Khám phá thú vị trong cách dạy con kiểu Đông - Tây khiến các mẹ 'sửng sốt'.
Mỗi nền văn hóa khác nhau có cách 'huấn luyện' con không giống nhau. Trong khi các bà mẹ Mỹ/ Phương tây thường chú trọng đến việc rèn tính tự lập và có xu hướng 'thả lỏng' con phát triển tự nhiên thì cha mẹ Trung Quốc/ Đông Á lại 'ủm' và kiểm soát con rất kỹ. Tại sao lại có những khác biệt này? Cùng chúng tôi lý giải nhé!
Cha mẹ Trung Quốc/Đông Á kiểm soát con chặt hơn cha mẹ Mỹ / Phương tây
Khi nói đến cách dạy con của cha mẹ Trung Quốc, từ đầu tiên nhiều người nghĩ đến hẳn sẽ là: kiểm soát, độc tài, nghiêm khắc. Và người mẹ tiêu biểu, hội đủ 3 yếu tố trên chính là Amy Chua, giáo sư Đại Học Yale, ‘mẹ Hổ’ nổi tiếng với cách dạy con siêu hà khắc.
Nhưng tại sao, cha mẹ Trung Quốc nói riêng và cha mẹ ở các nước Đông Á nói chung lại độc đoán và kiểm soát con cái nhiều hơn cha mẹ phương Tây? Các nhà khoa học đang cố gắng làm sáng tỏ điều này dựa trên văn hóa và tâm lý.
Một nghiên cứu tâm lý cho rằng: Cha mẹ người Trung Quốc luôn ‘ra luật’ và kiểm soát con chặt có thể do những lo ngại tâm lý như: con bị bắt nạt, con gặp nguy hiểm… Việc sẵn sàng làm ‘mẹ Hổ’ bao bọc con nhằm mục đích bảo vệ để con phát triển tốt hơn. Ngoài ra, áp lực xã hội và truyền thống ‘cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’ hay ‘cha mẹ cầm tay chỉ việc’ cũng là nguyên nhân khiến mẹ Trung Quốc/ Đông Á luôn 'ủm' con.
Để những lập luận trên thêm phần thuyết phục, một nghiên cứu có tên “Tại sao mẹ Trung Quốc kiểm soát con nhiều hơn mẹ Mỹ” đã được tiến hành. Nghiên cứu khảo sát 215 bà mẹ và trẻ em Trung Quốc; Mỹ. Kết quả, hành vi kiểm soát tâm lý con của mẹ Trung Quốc thường do tâm lý lo lắng, bất an…
Ngoài ra, văn hóa Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung thường đề cao ‘quyền’ của cha mẹ, cũng như sự tôn trọng và tuân phục của con cái. Việc cha mẹ Trung Quốc/ Đông Á sẽ phụ thuộc vào con lúc tuổi già là một trong những lý do khiến họ kiểm soát con, mong muốn đảm bảo cho con một tương lại tươi sáng.
Amy Chua là bà mẹ tiêu biểu cho cách dạy con siêu hà khắc để uốn con thành tài
Thành công của con quyết định giá trị của cha mẹ Trung Quốc/ Đông Á
Một ví dụ điển hình của nhận định trên là ‘trận chiến’ của Amy Chua với 2 cô con gái. Để ‘huấn luyện’ con thành người tài, bà ‘mẹ Hổ’ này đã sử dụng biện pháp ‘yêu cho roi cho vọt’. Ví dụ, khi con gái từ chối việc tập đàn hàng ngày, Amy Chua thường sẽ mắng con là lười biếng, bê tha, đáng thương… để gây sức ép với con.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng: thành công hay thất bại của con sẽ quyết định giá trị của các bà mẹ Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung. Ví dụ: khi con đạt kết quả cao, mẹ có thể ngẩng cao đầu, tự hào và được ngợi ca là giỏi nhưng nếu con thất bại trong thi cử hoặc bị điểm kém trong các kỳ kiểm tra thì tâm lý của các bà mẹ này mặc định sẽ là ‘mình dạy con thật tệ’. Và chính việc gắn giá trị của mẹ vào thành công hay thất bại của con khiến các mẹ Trung Quốc thường rèn và kiểm soát con chặt.
