Thu Hiền cho biết hai vợ chồng sẽ dự định đưa bé về Việt Nam vào dịp Tết 2018.
Vào tháng 7/2014, đám cưới của cặp đôi "chồng xấu - vợ xinh" được đăng tải trên khắp diễn đàn mạng và trở thành câu chuyện gây xôn xao dư luận.
Điều khiến mọi người chú ý chính là vẻ bề ngoài của chú rể. Sau tai nạn ngoài ý muốn vì sự cố bom mìn vào năm 2001, chàng trai Trần Lâm (sinh năm 1991, sống tại TP. HCM) bị thương tật vĩnh viễn do bỏng 90% gương mặt. Còn cô dâu Thu Hiền (sinh năm 1993) lại là một cô gái xinh đẹp, thông minh và được nhiều người yêu mến.
"Liệu có phải vì tiền và cuộc sống giàu sang bên Canada mà một cô gái xinh đẹp như vậy lại chịu lấy chàng trai bị thương tật khuôn mặt" là những lời đồn đại ác ý của một bộ phận nhỏ cư dân mạng dành cho cặp đôi này.
Cách đây 2 tháng, cư dân mạng Việt Nam một lần nữa xôn xao bất ngờ khi đón nhận tin Trần Lâm và Thu Hiền vừa sinh con đầu lòng. Dù đang rất bận rộn với việc chăm sóc con nhỏ, Thu Hiền cũng đã lần đầu tiên chia sẻ về cuộc sống làm mẹ hiện tại của mình.
Ở Canada vẫn lén uống nước tía tô nên được đẻ sớm
Hiền có nhớ ngày vượt cạn của mình? Bạn đã có dấu hiệu chuyển dạ ra sao?
Mình còn nhớ rõ, ngày hôm đó là mùng 7 tháng 10. Khoảng 5 giờ sáng, mình bắt đầu thấy đau từng cơn. Cảm giác đau nhẹ nên mình vẫn bình tĩnh đi tắm gội và nằm nghỉ ngơi ở nhà. Đợi đến 9 giờ sáng, khi thấy cơn đau bắt đầu nhiều hơn, mình gọi chồng đưa hai mẹ con vào bệnh viện. Khi đến nơi, sau thủ tục khám thông thường, đến 13 giờ chiều mình được cho qua phòng chờ sinh.
Cơn đau đẻ rất dữ dội, cứ 5 phút lại đau một lần, mình khi đó chỉ biết nằm quằn quại, bám chặt lấy giường mà đập tay chứ không dám khóc, không dám la lấy một tiếng vì sợ sẽ không có sức rặn. Chồng mình ngồi kế bên mà không dám nhìn vợ, sợ nhìn xong lại khóc theo. Mãi một lúc sau anh ấy mới lại ngồi gần, bị mình nhéo, cắn tùm lum vì đau nhưng anh ấy vẫn chịu đựng (cười).
Bác sĩ nói với mình có thể đến 19, 20 giờ tối mình mới sinh nhưng chắc do mình lén uống nước tía tô ở nhà nên chỉ đến 16 giờ chiều, cổ tử cung mình đã mở đủ và được cho sinh luôn.
Em bé chào đời lúc 16h30 phút ngày 7 tháng 10
Cảm xúc của Hiền như thế nào khi lần đầu nhìn thấy con?
Lần đầu thấy con, mình khóc nức nở, vừa khóc vừa vui. Bé mới sinh mà đã biết tạo dáng cho mẹ chụp hình, nhìn "ghét" lắm (cười).
Hai vợ chồng càng yêu nhau hơn sau khi có con
Từ sau khi làm mẹ, cuộc sống của hai vợ chồng Hiền và Lâm có nhiều thay đổi?
Có con tất nhiên cuộc sống của bọn mình thay đổi rất nhiều. Hai vợ chồng tập trung nhiều hơn cho con. Vì sống xa quê hương, không có nhiều người thân bên cạnh nên mẹ chồng là người đã qua nhà phụ giúp hai vợ chồng mình trong tuần đầu sau sinh. Sau đó, mọi việc chăm con đều do bọn mình tự tay thực hiện.
Trước đây có mỗi hai vợ chồng, khi kết hôn rồi về sống chung vẫn thấy chỉ như các đôi đang yêu nhau. Đến giờ khi có con rồi, mình mới cảm nhận được cái gọi là gia đình thật sự. Có con, vợ chồng mình càng hiểu và yêu nhau nhiều hơn.
Mình cũng không còn quan tâm nhiều đến những lời đồn ác ý ngày xưa, chỉ biết sống sao hết mình cho gia đình, cho chồng và cho con.
Ông xã giúp đỡ rất nhiều chuyện chăm con nhỏ
Hiền có gặp phải nhiều khó khăn khi lần đầu chăm trẻ sơ sinh?
Lần đầu nuôi con sơ sinh, nói cực thì chắc ai ai cũng đều cực cả. Bé nào dễ nuôi thì mẹ đỡ vất vả, bé nào khó nuôi thì mẹ cũng phải chịu thôi. Ở Canada mình không có gia đình ngoại nên việc gì cũng phải tự cố gắng. Mình không kiêng cữ nhiều sau sinh vì còn phải chăm con nhỏ. Hơn nữa mình cũng nghĩ làm sao để con khoẻ mạnh trước là được.
