Dùng xác thằn lằn trị ho hay nước chanh thoa da chữa chứng vặn mình cho con nhỏ chính là những mẹo dân gian sai lầm đáng tiếc nhất khiến trẻ gặp nạn.
Với suy nghĩ lạm dụng thuốc Tây để điều trị bệnh cho trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật, nhiều mẹ Việt đã tìm đến các mẹo, các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị mỗi khi trẻ mắc bênh.
Tuy nhiên, trong tất cả các phương pháp dân gian, không phải phương pháp nào cũng đúng và đem lại hiệu quả. Thậm chí, nếu không hiểu biết chính xác về những mẹo dân gian đó còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Điển hình là 3 trường hợp dưới đây:
Chữa ho cho trẻ bằng xác thằn lằn và thuốc tàu
Vụ bé gái 20 ngày tuổi ở An Giang tử vong vì gia đình sử dụng phương pháp dân gian sai lầm để điều trị ho một lần nữa là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh.
Người thân của bé cho biết, trước đó mấy ngày, bé N.T.H.T. (sinh ngày 18/10/2016, ở xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang được BV huyện Thoại Sơn) bị ho, thở khò khè. Gia đình đã bắt thằn lằn đốt thành than rồi tán ra, pha nước cho bé uống. Ngoài ra còn ra tiệm thuốc Tàu khai bệnh, mua thuốc về cho bé uống mà không rõ là thuốc gì.
Bé T đã tử vong vì gia đình dùng xác thằn lằn và thuốc bắc để trị ho.
Sau 6 ngày điều trị tích cực, bé T. rơi vào sốc, phải đặt nội khí quản, thở máy và tử vong ngày 20/11 do bị viêm ruột hoại tử và nhiễm trùng máu.
Theo BS Đinh Thị Bích Loan, Phó trưởng khoa Hồi sức nhi (BV Sản - nhi An Giang) thuốc tàu là phương pháp trị bệnh truyền miệng, không qua kiểm chứng. Trong thuốc có chất gây nghiện hoặc gây giảm nhu động ruột, làm liệt ruột, viêm ruột hoại tử, đặc biệt là với trẻ sơ sinh.
Dùng nước chanh và lòng trắng trứng chữa vặn mình cho trẻ
Gần đây dan mạng xôn xao trước bài chia sẻ của một bà mẹ trẻ giới thiệu cách chữa chứng vặn mình cho trẻ sơ sinh.
Trẻ bị vặn mình hay còn gọi là rướn là do có lông đen ở dưới da gây ngứa, khiến trẻ khó chịu, mất ngủ… nên giãy dụa, vặn mình như “sâu”. |
Theo bà mẹ trẻ này, mặc dù đã dùng nhiều mẹo giân gian khác nhưng không hiệu quả, chị quyết định sử dụng hỗn hợp nước chanh và lòng trắng trứng để chữa chứng vặn mình cho con. Cách làm đơn giản là lấy hỗn hợp này thoa lên khắp người bé để đánh lông đẹn. Sau khi lông đẹn nổi lên thì dùng bột mỳ xoa lên tiếp để lấy đi lông đẹn.
Bà mẹ trẻ hào hứng chia sẻ cách chữa chứng vặn mình cho trẻ bằng chanh và mật ong.
Trước chia sẻ của bà mẹ trẻ, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đây là một mẹo dân gian vô cùng dễ thực hiện lại có thể điều trị chứng vặn mình cho trẻ nên truyền tay nhau với “tốc độ chóng mặt”.
Tuy nhiên, số khác lại tỏ ra vô cùng bất ngờ với phương pháp lạ kỳ này. Họ cho rằng làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh nếu bị chà chanh vào, axit có thể làm hỏng lớp da non nớt đó còn chưa nói đến việc nhiễm trùng hay những hậu quả đang tiếc khác.
Đồng ý với quan điểm trên, Ths.BS Lê Minh Trác, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẳng định: “Đây là một phương pháp phản khoa học, nhiều năm làm nghề, tôi chưa bao giờ nghe đến phương pháp này”.
Theo bác sĩ Trác, nếu các bà mẹ áp dụng theo phương pháp này thì rất nguy hiểm, bởi khi dùng hỗn hợp như chia sẻ trên mạng xã hội gồm nước cốt chanh, lòng trắng trứng gà và bột mỳ sẽ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn, viêm và sưng tấy.
"Chứng vặn mình ở trẻ sơ sinh là hoàn toàn bình thường và không phải là do lông đẹn, mà đó là biểu hiện của việc thiếu canxi, còi xương. Cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa", bác sĩ Trác nói thêm.
Tưa lưỡi cho trẻ bằng mật ong
Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh được gây ra do một loại nấm có tên khoa học là candida albicans. Bệnh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: có thể ngay từ khi còn trong bụng mẹ sống trong môi trường bị ô nhiễm hoặc sau khi sinh bị nhiễm nấm từ bình sữa không được vệ sinh. |
Rất nhiều bà mẹ truyền tay nhau phương pháp tưa lưỡi cho trẻ bằng mật ong. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Hồi tháng 10/2013, báo chí đưa tin vụ việc một bé gái 2 tháng tuổi ở quận 3, TP HCM bị co giật vì mẹ sử dụng mật ong để tưa lưỡi.
Theo mẹ của cháu bé chia sẻ, thấy con bị tưa lưỡi, chị đã lấy mật ong tẩm vào khăn rồi đánh lên lưỡi cho bé. Lần đầu thì không sao nhưng lần thứ hai, bé nhanh chóng lên cơn co giật và được các bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc mật ong.
Trường hợp bé N.V.N (Ứng Hòa, Hà Nội) thì nặng hơn, phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng, liệt cơ cũng do mẹ thường xuyên tưa lưỡi bằng mật ong.
Tuyệt đối không nên tưa lưỡi cho trẻ bằng mật ong.
Theo nhận định của bác sĩ Hà Thị Loan, Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong mật ong có nhiều độc tố botulium, tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt. Nếu ngộ độc nặng có thể tử vong. Trẻ dưới 1 tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng) tuyệt đối không được dùng mật ong.