Ngủ trưa tưởng chừng như là việc đơn giản nhưng có thể ảnh hưởng đến não bộ sau này.
Nhiều cha mẹ cho rằng ngủ trưa sẽ khiến cho trẻ ngủ muộn vào ban đêm và ảnh hưởng đến hoạt động ngày hôm sau. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ tinh nghịch và không hợp tác với bố mẹ về giấc ngủ ban trưa. Do đó, các bậc phụ huynh thường bỏ lơ và không mấy quan tâm đến vấn đề này.
Đối với người lớn chúng ta, ngủ trưa sẽ giúp cơ thể lấy lại năng lượng sau một buổi sáng làm việc mệt mỏi, và trẻ em cũng không ngoại lệ. Ngủ trưa thường xuyên không chỉ tốt cho cơ thể trẻ mà còn đảm bảo hiệu quả học tập. Trẻ em đang ở giai đoạn phát triển thể chất quan trọng, vì vậy, việc ngủ đủ giấc giúp cho trí não cũng như hoạt động não bộ của trẻ phát triển bình thường. Ví dụ sau đây sẽ chứng minh về lợi ích thật sự của giấc ngủ trưa cho trẻ nhỏ.
Jiajia và Yuanyuan là 2 đứa trẻ đi học, lớn lên và tham gia các hoạt động vui chơi cùng nhau. Gia đình của 2 cô nhóc là hàng xóm và thường xuyên bên cạnh, giúp đỡ nhau như người thân. Yuanyuan là một cô bé hoạt bát, năng động và cũng khó bảo hơn. Sau mỗi buổi trưa, dù đã bị bắt ép, người nhà đã ngủ cả nhưng Yuanyuan nhất quyết không chớp mắt, làm cha mẹ phần nào bất lực.
Đến khi đi học, mỗi buổi trưa ở trường luôn làm cô bé cảm thấy buồn chán. Mặc các bạn khác ngoan ngoãn đi ngủ, chỉ có Yuanyuan là còn thức và nằm một mình ngơ ngác. Kết quả là, buổi chiều cô bé không còn năng lượng và thường xuyên ngáp khiến cô giáo nhiều lần nhắc nhở.
Sau khi 2 đứa trẻ lên tiểu học, sự khác biệt giữa trí não của người có ngủ trưa và không ngủ trưa đã bắt đầu biểu hiện rõ ràng hơn. Trong khi Jiajia - thường ngủ trưa, luôn hứng thú với việc học, có trí nhớ tốt và được xếp vào học lực giỏi nhất của lớp thì ngược lại, vì buổi trưa không ngủ, Yuanyuan luôn ngáp trong lớp, trí nhớ kém, và điểm thua xa những bạn top đầu.
Đại học Pennsylvania từng thực hiện một cuộc khảo sát về giấc ngủ trưa của trẻ và chọn ra 4000 em học sinh để hỗ trợ cho cuộc khảo sát. Kết quả là, những đứa trẻ ngủ trưa thường xuyên có kết quả học tập tốt hơn và tâm trạng ổn định hơn.
Trẻ ngủ trưa có lợi ích gì?
Ngủ trưa giúp tăng cường trí nhớ và trí não cho trẻ
Ngủ trưa có lợi cho sự phát triển trí thông minh và trí nhớ. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non, không ngủ vào buổi trưa sẽ có tác động đến việc lưu trữ bộ nhớ não của trẻ, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập của chúng.
Lấy lại năng lượng và giúp nâng cao hiệu quả học tập
Sau một buổi sáng hoạt động, năng lượng bị tiêu hao hoàn toàn và não bộ bước vào trạng thái kiệt quệ. Nhiều bậc cha mẹ thấy trẻ nghịch ngợm cả ngày, thậm chí dù không ngủ trưa cũng không thấy chúng mệt mỏi, dẫn đến suy nghĩ rằng trẻ nhiều năng lượng dù không ngủ trưa cũng không sao. Thế nhưng, thực tế rằng, trẻ em hay người lớn đều cần sự nghỉ ngơi để bổ sung kịp thời năng lượng, và sức mạnh thể chất. Nếu không chợp mắt sau buổi trưa, cơ thể sẽ phản ứng và tỏ ra uể oải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công việc và học tập vào buổi chiều.
Trẻ không ngủ trưa ảnh hưởng đến thị lực
Sau một buổi sáng vui chơi, học tập, đôi mắt của trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, nhất là đối với những đứa trẻ được ba mẹ cho tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ điện tử, dẫn đến nhức mỏi mắt. Nếu buổi trưa không để mắt nghỉ ngơi và để mắt mỏi vào buổi chiều, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên giục con ngủ trưa, điều này có thể giúp mắt thư giãn, đỡ mệt mỏi.
Làm thế nào để trẻ hình thành thói quen ngủ trưa?
Giám sát và giúp trẻ hình thành thói quen, thời gian biểu
Cha mẹ nên lập thời gian biểu cho con, sắp xếp thời gian ngủ trưa hợp lí, phù hợp với hoạt động vui chơi, và học tập của con. Đồng thời, đừng quên đôn đốc trẻ thực hiện nghiêm túc hằng ngày, lâu về sau, trẻ sẽ tự cảm giác buồn ngủ và tự hình thành thói quen ngủ trưa cho mình. Giám sát trẻ đi ngủ sớm và dậy sớm, làm việc và nghỉ ngơi đều đặn sẽ giúp trẻ mau lớn và giúp ích cho sức khỏe.
Đừng làm trẻ quá phấn khích trước khi đi ngủ
Khi đến giờ đi ngủ, không nên để trẻ chơi game và xem TV, điều này sẽ kích thích sự hưng phấn của não bộ. Cha mẹ nên cố gắng hết sức để trẻ yên lặng, nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc sách, những điều này cũng rất hữu ích đối với trẻ và giúp trẻ ngủ ngon hơn