"Cha mẹ càng cảm thấy giá trị của họ dựa trên mức độ thành công của con cái, họ càng bị áp lực và sẵn sàng làm mọi thứ để thúc đẩy con”,Giáo sư Florrie Fei-Yin Ng tại Đại học Trung văn Hương Cảng, Hồng Kông nói.
Ngoài ra, định nghĩa thành công ở Trung Quốc/ Đông Á giới hạn trong địa vị xã hội, một công việc tốt với mức lương khá, trong khi đó ở Mỹ/ phương Tây thì thành công có thể chỉ gói gọn trong việc phát triển tư duy độc lập.
Khi con được ngợi ca là tài năng, mẹ Trung Quốc/ Đông Á sẽ được đánh giá cao (Ảnh minh họa).
Cha mẹ Trung Quốc/ Đông Á hay so sánh con hơn Mỹ/ Phương tây
Trong cách dạy con, một khác biệt dễ nhận ra là cha mẹ Trung Quốc/ Đông Á thường có tâm lý so sánh con em mình với những đứa trẻ khác, bất kể ở nơi công cộng hay chốn riêng tư.
Thấy một đứa trẻ cùng độ tuổi với con có thể làm được điều này, điều kia trong khi con mình chưa làm được, mẹ Trung Quốc/Đông Á thường lo sợ và tìm cách ‘huấn luyện’ con mà không chịu hiểu rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng, có năng khiếu và tài năng riêng.
“Điều này mẹ thấy tốt nhất cho con”, “Mẹ làm điều này vì tương lai của con” hoặc “Tất cả mọi thứ mẹ làm đều vì con”… là câu cửa miệng thường được mẹ Trung Quốc/Đông Á sử dụng khi muốn con nghe lời hoặc khi con phản kháng lại quyết định của cha mẹ.
Đặc biệt, cha mẹ Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung thường có xu hướng để toàn bộ cuộc sống của mình xoay quanh con cái. “Đây là một mối quan hệ không lành mạnh, nên có ranh giới hợp lý giữa cha mẹ và con”, Giáo sư Florrie Fei-Yin Ng nói. "Tuy nhiên, sự tham gia của cha mẹ vào cuộc sống của con cái không phải luôn là một điều xấu. Đã có nghiên cứu cho thấy cha mẹ tham gia nhiều vào việc giáo dục sẽ làm cải thiện kết quả của trẻ ở trường."
Mẹ Trung Quốc/ Đông Á có xu hướng nói dối con nhiều
Một nghiên cứu đã chứng minh, dù cha mẹ Trung Quốc và Mỹ đều nói dối để tác động đến hành vi của con. Song, cha mẹ Trung Quốc có xu hướng nói dối nhiều hơn và chấp nhận lời nói dối ở mức độ lớn hơn.
Các nhà khoa học Mỹ, Trung Quốc và Canada đã ‘test’ danh sách những lời nói dối thường được sử dụng của 114 phụ huynh Mỹ và 85 phụ huynh Trung Quốc. Kết quả, những câu nói kiểu như: “Con sẽ lùn nếu bỏ thừa đồ ăn”, “Mẹ sẽ đi một mình nếu con cứ lề mề mãi” hoặc “Nếu con hư, mẹ sẽ phạt nặng”… thường hay được sử dụng để ‘trấn áp’ con khi con phá bĩnh, quậy nghịch.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: 84 % số cha mẹ Mỹ và 98% số cha mẹ Trung Quốc từng dùng ít nhất một lời nói dối tương tự như trong danh sách. Các bậc cha mẹ Trung Quốc nói dối nhiều hơn, mặc dù cha mẹ ở cả hai nước đều cho rằng nói dối ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ.
Nhưng có một điểm khá thú vị là, cha mẹ Trung Quốc lại nói dối ít hơn cha mẹ Mỹ khi muốn phản đối con mình. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với sự khác biệt văn hóa giữa hai quốc gia. Sự khác biệt văn hóa dẫn đến một hiện tượng, đó là "chú trọng hơn đến sự tôn trọng và vâng lời trong nền văn hóa châu Á khiến cha mẹ sẵn sàng nói dối để đạt được mục đích".