Nhiều khi ở nhà trông con một mình, thấy con khóc mình cũng căng thẳng lắm, không biết con muốn gì, thấy con khóc cũng chỉ muốn khóc theo. Nhưng rồi mình đi hỏi hết người này người kia, hỏi những người từng có con, có kinh nghiệm làm mẹ. Mình cũng lên mạng tìm hiểu nữa, ngày nào cũng lên mạng đọc về cách chăm con.Lúc có bầu đã thấy thương con, sinh ra đau đớn càng thấy thương con nhiều hơn. Sau sinh đi đứng bất tiện, nhiều cái mệt mỏi nhưng nhìn con mình cảm thấy vui lắm, làm gì cho con cũng là đáng hết.
Chồng có giúp đỡ Hiền nhiều trong chuyện chăm con?
May mắn mình không bị trầm cảm sau sinh mà còn cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Mình cảm nhận được tình yêu của chồng dành cho mình nhiều hơn, cũng thấy chồng đã có trách nhiệm hơn xưa, biết lo lắng hơn xưa.
Chồng phụ giúp mình nhiều lắm. Anh ấy rất quan tâm đến hai mẹ con. Trước đây khi sống cùng với nhau, chuyện nấu nướng do mình đảm nhiệm nên anh Lâm hầu như không biết gì. Hôm đầu nấu cơm cho vợ đẻ, anh ấy làm thịt kho mà hỏng nguyên cả nồi. Vậy nhưng hôm sau thì nấu ăn "đâu ra đấy". Từ từ, anh ấy biết nấu rất nhiều món ăn. Sáng sáng đi làm, tối về làm đồ ăn sẵn cho hai mẹ con. Việc đi chợ bàn giao lại cho anh ấy. Giặt đồ cho con anh ấy cũng tự giặt tay chứ không dùng máy giặt.
Mỗi khi con khóc, anh ấy thay phiên dỗ con giúp mình. Bé bện hơi ba lắm nên cứ canh 8,9 giờ tối thấy ba về là thể nào cũng mở mắt dậy đòi ba bế (cười).
Mẹ chồng - nàng dâu ngày càng khăng khít
Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của Hiền sau khi sinh con đầu lòng có nhiều thay đổi?
Về mẹ chồng thì trước đây hai mẹ con mình đã rất thân thiết, thậm chí còn như hai người bạn thân thì nay mẹ chồng và mình còn gần gũi hơn xưa. Mình sinh xong, mẹ quan tâm đến mình từ giờ giấc sinh hoạt, chuyện ăn uống, quần áo...Mình may mắn vì gia đình chồng rất yêu thương mình. Mình chưa bao giờ có khái niệm "mẹ anh - mẹ em". Gia đình chồng chính là gia đình lớn của mình.
Sẽ nuôi con theo cả "Tây" cả "Ta"
Là mẹ Việt sống tại Canada, Hiền lựa chọn nuôi con theo kiểu Tây hay Việt?
Mình không có lựa chọn nào cụ thể mà thấy điều gì tốt thì mình sẽ làm cho bé. Mình sẽ áp dụng cả hai phương pháp. Ở Tây người mẹ hay cho con ngủ riêng, hút sữa hoàn toàn chứ không cho con bú trực tiếp. Với mình thì mình thích cho bé ngủ chung hơn, và cũng muốn cho bé bú trực tiếp.
Tuy nhiên mẹ Tây cũng có nhiều điểm mình thấy cần phải học tập. Ví dụ như khi con lớn, có lẽ mình sẽ tập cho bé ăn dặm theo kiểu Tây, để con được tập thói quen tự ngồi vào bàn ăn, không ăn rong và ăn những món ăn giống các em bé ở đây để có thể tự thích nghi. Mình thấy các em bé Tây rất tự lập, đa số đều ăn không cần ba mẹ đút hoặc chạy lung tung, mình thích điều này.
Mình cũng quan sát và thấy cha mẹ Tây khi con chơi mà bất cẩn té ngã, họ không đỡ con dậy mà để bé tự đứng dậy, sau đó họ mới quan tâm và động viên bé.
Sinh con xong, sau một tuần là mình cũng cho bé ra ngoài để thích nghi với môi trường như mọi bà mẹ ở đây chứ không có quan niệm kiêng cữ đủ 3 tháng 10 ngày mới cho con ra đường. Sau một tuần, mình cũng bắt đầu cho bé nằm sấp để massage cho con. Hành động này có thể khiến nhiều mẹ Việt lo lắng nhưng theo bác sĩ ở đây cho biết, khi trẻ sơ sinh được hơn 7 ngày tuổi là mẹ có thể cho bé nằm úp sau khi ngủ dậy vài phút để đầu bé không lép và xương được chắc chắn hơn.
Trẻ sơ sinh thực ra có thể làm được rất nhiều thứ nhưng cha mẹ thường có tâm lý lo sợ nên bao bọc con quá mức, dần dần làm mất khả năng phát triển của con khi bé hoàn toàn có thể.
Trong tương lai, hai vợ chồng có dự định đưa bé về VN thăm gia đình?
Chắc chắn rồi, hai vợ chồng mình nhớ Việt Nam lắm. Nếu không có gì thay đổi, Tết năm 2018, chúng mình sẽ cho bé về thăm bên ngoại.
Xin cám ơn Thu Hiền về cuộc trò chuyện thú vị