay dưới khu chung cư mình ở mà không cần bố mẹ đi cùng
Chị có lời khuyên nào cho các cha mẹ muốn theo đuổi phương pháp “homeschool” không?
Uyên Bùi: Tôi vẫn chỉ là người đang mò mẫm đi con đường của mình nên không có lời khuyên nào cụ thể cả. Có một điều mà tôi biết rằng “homeschool" là tùy thuộc vào mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ, mỗi hoàn cảnh sống khác nhau, không thể áp dụng từ đứa trẻ này cho đứa trẻ khác.
Do đó, để theo đuổi “homeschool" bạn cần rất nhiều kiên nhẫn: kiên nhẫn để tìm hiểu thông tin thật kỹ càng, kiên nhẫn để chọn lọc ra được đâu mới là tốt nhất cho con mình, kiên nhẫn để không vội vàng áp dụng phương pháp này hay phương pháp kia lên con, kiên nhẫn để không thúc ép con phải đạt được điều này hay điều nọ.
Bên cạnh đó, bạn còn phải luôn cẩn trọng với mọi điều mình nói ra, cẩn thận với mọi hành động mình làm dù chỉ là nhỏ nhặt nhất bởi chỉ có bạn mới biết mình có đang đi đúng đường hay không, có đang làm điều thực sự tốt và phù hợp với con hay không.
Cuối cùng là sự nhất quán trong việc giáo dục con từ các thành viên trong gia đình để tránh tình trạng trẻ bị hỗn loạn giữa các cách giáo dục khác nhau.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Dưới đây là một số hình ảnh về cuộc sống hằng ngày của bé Mật Ong:
Bé Mật Ong học về tráng rọi ảnh trong studio của bố
Bé Mật Ong rất yêu thích việc đọc sách.
Bé được vui chơi thoải mái, không ngại bẩn và có thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể tốt mà bé Ong chưa phải uống viên thuốc kháng sinh nào và lướt qua bệnh rất nhanh và dễ dàng.
Bé cùng bố mẹ đi du lịch thường xuyên bằng xe máy
Bé hào hứng học chèo thuyền Kayak với bố
Và bé được đưa đi khắp nơi để học chụp ảnh.
Bé thường được gặp gỡ và giao lưu với những người bạn ngoại quốc của bố mẹ và rất thích thú khi được nói chuyện bằng tiếng Anh.